Các trường mầm non TPHCM đang tuyển giáo viên tràn lan, dễ dãi

11/05/2024 - 06:12

PNO - Rất nhiều cơ sở giáo dục mầm non tư thục ở TPHCM đang rầm rộ đăng tuyển giáo viên trên mạng xã hội. Khi chúng tôi gọi điện thoại, các cơ sở này tuyển ngay mà không đòi hỏi bằng cấp, chứng chỉ gì. Sự dễ dãi của các trường là một trong những nguyên nhân khiến gần đây, các vụ việc bạo hành liên tiếp xảy ra.

Chỉ cần “có cái duyên” là làm được

Trên mạng xã hội Facebook, thông tin tuyển dụng bảo mẫu và giáo viên mầm non nhan nhản. Chỉ sau một cuộc điện thoại, phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đã được cơ sở mẫu giáo T.M. (quận Bình Thạnh) nhận vào làm dù không có bằng cấp sư phạm.

Ngay ngày hôm sau, khi đến cơ sở này, tôi được phát áo đồng phục và bắt tay vào công việc, không cần được đào tạo hay hướng dẫn gì, cũng không được phân công làm bảo mẫu hay giáo viên mà cùng 1 người khác phụ trách toàn bộ công việc của 1 lớp khoảng 18 bé 3-4 tuổi. Công việc của chúng tôi là dắt trẻ ra sân tập thể dục, cho trẻ ăn uống, dẫn trẻ đi vệ sinh, thay quần áo, thu dọn, cho trẻ ngủ và… canh không để trẻ đánh nhau hay té ngã.

Chủ lớp mẫu giáo Tí Bo ngồi lên người trẻ, ép trẻ ăn - Ảnh cắt từ clip
Chủ lớp mẫu giáo Tí Bo ngồi lên người trẻ, ép trẻ ăn - Ảnh cắt từ clip

Khi tôi than với cô giáo cùng phụ trách lớp rằng mình không có bằng cấp chuyên ngành mầm non nên không có kỹ năng chăm sóc, dạy dỗ trẻ, cô này cười: “Làm lâu sẽ quen chứ có bằng cấp thì chẳng ai làm ở đây đâu”.

Tương tự, khi nghe tôi thú nhận qua điện thoại rằng mình không có chứng chỉ bảo mẫu, không học chuyên ngành sư phạm mầm non nhưng phịa rằng có kinh nghiệm chăm sóc trẻ, tôi liền được Trường mầm non N.S. (TP Thủ Đức) mời đến làm việc. Khi đến trường, tôi được nữ quản lý trường này nhận vào làm dù chưa nộp hồ sơ. Theo bà, để làm được nghề này, chỉ cần “có cái duyên” (duyên với nghề). Bà còn nói thêm: “Sau vụ bạo hành ở lớp mẫu giáo Tí Bo (TP Thủ Đức) mới đây, cơ quan quản lý làm rất căng, đi kiểm tra hàng loạt nên việc cô không có chứng chỉ bảo mẫu có thể không an toàn cho trường. Nhưng tôi vẫn chấp nhận, nếu cô làm được việc”.

Sau cuộc trao đổi ngắn, tôi bắt tay luôn vào việc và được phân về lớp nhà trẻ gồm khoảng 9 bé 8-20 tháng. Khi được hỏi, người phụ trách lớp cho biết, cô cũng không có bằng cấp chuyên ngành mầm non. Cũng như ở lớp mẫu giáo trước, 2 chúng tôi phụ trách lớp nhưng không được phân định rõ làm bảo mẫu hay giáo viên và người làm chung với tôi cũng chỉ mới nhận việc nửa tháng nay. Cả hai không có bằng cấp, kinh nghiệm nhưng lại phụ trách lớp có độ tuổi nhỏ nhất. Các cô luống cuống, còn các bé lạ giáo viên hoặc mới được gửi vào nên một số không chịu ăn uống, khóc từ sáng tới chiều.

Phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM trong vai người xin việc được Trường mầm non N.S. (TP Thủ Đức) tuyển dụng làm giáo viên dù không có bằng cấp sư phạm - ẢNH: NGUYỄN LOAN
Phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM trong vai người xin việc được Trường mầm non N.S. (TP Thủ Đức) tuyển dụng làm giáo viên dù không có bằng cấp sư phạm - Ảnh: Nguyễn Loan

Trong lúc chúng tôi đang chăm trẻ, người quản lý trường đến thông báo sẽ có đoàn kiểm tra và dặn dò tôi: “Nếu có ai hỏi thì em nói em tên Thi nhé”. Được biết, đây là tên của giáo viên đang nghỉ phép. Tuy nhiên, do lớp nằm tách biệt trên tầng 1, tôi không thấy đoàn nào lên kiểm tra.

Cũng với hình thức ứng tuyển qua điện thoại, phóng viên đã được nhiều chủ trường mầm non khác đồng ý nhận làm mà không đòi hỏi bằng cấp chuyên ngành sư phạm mầm non hay chứng chỉ bảo mẫu.

Quản lý chồng chéo, lỏng lẻo

Theo hiệu trưởng một trường mầm non ở TPHCM, việc để các cơ sở mầm non ngoài công lập tuyển dụng sai quy định là do khâu quản lý chồng chéo nhưng lại lỏng lẻo. Cụ thể, cơ sở mầm non công lập do phòng GD-ĐT hoặc sở GD-ĐT quản lý, nhưng cơ sở mầm non ngoài công lập lại do UBND phường quản lý. Nhân sự quản lý của các phường thay đổi thường xuyên nên nhiều cán bộ không nắm hết các hoạt động của những cơ sở này, kể cả việc tuyển dụng nhân sự. Không qua đào tạo, không có kỹ năng xử lý tình huống cũng như kiến thức chuyên môn, các nhân sự này rất dễ có những hành động thiếu chuẩn mực với trẻ.

Nữ giáo viên Trường mầm non 4 (quận 3) đánh vào mặt trẻ - Ảnh cắt từ clip
Nữ giáo viên Trường mầm non 4 (quận 3) đánh vào mặt trẻ - Ảnh cắt từ clip

Vị hiệu trưởng này cho biết thêm, các phòng GD-ĐT cũng không có bộ phận chuyên trách trường ngoài công lập. Trong khi đó, UBND phường chủ yếu quản lý về mặt hành chính, không nắm được yêu cầu về chuyên môn nên thường chỉ giải quyết các vụ việc bạo hành khi chúng đã xảy ra. Theo bà, cần có sự liên kết, phối hợp nhịp nhàng giữa đơn vị quản lý hành chính (UBND phường) và quản lý chuyên môn (phòng hoặc sở GD-ĐT) để giám sát, quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chặt chẽ hơn.

Theo bà Bùi Thị Thu Vân - Giám đốc đào tạo của Vietnamese Training Academy - khi xảy ra vụ bạo hành trẻ, nhà trường có các hình thức kỷ luật giáo viên, bảo mẫu như tạm đình chỉ công tác, buộc thôi việc, khiển trách, chính quyền xử lý về mặt hành chính hoặc hình sự tùy mức độ. Nhưng, chỉ khi phụ huynh hoặc nhà trường tố cáo, công an mới vào cuộc điều tra. Vì vậy, một số vụ bạo hành gây bức xúc dư luận chưa được xử lý thỏa đáng, không đủ sức răn đe.

Bà nói: “Các vụ bạo hành trẻ mầm non thường diễn ra trong giờ ăn, một phần do giáo viên chịu áp lực bảo đảm cân nặng của trẻ từ phía phụ huynh. Thậm chí, có phụ huynh ngày nào cũng nhắc giáo viên rằng con mình sút cân hoặc nhắc cô ép con ăn cho hết phần thức ăn, buộc giáo viên phải tìm mọi cách ép trẻ ăn, trẻ không hợp tác thì mất bình tĩnh, đánh trẻ. Do vậy, các trường nên tuyên truyền cho phụ huynh về chế độ dinh dưỡng, về tâm sinh lý trẻ em để họ có cách giao tiếp phù hợp”.

Bà Thu Vân cho rằng, việc thiếu trầm trọng giáo viên mầm non là một trong những nguyên nhân khiến các trường tuyển dụng những người không có bằng cấp chuyên môn, không có kiến thức lẫn kỹ năng nuôi dạy trẻ. Việc phụ huynh “dùng bát cơm để đo sức khỏe của con” cũng vô tình gây áp lực cho giáo viên và trẻ.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên

Sau một số vụ bạo hành trẻ mầm non, bà Lương Thị Hồng Điệp - Trưởng phòng Mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết, sở đã có các văn bản chỉ đạo chấn chỉnh khẩn cấp tình trạng này. Trong thời gian tới, sở sẽ tăng cường chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho mọi giáo viên, bảo mẫu, chủ các nhóm lớp để nâng cao nhận thức và thấm nhuần các quy tắc ứng xử trong trường mầm non.
Năm học 2023-2024, TPHCM có 1.313 trường mầm non (476 công lập, 837 ngoài công lập) và hơn 1.736 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập. Theo bà Hồng Điệp, cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập giúp giảm áp lực cho trường công lập, tạo môi trường cho trẻ học tập, tạo cơ hội việc làm cho người lao động. Điều cần hướng đến là vừa quản lý chặt chẽ, vừa tạo điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục của các cơ sở này.

Mẹ ngại cho con đi học lại sau vụ bạo hành

Hơn 10 ngày sau vụ con bị bạo hành ở lớp mẫu giáo Tí Bo (TP Thủ Đức), chị B.D. vẫn chưa dám cho con đi học trở lại. “Điều khiến tôi lo nhất là con mình và các bé chứng kiến vụ việc bị ảnh hưởng tâm sinh lý lâu dài về sau. Hiện tôi cố gắng dành thời gian để nói chuyện, theo dõi con. Đến nay, mỗi lần nghe mẹ nói đến chuyện đi học, thằng bé vẫn níu tay mẹ lắc đầu nguầy nguậy để phản đối” - chị nói.

Vào cuối tháng 4/2024, cộng đồng mạng xôn xao khi xuất hiện clip ghi lại cảnh chủ nhóm lớp Tí Bo dồn trẻ vào góc tường rồi dùng đồ chơi đánh vào đầu. Ở một clip khác, cô này vật trẻ xuống nền nhà, ngồi đè lên người trẻ, ép trẻ ăn trước sự chứng kiến của nhiều trẻ khác và giáo viên trong lớp. Cũng trong tháng Tư, xuất hiện clip cô giáo lớp mầm của Trường mầm non 4 (quận 3) vung tay đánh liên tiếp vào mặt, vào đầu một bé trai khiến bé bật ngửa ra sau. Ở clip khác, trong lúc cho trẻ ăn, cô này đút thức ăn liên tục khiến bé bị tràn họng, khi bé ói thì cô đè đầu cho ói vào tô thức ăn rồi đút tiếp.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI