Cảnh báo nạn nhái tên tài khoản ngân hàng để lừa đảo

13/04/2022 - 06:10

PNO - Do tên chủ tài khoản ở các ngân hàng khi hiển thị trên các ứng dụng thanh toán thường không có dấu nên các đối tượng xấu đã dùng những tài khoản có tên tương tự để lừa người khác chuyển tiền.

Bỗng dưng thành con nợ 

Đại diện Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, gần đây, xuất hiện nhóm người lạ mở tài khoản ngân hàng với tên rất giống tài khoản đã có (của khách hàng nào đó), sau đó dùng tên và hình ảnh của khách hàng đó lập tài khoản Zalo rồi vay mượn tiền. Hình thức này tinh vi hơn so với thủ đoạn đánh cắp (hack) tài khoản Facebook của khách hàng rồi mượn tiền người thân kết bạn qua Facebook. Với chiêu thức lừa đảo mới, nhiều người nhìn vào thông tin, hình ảnh cá nhân, tài khoản, thấy trùng khớp với người thân, người quen của mình nên không đề phòng. 

Anh V.T.Đ. (TP.Hà Nội) kể, mới đây, nhiều người thân, bạn bè anh nhắn tin hoặc gọi điện thoại, thông báo đã chuyển khoản cho anh khiến anh rất ngạc nhiên. Theo thông tin do bạn bè cung cấp, ai đó đã lập tài khoản Zalo với tên và hình ảnh của anh Đ. Người lạ này sau đó kết bạn với rất nhiều người thân, bạn bè của anh Đ. rồi vay tiền họ với lý do cần việc gấp, chữa bệnh gấp, cần tiền để xét nghiệm COVID-19 và đề nghị chuyển tiền vào tài khoản V.T.Đ. mở tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV). “Do tài khoản Zalo được lập bằng tên và hình ảnh của tôi, tài khoản nhận tiền ở ngân hàng cũng mang tên tôi nên một số người chủ quan, chuyển vào tài khoản giả mạo trên tổng cộng hơn 100 triệu đồng” - anh Đ. kể. 

Một số tin nhắn của đối tượng giả mạo anh V.T.Đ. để mượn tiền - ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Một số tin nhắn của đối tượng giả mạo anh V.T.Đ. để mượn tiền

Sau khi phát hiện vụ việc, anh Đ. đã trình báo với công an, đồng thời liên hệ với BIDV để kiểm tra. BIDV xác nhận, số chứng minh nhân dân (CMND) của anh Đ. không mở tài khoản tại ngân hàng này. Đại diện BIDV cảnh báo: “Các đối tượng xấu đã thu thập thông tin của người khác, lập một tài khoản mạng xã hội có tên và ảnh đại diện giống họ rồi dùng giấy tờ của người có tên tương tự để mở tài khoản ngân hàng. Có thể đối tượng đã mua dữ liệu danh bạ điện thoại của khách hàng từ bên thứ ba, sau đó kết bạn, nhắn tin với người trong danh bạ để mượn tiền”. 

Một nhân viên Ngân hàng Quân Đội (MB) cho biết, từng có một thanh niên đến đăng ký mở tài khoản ngân hàng nhưng lại đăng ký bằng một số điện thoại khác. Tên của thanh niên này trùng với tên của khách hàng A. đã mở tài khoản tại MB. Sau đó, thanh niên này hack Facebook, giả mạo Zalo của khách hàng A., sử dụng tên tài khoản cùng tên khách hàng A. để lừa mượn tiền khắp nơi. 

Ngân hàng cần siết chặt khâu thẩm định 

Luật sư Nguyễn Hà Phong (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết từng thụ lý một số vụ việc tương tự trường hợp anh Đ. Ngoài thủ đoạn nhờ người có tên tương tự nạn nhân mở tài khoản ngân hàng, kẻ xấu còn dùng thẻ CMND của nạn nhân để mở tài khoản ngân hàng hoặc dùng CMND giả có tên giống hoặc gần giống với nạn nhân để mở tài khoản ngân hàng. 

Có đối tượng dùng số tài khoản này để mượn tiền nhưng cũng có đối tượng dùng giấy tờ giả vào ngân hàng để rút tiền của khách hàng. Trong tháng 3/2022, Công an Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội đã thụ lý vụ một người dùng CMND nghi giả mạo tên Huỳnh Trọng Nhân đến thực hiện giao dịch chuyển khoản, rút tiền từ chủ tài khoản mang tên Huỳnh Trọng Nhân với số tiền 65 triệu đồng tiền mặt và chuyển khoản 400 triệu đồng từ tài khoản này tới chủ tài khoản mang tên Nguyễn Mạnh Toàn. Qua điều tra, cơ quan công an phát hiện, Nguyễn Mạnh Toàn cùng hai đối tượng khác đã dùng bảy giấy CMND giả có dán ảnh của mình để mở khoảng 30 tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau.

Trước đây, thủ tục mở một tài khoản ngân hàng khá dễ, có thể thông qua hình thức trực tuyến, chấp nhận xác thực hình ảnh không trùng với hình ảnh trên CMND. Hiện nay, thủ tục đăng ký mở tài khoản ngân hàng chặt chẽ hơn, yêu cầu gương mặt xác thực phải trùng với hình ảnh trên CMND. 

Tuy nhiên, do nhiều nhân viên ngân hàng bị áp lực về chỉ tiêu nên phải tìm khách hàng thông qua mạng lưới cộng tác viên. Có không ít cộng tác viên chạy theo hoa hồng, không thẩm định khách hàng mở tài khoản. Trên nhóm (group) Facebook “Mở tài khoản ngân hàng online”, nickname L.L. rao, nhận mở tài khoản tại hàng chục ngân hàng, khách chỉ cần cung cấp CMND và số điện thoại, bao hồ sơ “từ A đến Z”. Theo giải thích của một nhân viên ngân hàng, L.L. có thể là cộng tác viên của một số nhân viên ngân hàng, thay khách hàng ký hồ sơ đăng ký mở tài khoản rồi đưa về cho nhân viên ngân hàng đó. Do nhân viên ngân hàng tin tưởng cộng tác viên nên không mấy khi thẩm định lại khách hàng. Sự dễ dãi này có thể dẫn đến tình trạng dùng thông tin CMND của người khác mở tài khoản ngân hàng để lừa đảo. 

Theo luật sư Nguyễn Hà Phong, các ngân hàng phải thường xuyên kiểm tra nhân viên về việc phải thẩm định khách hàng đăng ký mở tài khoản. Khách hàng tuyệt đối không để cho người khác dùng thông tin của mình mở tài khoản vì sau đó họ có thể đem bán thông tin đó. Bên mua có thể dùng thông tin này làm chuyện phi pháp. 

Theo anh V.T.Đ., có nhiều cách để nhận biết việc lừa đảo. Đầu tiên là việc kẻ lừa đảo chủ động kết bạn, điều này là bất thường vì nếu đã là bạn của nhau rồi thì không ai lại kết bạn lần nữa. Thứ hai là, kẻ lừa đảo thường không biết mối quan hệ của các nạn nhân nên sẽ gửi một tin nhắn dò hỏi, kiểu như “Alo”, “Alo chị” để đợi nạn nhân trả lời, từ đó xác định cách xưng hô rồi bắt đầu nhắn nội dung lừa đảo. “Khi có ai đó mượn tiền, nên xác nhận lại bằng cách gọi điện thoại trực tiếp” - anh V.T.Đ. nói. 

Trò lừa tuyển cộng tác viên bán hàng online nhắm vào phụ nữ 

Công an Hà Nội mới đây đã cảnh báo về hình thức lừa đảo nhắm vào nhiều đối tượng, đặc biệt là phụ nữ nuôi con nhỏ bị mất việc làm sau dịch COVID-19. Các đối tượng lừa đảo lập ra các hội, nhóm, fanpage… trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo tuyển cộng tác viên bán hàng qua mạng (bán hàng online) với hứa hẹn nhận chiết khấu cao.

Người tham gia sẽ tự bỏ tiền túi, chuyển khoản để thanh toán các đơn hàng online do các đối tượng ngụy tạo. Sau khi thanh toán, người tham gia sẽ được hoàn lại toàn bộ số tiền gốc, cộng thêm tiền hoa hồng 10 - 20%. Ban đầu với những đơn hàng có giá trị một vài trăm ngàn đồng đến một vài triệu đồng, người tham gia được hoàn tiền và hoa hồng rất nhanh chóng. Chính điều này khiến nhiều người tin tưởng là công việc nhẹ nhàng, có thu nhập cao nên mạnh tay thanh toán các đơn hàng có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng. Lúc này các đối tượng không hoàn tiền lại cho người tham gia mà chiếm đoạt, xóa toàn bộ các liên lạc trước đó.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI