Cần Giờ có Tổ may Xanh

02/04/2024 - 06:18

PNO - Số tiền thu được từ việc may túi tái chế chưa thể giúp chị em có nguồn thu ổn định, nhưng ai cũng thấy vui vì đã góp phần làm giảm chất thải nhựa ra môi trường.

Biến vật dụng bỏ đi trở nên hữu ích

Gần 1 năm qua, đi đến đâu, thấy băng rôn, áp phích sắp bị bỏ đi, chị Nguyễn Thị Ngọc Thanh - Tổ trưởng Tổ may Xanh (huyện Cần Giờ) - lại xin. Mang về nhà, chị Thanh cùng với các chị em ở xã An Thới Đông mày mò đo, cắt, may để cho ra đời những chiếc túi đi chợ.

Thấy những vật dụng gần như đã bỏ đi trở nên hữu ích sau quá trình tái chế, chị Thanh đã mạnh dạn mang sản phẩm ra chợ giới thiệu với bà con tiểu thương với giá từ 5.000-10.000 đồng/chiếc. Sản phẩm cũng được Hội LHPN huyện Cần Giờ đặt hàng để mang tặng người dân, tiểu thương các chợ và kết nối với các cơ quan, trường học đặt hàng làm quà tặng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy (thứ năm từ trái sang) trao tặng máy may cho Tổ may Xanh
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy (thứ năm từ trái sang) trao tặng máy may cho Tổ may Xanh

Ngoài ra, sản phẩm còn được giới thiệu đến các điểm du lịch cộng đồng Thiềng Liềng, du lịch sinh thái Dần Xây, chợ Hàng Dương và các chợ truyền thống trên địa bàn nhằm góp phần hạn chế sử dụng túi ni lông.

Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, Việt Nam đang thải ra khoảng gần 2,5 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, hơn một nửa trong số đó là rác thải nhựa dùng 1 lần. Việt Nam cũng đứng thứ tư trong số những quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất.

Trước vấn nạn này, nhiều năm qua, các cấp, các ngành, đoàn thể tại TPHCM đã và đang thực hiện nhiều phong trào, dự án với nhiều cách làm sáng tạo nhằm giảm thiểu phần nào lượng rác thải nhựa ra môi trường.

Chị Nguyễn Thị Bích Hòa - cán bộ Hội LHPN huyện Cần Giờ - cho biết, là địa phương đang đẩy mạnh phát triển du lịch, lượng khách đến Cần Giờ tăng lên mỗi năm; các sự kiện du lịch, hội nghị, lễ hội… cũng thường xuyên được tổ chức. Sau mỗi chương trình, sự kiện như thế, rất nhiều những băng rôn, biển hiệu bằng vải nhựa bị vứt bỏ dù còn rất mới.

Trăn trở trước vấn đề này, tháng 2/2023, trong chuyến tham quan học tập kinh nghiệm tại Đà Nẵng, đến thăm mô hình “Cửa tiệm hạnh phúc” của phường Cẩm Nam (TP Hội An) - một mô hình kinh doanh từ việc tái chế mang lại nguồn thu nhập ổn định cho những chị em yếu thế - Hội LHPN huyện Cần Giờ đã đem về áp dụng tại địa phương mình.

Tín hiệu phấn khởi

Để thực hiện mô hình, Hội LHPN huyện Cần Giờ thành lập Tổ may Xanh với các chị em có nghề may tại xã An Thới Đông, do chị Nguyễn Thị Ngọc Thanh - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ An Đông - làm tổ trưởng.

Tiếp đó, Hội LHPN huyện phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh Greenhub tổ chức 4 buổi tập huấn về kỹ năng cắt may, thiết kế sản phẩm giúp nâng cao giá trị thẩm mỹ và đa dạng mẫu mã sản phẩm, đồng thời vận động trao tặng cho tổ may 2 chiếc máy may với mục tiêu, sản phẩm không chỉ mang ý nghĩa truyền thông mà còn phải mang lại giá trị kinh tế, giúp các thành viên có thêm thu nhập.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Thanh - Tổ trưởng Tổ may Xanh - mang sản phẩm đi giới thiệu tại các chợ trên địa bàn
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thanh - Tổ trưởng Tổ may Xanh - mang sản phẩm đi giới thiệu tại các chợ trên địa bàn

Từ sản phẩm ban đầu là giỏ đi chợ, đến nay các thành viên của Tổ may Xanh đã sáng tạo ra rất nhiều sản phẩm khác như: ví cầm tay, bóp đựng bút, túi đựng bình nước cá nhân, giỏ đựng đồ trang điểm, mỗi sản phẩm có giá từ 20.000-60.000 đồng.

Sau một thời gian thực hiện, Tổ may Xanh đã sử dụng nguồn nguyên liệu từ hơn 2.000kg pa nô, băng rôn và 200kg vải thừa để sản xuất ra gần 3.000 chiếc túi đi chợ, bóp ví các loại để bán ra thị trường và thu về gần 12 triệu đồng.

Chị Ngọc Thanh cho biết, sản phẩm của tổ hiện phải cạnh tranh giá cả với các loại túi vải nên vẫn còn khó khăn khi tìm đầu ra. Số tiền thu được từ việc may túi tái chế không nhiều, chưa thể giúp chị em trong tổ có nguồn thu ổn định, nhưng ai cũng thấy vui khi góp phần làm giảm chất thải nhựa PVC, PP, PE ra môi trường. Ngoài ra, Tổ may Xanh cũng phấn khởi tiếp nhận 3 đơn hàng với số lượng 5.000 túi đi chợ, dự kiến sẽ giao hàng trong tháng 5/2024.

“Cùng với các mô hình như Quyên góp xanh, Thu gom - xử lý rác thải sinh hoạt, Hạn chế sử dụng túi ni lông, Nói không với rác thải nhựa, Ủ nước rửa chén từ vỏ trái cây… đã hoạt động rất tích cực tại Cần Giờ từ nhiều năm qua, tôi tin sản phẩm tái chế từ băng rôn, áp phích sẽ tiếp tục góp phần vào những đổi thay tích cực trong nhận thức của người dân, nâng cao hiệu quả về việc hạn chế rác thải nhựa ra môi trường” - chị Ngọc Thanh nói.

Nhân An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI