Bức huyết thư xin buông bút, cầm súng

16/02/2019 - 06:00

PNO - Sau khi tham gia cuộc mít tinh của trường đại học để phản đối chống lại sự xâm lược của Trung Quốc, chàng sinh viên trẻ từng tham gia kháng chiến chống Mỹ đã cắn ngón tay, viết bức huyết thư xin trở lại quân ngũ.

Trong ký ức của ông Nguyễn Chiều, nguyên giảng viên môn khảo cổ học, khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn Hà Nội, chiến tranh là những hình ảnh vô cùng tàn khốc của máu và nước mắt, nhất là đối với những chàng sinh viên buông bút, cầm súng như ông thời điểm đó.

Năm 1971, ông Chiều đỗ vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, là con trai của một gia đình có nhiều liệt sĩ, vốn dĩ ông thuộc diện ưu tiên không phải nhập ngũ. Nhưng đến năm 1972, ông Chiều cũng như nhiều sinh viên khác đang theo học tại các trường đại học trên địa bàn Hà Nội như Bách khoa, Thủy lợi... đã lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc.

Buc huyet thu xin buong but, cam sung
Chàng sinh viên buông bút cầm súng Nguyễn Chiều

Sau hai tháng rèn luyện tân binh vô cùng kham khổ, những chàng sinh viên vốn thường chỉ biết con chữ, bút sách bắt đầu tham gia cuộc chiến cứu nước bằng việc hành quân vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. 

"Những ngày ấy, tinh thần cứu nước luôn hừng hực, trên con đường dọc theo phía Tây dãy Trường Sơn luôn có những người lính hành quân vào chiến trường. Chúng tôi có lúc đi xe, nhưng chủ yếu là phải đi bộ. Những chàng sinh viên trẻ dẫu biết cuộc hành quân này không rõ ngày trở lại, nhưng khi ấy không hề biết đến sợ hãi...", ông Chiều nhớ lại.

Cũng trong cuộc chiến chống Mỹ, những người đồng đội, những người bạn trong cùng trường đại học với ông Chiều liên tục ngã xuống. Chiến tranh là tàn khốc, là mất mát khổ đau, để đến bây giờ khi nghĩ lại, ông giáo già vẫn còn cảm thấy sợ hãi trước sự tàn khốc ấy.

Buc huyet thu xin buong but, cam sung
Ông Chiều cùng những đồng đội đều là sinh viên các trường đại học

Ông Chiều ngậm ngùi: "Tôi là trung đội trưởng của một trung đội đều là những sinh viên. Ngày ấy Trường Đại học Tổng hợp tập trung được một đại đội lên đường cứu nước. Nhưng khi trở về không còn nhiều người, các cậu khoa Địa, khoa Sinh hy sinh nhiều lắm".

Sau khi chiến tranh kết thúc, do phải ưu tiên cho các thương bệnh binh tập kết về miền Bắc trước nên đến tận tháng 9 năm 1976, cậu sinh viên Nguyễn Chiều mới có thể quay về trường Tổng hợp tiếp tục con đường học hành. Đến năm 1979, khi ông Chiều đang là sinh viên năm thứ 3, chiến tranh lại nổ ra khi quân đội Trung Quốc huy động hơn 600.000 quân tấn công vào các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta.

"Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ra lời kêu gọi tổng động viên trên cả nước. Người ta hô hào các phong trào, mít tinh rồi cổ động cho cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Trường Tổng hợp cũng dành một khoảng sân rộng để phát động cuộc mít tinh phản đối sự xâm lược của Trung Quốc. Khi ấy tất cả các khoa, các khóa học của trường tập trung lại nghe các thầy phổ biến sơ bộ về tình hình cuộc chiến.

Cùng với đó, loa phóng thanh liên tục phát lời đi lời kêu gọi cả nước chống Trung Quốc xâm lược. Sau khi nghe lời phát động, tôi quay lại lớp lấy giấy viết đơn xin tái ngũ luôn. Lúc đó còn trẻ, răng còn tốt lắm, cắn luôn đầu ngón tay cho ra máu và trực tiếp viết lên giấy, ngay hành lang, rất nhanh, rất ngắn gọn rồi gửi cho giáo viên chủ nhiệm", ông Chiều nhớ lại.

Buc huyet thu xin buong but, cam sung
Bức huyết thư xin tái ngũ của ông Chiều

Bức huyết thư của chàng sinh viên đang hừng hực khí thế lên đường bảo vệ Tổ quốc ấy rất đơn giản, chỉ có 10 chữ "Cho tôi trở lại quân độ bảo vệ Tổ quốc" và ký tên Nguyễn Chiều - Sử 3Đ. Tinh thần của ông Chiều khi đó cũng là tinh thần chung của thanh niên trên khắp đất nước, bởi khi ấy ngoài bức thư của ông Chiều, có hàng vạn lá thư xin nhập ngũ được gửi đi. 

Có điều, bức huyết thư ấy không được chấp nhận bởi chỉ trong thời gian rất ngắn, quân đội Trung Quốc tuyên bố rút quân sau khi chịu tổn thất nặng nề vào ngày 5/3/1979, cùng ngày Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ban hành lệnh tổng động viên. Bức huyết thư của ông Chiều được chuyển cho Bảo tàng Cách mạng, sau đó chuyển về phòng truyền thống của trường Tổng hợp để lưu giữ.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI