Hội nghị lần thứ 42 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X nhiệm kỳ 2015-2020:

Cân đối thu chi là áp lực lớn của TPHCM

08/07/2020 - 08:01

PNO - Việc cân đối thu chi gặp nhiều khó khăn chính là áp lực lớn cho ngân sách thành phố.

Ngày 7/7, Hội nghị lần thứ 42 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X nhiệm kỳ 2015-2020 đã khai mạc với nhiều nội dung quan trọng về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020. Các đại biểu cũng dành thời gian thảo luận, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện 7 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X và công tác xây dựng Đảng.

Theo ông Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch UBND TPHCM, với những khó khăn, thách thức lớn, thành phố đã xác định đầu tư công là một trong những yếu tố then chốt, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 đã và đang tác động sâu sắc, toàn diện đến kinh tế - xã hội. Từ đầu năm đến nay, UBND thành phố đã giao kế hoạch đầu tư công năm 2020 với tổng số vốn hơn 41.691 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách thành phố hơn 33.940 tỷ đồng, vốn Trung ương hơn 7.751 tỷ đồng.

Nhằm thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế “hậu COVID-19”, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 đã được thành phố bố trí có trọng tâm, trọng điểm theo hướng ưu tiên tập trung nguồn lực cho các chương trình đột phá của thành phố. “Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tính đến hết ngày 16/6, tổng vốn đầu tư công đã giải ngân là 11.860,815 tỷ đồng, đạt 28,5% tổng kế hoạch vốn đã giao, cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ”, ông Liêm nói.

Hiện TPHCM theo dõi tiến độ 9 dự án đang triển khai trên địa bàn. Thực hiện kế hoạch vốn ODA đã giao năm 2020 là 15.532,191 tỷ đồng và vốn đối ứng là 1.723,078 tỷ đồng. Ước lũy kế giải ngân đến tháng 6/2020 là 1.466,3 tỷ đồng, đạt 9,44% so với kế hoạch vốn được giao, vốn đối ứng là 148,06 tỷ đồng, tức lũy kế giải ngân đối ứng đạt 8,59%. Thành phố phấn đấu đến tháng 10 đạt tỷ lệ giải ngân từ 80% trở lên, cả năm đạt từ 95% trở lên.

Các dự án Metro 1, 2 mới được điều chỉnh phê duyệt tổng mức đầu tư nhưng còn một số nội dung cũng đang chuẩn bị kế hoạch nhà thầu nên chưa giải ngân được đồng nào.
Các dự án Metro 1, 2 mới được điều chỉnh phê duyệt tổng mức đầu tư nhưng còn một số nội dung đang chuẩn bị kế hoạch nhà thầu nên chưa giải ngân được - Ảnh: Diễm Mi

Tổng thu ngân sách nhà nước TPHCM thực hiện ước tính 163.201,095 tỷ đồng, đạt 40,21% dự toán, giảm 14,39% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước tính 29.671,527 tỷ đồng, đạt 29,08% dự toán, tăng 22,25% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 9.112,279 tỷ đồng, chi thường xuyên 16.912,592 tỷ đồng.

Việc cân đối thu chi gặp nhiều khó khăn chính là áp lực lớn cho ngân sách thành phố. Để có thể bảo đảm an sinh xã hội, thành phố triển khai chi hỗ trợ cho các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong khi nguồn thu ngân sách dự kiến giảm do nhiều doanh nghiệp một số ngành nghề tạm dừng hoạt động, thu gọn quy mô sản xuất hoặc có nguy cơ phá sản...

“Tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị bị ảnh hưởng do thiếu hụt nhân lực trong thị trường lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng thiết bị, vật liệu cho nhà thầu. Việc huy động nhân sự đảm bảo công tác thi công, nhất là các gói thầu tư vấn gặp khó khăn do có nhân sự là chuyên gia nước ngoài”, ông Liêm cho hay.

Đánh giá về báo cáo kinh tế - xã hội của thành phố, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục khẳng định phải đẩy mạnh đầu tư công. Nếu tính thêm khối lượng hoàn thành thực tế, dòng tiền đã vào hoạt động sản xuất kinh doanh chưa hoàn tất thủ tục thanh toán, quyết toán, thì theo ông, tổng giải ngân đã đạt hơn 43% kế hoạch vốn đã giao trong điều kiện dịch bệnh là rất đáng trân trọng. Ông yêu cầu thành phố phải hoàn thành đầu tư công trong năm nay.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt quan tâm câu chuyện 8.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh do COVID-19. “Đến nay, có bao nhiêu doanh nghiệp đã được hỗ trợ? Tiền chi cho chủ doanh nghiệp hay người lao động cũng cần phải được thành phố làm rõ thêm trong báo cáo”, ông nói.

Các đại biểu cũng thảo luận về dự thảo báo cáo sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Theo dự thảo, từ năm 2016 đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy thành lập 34 đoàn kiểm tra, giám sát đối với 168 tổ chức đảng và 85 đảng viên. Các cấp ủy toàn thành phố đã thi hành kỷ luật 42 tổ chức đảng (36 khiển trách, 6 cảnh cáo). Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy thi hành kỷ luật khiển trách 4 tổ chức đảng; cấp ủy các cấp thi hành kỷ luật 38 tổ chức đảng (32 khiển trách, 6 cảnh cáo). Đã thi hành kỷ luật 1.897 đảng viên gồm: 1.339 khiển trách, 442 cảnh cáo, 70 cách chức, 46 khai trừ. Trong đó, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy thi hành kỷ luật 17 đảng viên.

Nội dung vi phạm chủ yếu về thực hiện không đúng quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; vi phạm các quy định về công tác cán bộ; vi phạm trong quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng; thẩm định, tham mưu, đề xuất hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước...

Ngoài các nội dung nêu trên, dự kiến hội nghị sẽ làm việc trong một ngày rưỡi (từ 7 đến 8/7) để thảo luận về báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, ngân sách giai đoạn 2015-2020 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2021-2025. 

Quốc Ngọc

 
TIN MỚI