Cấp giấy phép biểu diễn 1 năm cho mỗi vở diễn: 'Bóp cổ' người làm sân khấu

12/05/2017 - 07:00

PNO - SK đang đối mặt với trăm ngàn khó khăn, nhiều SK xã hội hóa chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí tính đến việc phải đóng cửa, sao quản lý nhà nước còn chồng thêm gánh nặng?

Sau một năm, để có thể tiếp tục diễn, đơn vị nghệ  thuật sẽ phải xin gia hạn giấy phép (GP). 

Điều 6, Nghị định 15/2016/NĐ-CP quy định thời hạn hiệu lực của GP cấp cho chương trình sân khấu (SK) tối đa là 12 tháng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2016. Như vậy, tất cả những vở diễn được phúc khảo từ thời điểm này về sau chỉ được cấp phép đúng một năm.

Trước khi có Nghị định 15/2016/NĐ-CP, vở diễn chỉ cần duyệt một lần, nếu được cấp phép thì đó là GP không thời hạn.

Cap giay phep bieu dien 1 nam cho moi vo dien: 'Bop co' nguoi lam san khau
Rau răm ở lại -vở diễn đầu tiên của SK Hoàng Thái Thanh "dính" quy định mới

Việc duyệt lại một vở đã có GPBD thường là do vở được dàn dựng ở một SK khác và quản lý SK đó muốn “sở hữu” GPBD của vở; hoặc vở được dàn dựng lại có thay đổi so với bản dựng đã được cấp phép.

Vấn đề là vì sao GPBD cấp cho một vở diễn chỉ có hiệu lực một năm? Một tác phẩm SK khi đã được hội đồng nghệ thuật thẩm định nội dung, chủ đề tư tưởng và cho phép biểu diễn thì không thể có vấn đề về nội dung, tư tưởng.

Tác phẩm đó tồn tại một năm, mười năm hay lâu hơn nữa tùy thuộc vào giá trị nghệ thuật của nó có và sự hưởng ứng của khán giả, chứ đâu phải vào tờ GP. Vì thế, việc gia hạn GP chỉ gây thêm phiền toái, khó khăn chứ chẳng ích lợi gì, nên  thật khó nhận được sự đồng thuận từ những người làm SK.

Cap giay phep bieu dien 1 nam cho moi vo dien: 'Bop co' nguoi lam san khau

Yêu đi thôi - vở diễn ra mắt tết Đinh Dậu nhưng không vướng nghị định mới nên không cần phúc khảo và cũng không bận tâm việc gia hạn giấy phép

Thực tế, thay đổi này không chỉ làm các nhà quản lý SK bức bối mà ngay cả các thành viên Hội đồng nghệ thuật (HĐNT) của Sở VH-TT TP.HCM - những người trực tiếp duyệt vở trước khi vở được cấp phép, cũng… chưng hửng.

“Ông bầu” SK Idecaf Huỳnh Anh Tuấn bức xúc: “Quy định thời hạn của GPBD vừa phi lý, vừa quan liêu và đi ngược bản chất của nghệ thuật”.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc gia hạn GP là cần thiết, nhất là ở thời điểm SK đang hoạt động rất tự do trong cơ chế thị trường. Gia hạn GP là cách quản lý hiệu quả để không tiếp tục cấp GP cho những vở diễn bị dư luận phản ứng, bị những người thực hiện tự ý sửa chữa trong quá trình biểu diễn nhằm câu khách, tạo ra sự khác biệt so với bản dựng phúc khảo.

Cap giay phep bieu dien 1 nam cho moi vo dien: 'Bop co' nguoi lam san khau
Vở Một thời để nhớ do NSƯT Trịnh Kim Chi đầu tư

Thật ra, nếu có việc cố tình thay đổi để câu khách thì sự sửa đổi sẽ được thực hiện ngay sau khi vở diễn được hội đồng duyệt thông qua và cho phép công diễn. Việc kiểm tra là hoàn toàn không khó vì vở vẫn công khai biểu diễn, chỉ là do công tác hậu kiểm đã bị bỏ ngỏ từ nhiều năm.

Chỉ cần “qua ải” là nếu muốn, SK tha hồ nhào nặn, thay đổi, chờ đến lúc gia hạn GP mới bị ngưng biểu diễn là đã quá trễ. Bao nhiêu thứ dung tục, nhảm nhí đã được tung ra cho khán giả suốt một năm dài.

Vở Mùi da người của SK Sao Minh Béo trước đây là một ví dụ. Bản công diễn của vở được giới thiệu là nhằm giáo dục giới tính cho khán giả 16+ (?!) đã làm khán giả người lớn cũng phải đỏ mặt vì những màn yêu đương nóng bỏng, dung tục và phản cảm trên SK. Đó cũng là những cảnh không hề có khi duyệt vở. 

Chưa kể, quy định gia hạn GP lại chỉ áp dụng với những vở được cấp phép từ sau ngày 1/5/2016. Vậy những vở đã được cấp phép trước đó thì thế nào? Nếu gia hạn vì lý do quản lý thì  rõ ràng hiệu quả chỉ bằng không, bởi những vở diễn đã “biến tướng” trước đó vẫn ung dung ngoài vòng kiểm soát.

Cap giay phep bieu dien 1 nam cho moi vo dien: 'Bop co' nguoi lam san khau
Sau mỗi năm, muốn diễn lại vở phải làm thủ tục xin phép 

Đã vậy, khoản phí phải đóng khi gia hạn lại tương đương với lúc đăng duyệt vở, dù không cần đến HĐNT, e là chỉ muốn “bóp cổ” người làm SK.

NSND Trần Ngọc Giàu đặt vấn đề: “Phí này được thu dựa trên cơ sở nào? Sử dụng cho những việc gì? Gia hạn GP chỉ là một thủ tục hành chính đơn giản sao lại thu phí như lúc duyệt vở?”.

SK đang đối mặt với trăm ngàn khó khăn, nhiều SK xã hội hóa chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí tính đến việc phải đóng cửa, sao quản lý nhà nước còn chồng thêm gánh nặng? 

“Trong nhiều cuộc họp với các cấp lãnh đạo, HĐND TP, giới làm nghề chúng tôi đã đề xuất, kiến nghị về việc cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước đối với các đơn vị SK xã hội hóa; nhưng mãi vẫn chỉ nhận được mấy chữ “sẽ xem xét”.

Cap giay phep bieu dien 1 nam cho moi vo dien: 'Bop co' nguoi lam san khau

Giờ thì kết quả của việc xem xét đó là chúng tôi phải đóng thêm một khoản tiền để “mua lại” GPBD mà trước đó đã một lần “trả tiền để mua". Chúng tôi cũng đã đặt vấn đề với Sở VH-TT về bất hợp lý này thì nhận được câu trả lời: “Đây là quy định của Bộ VH-TT-DL!” - NSND Hồng Vân bức xúc.

NSƯT Trịnh Kim Chi cũng ngậm ngùi: “May mắn là Một thời để nhớ - một vở diễn do chúng tôi tự đầu tư về đề tài thanh niên xung phong đã được cấp phép trước ngày nghị định có hiệu lực một tuần. Nếu trễ hơn thì từ bây giờ, muốn diễn phục vụ tôi sẽ phải xin gia hạn GP, dù chỉ diễn đúng một suất.

Thay vì phải nhận được sự hỗ trợ từ Sở VH-TT đối với những suất diễn phục vụ, tuyên truyền; chúng tôi phải lại mất thêm tiền để được gia hạn GP trước khi “gồng mình” gánh chi phí cho một suất diễn miễn phí (!?)”. 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI