Các cấp hội nỗ lực xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên nền tảng số

02/05/2025 - 07:20

PNO - Thời gian qua, các cấp Hội LHPN tại TPHCM đã không ngừng nỗ lực xây dựng và phát triển Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên nền tảng số.

Nỗ lực tìm tòi

Sau hơn 4 tháng chuẩn bị, tháng 3/2025, Hội LHPN huyện Bình Chánh đã ra mắt trang thông tin điện tử “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân.

Chia sẻ về lý do triển khai trang web, bà Tô Thị Kim Anh - Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Chánh - cho biết: “Chúng tôi mong muốn tạo ra một không gian số giúp hội viên phụ nữ và nhân dân tiếp cận dễ dàng với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từ đó sẽ chuyển biến trong ý thức tu dưỡng, rèn luyện và hành động của mỗi cá nhân”.

“Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng” của Hội LHPN huyện Bình Chánh  có giao diện bắt mắt, chỉn chu, đa dạng về nội dung
“Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng” của Hội LHPN huyện Bình Chánh có giao diện bắt mắt, chỉn chu, đa dạng về nội dung

Để hiện thực hóa ý tưởng, Hội LHPN huyện đã hợp tác với Công ty Công nghệ Wifim thiết kế và lập trình trang web với tên miền
https://kgvhhochiminhpnhbc.com/. Sau khi hoàn tất phần kỹ thuật, công ty đã bàn giao và giúp cán bộ hội chủ động xây dựng nội dung theo định hướng đã đề ra.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên nền tảng số không chỉ là một trang web thông thường mà còn là kho tư liệu số hóa đồ sộ về Bác Hồ. Trang web được thiết kế với giao diện thân thiện, dễ thao tác, có mục điều hướng rõ ràng giúp người xem dễ dàng tìm kiếm nội dung với 12 chuyên mục chính liên quan đến di sản về Người, các tác phẩm của Bác, các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí nói về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Điểm đặc biệt của nền tảng này là tính tương tác cao, với các trải nghiệm tham quan 3D Bảo tàng Hồ Chí Minh, khám phá các khu di tích lịch sử, địa chỉ đỏ trên địa bàn huyện. Ngoài ra, trang web còn có những chuyên mục đáng chú ý như “Bác Hồ với phụ nữ Việt Nam”, tư liệu về Mẹ Việt Nam Anh hùng, gương điển hình học tập và làm theo lời Bác… giúp người xem có cái nhìn đa chiều về những giá trị mà Người để lại. Bằng chiếc điện thoại thông minh kết nối internet, người dùng có thể dễ dàng truy cập bằng cách nhấp vào đường link hoặc quét mã QR.

Ngay sau khi ra mắt, Hội LHPN huyện Bình Chánh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm giúp hội viên, phụ nữ tiếp cận với trang web trong các buổi sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, tạo điều kiện để hội viên vừa học tập vừa tương tác, củng cố kiến thức. Hội cũng tăng cường tuyên truyền trên mạng xã hội như Facebook Phụ nữ huyện Bình Chánh và các nhóm Zalo cộng đồng để tăng độ nhận diện, kết nối hội viên. Bà Tô Thị Kim Anh nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn nỗ lực để dù là hội viên trẻ hay người lớn tuổi đều có thể tiếp cận kho tư liệu một cách dễ dàng, thuận tiện”.

Tại quận 7, “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên nền tảng số” không chỉ là một sản phẩm công nghệ đơn thuần mà là thành quả của những nỗ lực không ngừng của những người phụ nữ không chuyên về công nghệ. Bà Huỳnh Nguyệt Ánh - nguyên Chủ tịch Hội LHPN quận 7 - cùng nhóm cán bộ hội đã khởi xướng mô hình vào năm 2024 với mong muốn đổi mới cách thức tuyên truyền tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sao cho phù hợp với thời đại số, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong sinh hoạt hội để tạo ra một mô hình có tính đột phá và lan tỏa.

Tuy nhiên, từ ý tưởng đến thực tế là một hành trình đầy thách thức. Các thành viên trong nhóm sáng lập không ai là chuyên gia công nghệ hay có nền tảng về lập trình, vì vậy họ đã phải tự học, tìm tòi và mày mò qua các khóa học trực tuyến và tài liệu trên mạng để nắm bắt các kỹ năng thiết kế giao diện và vận hành nền tảng số. Chị Trần Thị Minh Châu - một thành viên trong nhóm - chia sẻ: công việc hằng ngày đã rất bận rộn, nhưng các chị vẫn phải tranh thủ thời gian ngoài giờ để nghiên cứu về công nghệ.

Chị Minh Châu cho biết, một trong những thách thức lớn khi triển khai “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên nền tảng số” là sự khác biệt trong thói quen sử dụng công nghệ của các nhóm hội viên. Nhiều hội viên lớn tuổi chưa quen với việc tiếp cận các nền tảng số, trong khi đó, giới trẻ lại thường quan tâm đến nội dung giải trí hơn là các vấn đề tư tưởng, chính trị. Nếu không có cách truyền tải sinh động, hấp dẫn, nền tảng sẽ dễ bị “chìm” giữa vô vàn thông tin trên mạng.

Để khắc phục khó khăn này, Hội LHPN quận 7 đã tìm ra cách biến những nội dung hàn lâm trở nên gần gũi, dễ hiểu và hấp dẫn. Các thành viên đã sử dụng các video, infographic và hình ảnh minh họa sinh động để làm nổi bật các giá trị tư tưởng của Bác, đồng thời kể chuyện về những phụ nữ học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, giúp người xem cảm nhận được giá trị tư tưởng qua hành động cụ thể trong đời sống.

Chị Huỳnh Nguyệt Ánh xúc động: “Chúng tôi đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, từ thiếu kiến thức công nghệ đến việc thu hút hội viên. Nhưng khi nhìn thấy ứng dụng đi vào hoạt động và hội viên có thể dễ dàng truy cập, tìm hiểu và lan tỏa tư tưởng Hồ Chí Minh theo cách gần gũi hơn, chúng tôi cảm thấy mọi nỗ lực của mình là xứng đáng”.

Trong thời gian tới, Hội LHPN quận 7 dự định sẽ mở rộng nội dung với nhiều hình thức mới như hội thảo trực tuyến, phát triển thêm các tính năng tương tác, giúp hội viên có thể tham gia đóng góp nội dung. Đồng thời, hội sẽ kết hợp các hoạt động thực tế để tăng cường sự kết nối giữa không gian mạng và đời sống hội viên, nhằm tiếp tục duy trì và phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong cộng đồng.

Hội viên phụ nữ Hội LHPN quận 7 quét mã QR để trải nghiệm “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên nền tảng số”
Hội viên phụ nữ Hội LHPN quận 7 quét mã QR để trải nghiệm “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên nền tảng số”

Tích cực học tập Bác

Chị Lê Thị Hường - Hội viên Chi hội Phụ nữ ấp 3, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh - cảm thấy hứng thú và ấn tượng khi trải nghiệm “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” do Hội LHPN huyện triển khai trên nền tảng số vào ngày ra mắt. Sau đó, chị Hường đã kêu gọi gia đình, bạn bè cùng khám phá những giá trị trên không gian này. Đặc biệt, với những người không rành về công nghệ như chị, hệ thống điều hướng đơn giản của trang web giúp tiếp cận thông tin một cách dễ dàng.

Không dừng lại ở việc xem và đọc, chị Hường còn tìm thấy ở trang web những bài học có giá trị cho cuộc sống hằng ngày. Câu nói của Bác “Phụ nữ cũng là chủ nước nhà - để xứng đáng là người chủ nước nhà thì chị em phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm” đã khiến chị thay đổi suy nghĩ, chủ động học hỏi thêm về quản lý tài chính, tiết kiệm trong chi tiêu và không ngừng trau dồi kiến thức.

Từ những câu chuyện về Bác, chị bắt đầu thực hành tiết kiệm điện, nước, sử dụng tiền bán rác thải nhựa để mua cây xanh, góp phần làm đẹp môi trường sống. Cùng với hội viên, chị tham gia phát bánh mì miễn phí cho những hoàn cảnh khó khăn, xem đó là cách để lan tỏa tình yêu thương. Trong gia đình, chị dạy con sống tử tế, biết phấn đấu mỗi ngày, bởi theo chị, học tập theo tư tưởng của Bác không phải là những điều to lớn mà chính là sự thay đổi từ những hành động nhỏ.

Chị Đoàn Ngọc Như Quỳnh - hội viên chi hội khu phố 11, phường Tân Phong, quận 7 - lại cho rằng, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng không chỉ là nơi lưu giữ những tư liệu lịch sử về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là nguồn động lực mạnh mẽ giúp mỗi cá nhân có thêm cảm hứng để sống tốt hơn, làm việc tận tâm hơn, không ngừng cố gắng, phát triển bản thân, cống hiến cho gia đình và xã hội.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, chị luôn giữ vững tinh thần trách nhiệm, làm việc tận tụy, khoa học, hợp lý và không ngừng học hỏi để nâng cao chuyên môn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong quan hệ với đồng nghiệp, chị luôn lắng nghe, giữ thái độ hòa nhã, tôn trọng, góp phần xây dựng môi trường làm việc đoàn kết và hiệu quả.

Ngọc Trăm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI