Cẩn trọng khi uống để "trắng da, đẹp tóc"

09/04/2013 - 07:25

PNO - PN - Trên thị trường đang rộ lên đủ loại sản phẩm (SP) uống để “làm đẹp từ bên trong”. Các bác sĩ da liễu khẳng định: chưa có cơ sở khoa học chứng minh hiệu quả của nhóm SP này và người dùng có nguy cơ “rước bệnh” nếu...

Can trong khi uong de

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (ảnh: socola.vn)  

Tại các nhà thuốc, shop mỹ phẩm đều bày bán những SP dạng dung dịch, bột, viên nén có thành phần từ tân dược cho đến Đông dược, quảng cáo chiết xuất từ cá, thịt bò tơ, nhau thai cừu, sữa ong chúa… cho đến các loại thảo dược: hoa đào, nhân sâm, tảo nâu, bí đao, mầm đậu nành; thuốc quý bồi bổ khí huyết… Phần lớn SP được khuyên dùng cho chị em từ tuổi dậy thì trở lên, đặc biệt với phụ nữ trên 30 tuổi. Điều kiện phải uống đều đặn mỗi ngày và uống liên tục từ ba tháng trở lên. Không ít SP quảng cáo “hiệu quả chỉ sau một - hai tuần”. Ngoài tác dụng chính là làm đẹp da, giải độc, các SP còn có thể… giảm cân, ngăn ngừa đau bụng kinh, điều hòa kinh nguyệt, tăng khả năng sinh dục và còn hỗ trợ điều trị tình trạng huyết áp thấp, đau đầu, mất ngủ… Nhiều chị em đã không ngần ngại chi bạc triệu hàng tháng để vừa đẹp vừa khỏe.

Nắm bắt đây là thị trường màu mỡ nên cả các nhãn mỹ phẩm lớn và các công ty Đông dược, các cơ sở nhỏ lẻ đều tung SP dạng này với quảng cáo “làm đẹp từ bên trong”. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, chị em dễ dàng thấy các hình ảnh của: viên uống làm đẹp da Tây Thi, Younger, Bonita, Neovita White Plus, viên dưỡng da Hoa Thiên, nước uống làm đẹp da Shiseido Collagen, viên uống trị nám da, tàn nhang White Plus LCE, nhiều nhất là SP collagen các loại… Các SP có đủ mức giá, từ 250.000 - ba triệu đồng/hộp.

Ngoài các SP nhập khẩu chính ngạch, tại nhiều cửa hàng, trang mạng còn rao bán đủ loại SP là hàng xách tay, SP tự chế. Trên một số diễn đàn, các bà mẹ chia sẻ nhau kinh nghiệm làm đẹp và kháo nhau dùng các loại thuốc uống, nhiều chị rao bán SP mầm đậu nành nguyên chất do nhà tự làm, quảng cáo “không chỉ làm đẹp da mà còn khỏe trong chuyện ấy”. Do chỉ mất 300.000đ/100g để dùng trong ba tháng nên nhiều chị không ngần ngại bỏ tiền mua, dù không biết thực hư hiệu quả thế nào. Kết quả, nhiều người dùng phàn nàn “SP để lâu đóng thành cục mà chả thấy tác dụng gì”.

Đáng nói, nhiều SP không hề có lưu ý chống chỉ định, nhiều nơi còn tư vấn SP có thể dùng cho tất cả các trường hợp. Không ít chị em nóng lòng muốn đạt hiệu quả nhanh và nhiều tác dụng cùng lúc nên uống kết hợp vài loại SP. Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa - Hội Dược liệu TP.HCM, nhiều loại thảo dược có tác dụng giúp cải thiện làn da cho chị em, nhưng bất kỳ công thức nào thì hiệu quả chỉ có thể đạt được sau một thời gian dài (ít nhất từ ba tháng trở lên) chứ không thể tức thì, chỉ sau một-hai tuần như quảng cáo. Ngoài ra, nguyên tắc dùng là nhắc lại với tần suất thưa dần chứ không nên dùng liên tục. Các SP gọi là thuốc thì phải qua nghiên cứu lâm sàng, chứng minh hiệu quả cụ thể mới có thể tin được.

BS Hoàng Văn Minh - Trưởng phòng khám Da liễu ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, các loại thực phẩm chức năng này không được nghiên cứu trên thực nghiệm lâm sàng, xét về khía cạnh y khoa không có tác dụng điều trị. Thực tế, người dùng thường mua theo kinh nghiệm và truyền tai nhau, ai tin thì uống chứ bác sĩ không kê toa vì không phải là thuốc. Nhiều chị em tự mua uống vitamin để đẹp da nhưng coi chừng lại có hại. Đã không ít trường hợp phải điều trị vì bị dị ứng, ngứa ngáy do uống vitamin. Có nghiên cứu cho thấy, nhóm uống vitamin E bị đột quỵ nhiều hơn nhóm không sử dụng. Uống nhiều vitamin C cũng có thể bị sỏi thận và gây khó chịu cho người mắc bệnh đau bao tử, nếu uống liều cao sau 16g còn bị mất ngủ. Chưa kể, do nôn nóng, nhiều người đã uống nhiều SP cùng lúc có thể dẫn đến ngộ độc vì hàm lượng các chất nạp vào cơ thể dư thừa.

Nghiên cứu gần đây nhất cho thấy, việc chạy theo xu hướng dùng vitamin tổng hợp, đặc biệt là vitamin C, E để “chống lão hóa” gây đục thủy tinh thể và có nguy cơ dẫn đến mù lòa. “Tránh dùng vitamin E liều cao (trên 400IU/ngày) kéo dài vì làm tăng nguy cơ tử vong. Khi dùng trên 2.000IU/ngày có thể dẫn đến buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, triệu chứng giống cúm hay phản ứng da (viêm da tiếp xúc, chàm…). Với vitamin trong điều trị chống lão hóa da nên dùng cách quãng, liều thấp và là dạng thuốc thoa. “Nên bổ sung chất dinh dưỡng như vitamin và khoáng chất hàng ngày thông qua thức ăn vì an toàn và hiệu quả”, BS Minh khuyến cáo.

Cẩm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI