Chốn tu hành mở rộng việc chăm lo

21/07/2021 - 12:00

PNO - Những ngày dịch bệnh bùng phát, các cơ sở tôn giáo đóng kín cổng, thu hẹp hoạt động để đảm bảo nguyên tắc 5K. Nhưng với bao khó khăn ngoài kia, những cánh cửa lòng vẫn luôn rộng mở.

“Các sư cô không mệt đâu”

Đón nhận từng bọc thức ăn từ tay các sư cô rồi chuyển lên xe, cảm nhận rõ hơi ấm của các suất ăn đang tỏa ra, chị Lê Thị Kim Thủy - Phó Chủ tịch Hội LHPN Q.6, TP.HCM - ái ngại nhìn sư cô trụ trì: “Phải thức dậy từ khuya chắc các cô mệt lắm?”. “Các sư, các cô không mệt đâu. Chẳng đáng là bao so với các anh em công an, dân phòng vẫn đang trực chốt nắng mưa, các y, bác sĩ ngày đêm giành giật sự sống cho người bệnh, những tình nguyện viên lấy mẫu từ đêm đến sáng. Các anh chị em còn không than mà mình mệt gì!” - giọng ấm áp, sư cô Duy Ân đáp lời. Đã hơn một tháng dịch bùng phát, chùa Diệu Pháp hạn chế khách vãng lai. Tuân thủ 5K, các sư cô kêu gọi phật tử không đến chùa, nên 1.596 suất cơm chay buổi sáng ấy đều do người của chùa chuẩn bị, nấu nướng. 

Để kịp 10 giờ trưa các phường đến nhận cơm về phát cho dân, rau đã được nhặt từ tối hôm trước, 3 giờ khuya bếp ăn nhà chùa sáng đèn, sư trụ trì khuấy động không gian sinh hoạt đầu ngày bằng việc rửa rau. 

Rồi các sư cô nấu cơm, xào rau, nấu canh… mỗi người một tay theo thực đơn có sẵn. Rau củ xong thì cơm cũng vừa chín, các sư quay sang vô hộp, vô bịch… Ai cũng tranh thủ làm thật nhanh nên chỉ còn “lách cách” những âm thanh bát đĩa chạm nhau.

Các sư cô chùa Bồ Đề Lan Nhã hỗ trợ 200 suất quà cho người dân khó khăn
Các sư cô chùa Bồ Đề Lan Nhã hỗ trợ 200 suất quà cho người dân khó khăn

Nhưng không phải đến hôm nay mà từ những ngày đầu dịch bùng phát, nhà chùa đã chủ động gọi điện cho Hội Phụ nữ quận thông báo: chùa sẽ nấu cơm chay vào Chủ nhật, Quận Hội cần bao nhiêu suất để hỗ trợ người nghèo? Ban đầu, Quận Hội chỉ dám xin 500 suất/lần vì sợ nhà chùa vất vả. Nhưng dịch ngày càng phức tạp, các khu phong tỏa xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là khu trọ có đông người lao động, các chị đành ngại ngùng xin thêm. Sư cô khoát tay: “Các cô cứ tổng hợp, cần nhiêu bên chùa cũng nấu”.

Vậy là nhà chùa không chọn đứng ngoài cuộc chiến, các nữ tu chùa Diệu Pháp đã nấu trên 10.500 suất ăn và tặng 1.500 phần quà cho hội viên phụ nữ, người dân khó khăn ở P.11 và các phường trên địa bàn Q.6. Hễ có rau củ quả của phật tử gửi cho, các sư cô lại bớt ra nhờ Quận Hội chia cho người khó.

Cùng chia sẻ với gánh nặng của chính quyền và các đoàn thể địa phương trong công tác chăm lo cho dân, từ tháng Năm, khi dịch bắt đầu bùng phát, chùa Bồ Đề Lan Nhã đã đóng cửa, ngưng các khóa tu, ngay cả khi chưa có chỉ đạo của địa phương và Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM. Cửa chùa đóng nhưng cửa lòng nơi nhà chùa thì vẫn rộng mở. Khi chị Lê Thị Kim Thủy, đại diện Hội LHPN Q.6, xuống xin 50 phần quà cho phụ nữ khó khăn, người bán vé số, vô gia cư, sư cô trụ trì Thích Nữ Như Hiền nói: “Ít quá cô Thủy, hay là chùa sẽ hỗ trợ 100 phần đi”. Nhưng “100 phần quà thì có là bao, đến được tay bao nhiêu người” - sư cô Như Hiền trăn trở rồi quyết định tổ chức trao 200 suất quà, mỗi suất trên 500.000 đồng với 17 món đồ, ngay trong buổi sáng hôm sau. 

Là Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Q.6 đặc trách ni giới nên lúc nào chùa Bồ Đề Lan Nhã cũng quan tâm đến phong trào phụ nữ và công tác chăm lo. Bốn năm liền, nơi đây là đầu mối tổ chức “Ngày hội nữ tu Q.6 làm công tác từ thiện xã hội”. Chính sư cô trụ trì là người vận động cả nữ tu Phật giáo, Cao Đài và Công giáo đến chùa để cùng chung tay chăm lo an sinh xã hội. 

Sân giáo đường cấp tập rau củ quả, nhu yếu phẩm

Tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM công tác chăm lo, hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh của Hội LHPN quận chưa một ngày ngưng lại. Mỗi ngày, Quận Hội luôn có trung bình 200 suất ăn phân phối về các phường để hỗ trợ người khó khăn (chưa tính rau củ và các mặt hàng thiết yếu). “Trong những ngày này, vẫn biết cực và nguy hiểm lắm, nhưng chúng tôi không thể ở nhà” - chị Cao Thị Hiền, Chủ tịch Hội LHPN P.11, Q.Bình Thạnh - nói.

Các xơ dòng Thánh Phaolô đưa cơm đến tận  khu cách ly cho người dân
Các xơ dòng Thánh Phaolô đưa cơm đến tận khu cách ly cho người dân

Làm sao mà ở nhà được khi những người sống lặng lẽ nhất còn lên tiếng, còn xốc vác, xông pha. “Hôm nay thế nào cô Hiền? Có ổn không? Có bao nhiêu hộ khó khăn tại các tuyến hẻm?” - ngày nào xơ Nguyễn Thị Đông - quản lý dòng Nữ Phan Sinh Thừa sai Đức Mẹ - đều gọi cho chị Hiền hỏi thăm. Cũng bởi câu hỏi đó mà các chị gần như thuộc lòng từng con hẻm bị phong tỏa.

Nhưng không chỉ hỏi thăm, hễ hẻm nào bị phong tỏa là các xơ có mặt với đường, sữa, gạo, mì, nước tương, nước mắm, cá thịt, rau xanh và cả những suất cơm cho người già neo đơn. Từ đầu mùa dịch đến nay, trong sân nhà thờ lúc nào cũng cấp tập rau củ và nhu yếu phẩm mà các xơ vận động từ khắp nơi. 432 phần quà và 5 tấn rau củ quả đã được trao đi. Có những phần quà không tự đưa đi được thì các xơ cho vào từng túi rồi nhờ chị em cán bộ Hội đến nhận và chuyển đến người dân giúp. “Các xơ không có gì nhiều, chỉ giúp bà con chút ít để cùng vượt qua khó khăn” - xơ Đông ái ngại.

Tại P.17, Q.Bình Thạnh, những ngày đầu mùa dịch, các xơ dòng Thánh Phaolô đã sử dụng Trường mầm non Thiên Anh kế bên tập viện làm bếp ăn để nấu những suất cơm miễn phí suốt từ thứ Hai đến thứ Bảy hằng tuần. Hiện nay, để đảm bảo người dân không tập trung quá đông, Hội Phụ nữ phường đã chủ động phát huy nguồn lực tại chỗ, vận động hội viên tại tổ, tại hẻm, nhận cơm đến phát tận nhà cho những người già, người khuyết tật và người bán vé số trên địa bàn phường. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI