Bố chồng Hà Tăng nói chuyện xài hàng hiệu

01/02/2017 - 14:43

PNO - Ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói vợ chồng ông cũng như các con chỉ mặc đồ hiệu đắt tiền khi đi sự kiện, vì đó là yêu cầu của ngành kinh doanh này. Còn ăn mặc thường ngày thì như thế nào miễn thoải mái, lịch sự là được.

Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) bắt đầu kinh doanh hàng hiệu từ một cửa hàng miễn thuế ở sân bay. Đây là phần thưởng cho đóng góp của ông trong việc mở đường bay TP.HCM – Manila (Phillipines) năm 1985, khi Việt Nam còn chưa mở cửa.

Để bán được hàng hiệu đúng nghĩa tôi phải mất 20 năm

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn là một trong những doanh nhân thành đạt nhất Việt Nam, hiện là Tổng đại diện của Philippines Airline tại khu vực Đông Dương. Tên tuổi của ông được biết đến với Tập đoàn kinh doanh đa quốc gia IPP, tập đoàn nắm giữ 30% thương hiệu thời trang nổi tiếng của thế giới ở Việt Nam, với khoảng 70% thị phần.

Tính từ thời điểm 1996 tới nay, IPP đã đầu tư hơn 280 triệu USD vào 30 dự án, tạo việc làm cho hơn 20.000 lao động ở Việt Nam.

Tuy nhiên, để bán được hàng hiệu đúng nghĩa, ông Hạnh Nguyễn cho biết mình phải mất 20 năm.

Là người đầu tiên kinh doanh cửa hàng miễn thuế ở sân bay, nhưng suốt thời gian dài việc kinh doanh cửa hàng này thực tế không đem lại cho ông lợi nhuận, bởi các chuyến bay quốc tế thời đó quá ít. Chưa hết, việc xin visa nhập cảnh vào Việt Nam lúc đó mất 60 ngày, còn xuất cảnh lên tới 6 tháng, khách du lịch là không đáng kể.

Nhưng việc vật lộn với cửa hàng miễn thuế ở sân bay đem đến cho ông cơ hội khác, đó là mối quan hệ với các thương hiệu hàng đầu thế giới.

Bo chong Ha Tang noi chuyen xai hang hieu
Ông Hạnh Nguyễn cho biết để kinh doanh được hàng hiệu đúng nghĩa ông phải mất đúng 20 năm lăn lộn. Ảnh: H.An.

“Sân bay là cửa ngõ của các thương hiệu lớn và họ bao giờ cũng vào đó trước. Nhờ là người đầu tiên kinh doanh cửa hàng miễn thuế tại Việt Nam, tôi có cơ hội làm quen với đại diện nhiều thương hiệu lớn của thế giới. Đây là khởi nguồn cho việc kinh doanh hàng hiệu sau này”, Chủ tịch IPP tiết lộ.

Đúng 20 năm sau, khi Việt Nam gia nhập WTO, việc kinh doanh hàng hiệu trong nội địa của ông Hạnh Nguyễn đã được thực hiện. Điểm đến đầu tiên là khách sạn Rex, TP.HCM, với sự góp mặt của hàng loạt tên tuổi lớn cùng lúc như Chanel, Louis Vuitton, Burberry, Salvatore Ferragamo, Cartier...

Ông chủ của IPP cho biết thêm các đối tác hàng hiệu chỉ đồng ý cho mở cửa hàng tại Việt Nam (ngoài sân bay) khi nền kinh tế đã mở cửa và phát triển đến một mức độ nhất định. Cùng với đó, lượng khách quốc tế qua sân bay phải vượt ngưỡng 2 triệu người mỗi năm.

Sau Rex, Tràng Tiền Plaza là điểm nhấn tiếp theo của Johnathan Hạnh Nguyễn về hàng hiệu. Lần đầu tiên tại Việt Nam có một trung tâm thương mại chỉ kinh doanh hàng hiệu với những cửa hàng quy mô lớn, hội tụ đủ thương hiệu hàng đầu thế giới. IPP có 20 gian hàng tại đây.

“Bà Lê Hồng Thuỷ Tiên, Tổng giám đốc IPP, là người đi chọn và nhập hàng từ nước ngoài. Cùng một xu hướng thời trang nhưng việc lựa màu sắc, kích cỡ với tỷ lệ ra sao là một nhân tố quan trọng, có thể quyết định lãi hay lỗ. Và chúng tôi có thế mạnh ở điểm này”, Johnathan Hạnh Nguyễn nói thêm.

"Vua" hàng hiệu dùng hàng hiệu ra sao?

Khi được hỏi về việc sử dụng hàng hiệu của cá nhân và gia đình, ông Hạnh Nguyễn chỉ vào chiếc áo sơ mi đang mặc và đôi dép dưới chân, nói: “Quần áo, giày dép của tôi dùng hàng ngày chỉ là đồ bình thường thôi, không phải hàng hiệu gì đâu.

Tôi thích mặc đồ đơn giản, thoải mái khi đi làm và ở nhà, chứ không nhất thiết phải là hàng hiệu đắt tiền”.

Ông cũng cho biết vợ chồng mình cũng như các con chỉ mặc đồ hiệu đắt tiền khi đi sự kiện, vì đó là yêu cầu của ngành kinh doanh này. Đặc biệt, khi tiếp đối tác, ông và vợ luôn có sẵn các bộ đồ mang thương hiệu của họ, để bày tỏ sự tôn trọng và yêu thích sản phẩm.

Vua hàng hiệu cũng có nhiều siêu xe như Rolls Royce, Maybach… thế nhưng, ông cho biết không một ai trong gia đình sử dụng để đi làm.

Bo chong Ha Tang noi chuyen xai hang hieu
Bố chồng Hà Tăng chia sẻ, chỉ khi nào đi sự kiện, tiếp đối tác thì gia đình mới mặc đồ hiệu để  bày tỏ sự tôn trọng và yêu thích sản phẩm. Ngày thường thì ăn mặc thế nào cảm thấy thoải mái, lịch sự là được. Ảnh: H.An.

“Tôi chỉ dùng siêu xe để đưa đón, phục vụ đối tác hoặc đi sự kiện mà thôi. Họ đến Việt Nam bằng chuyên cơ, mà mình lại đi xe bình thường ra đón thì khó thể hiện được vị thế của một công ty phân phối hàng hiệu lớn nhất Việt Nam”, Chủ tịch IPP chia sẻ.

Tự ái hay thanh minh gì đó chắc gia đình tôi không có thời gian làm ăn

Khi tôi hỏi, ông có thấy “tự ái” không khi gần đây truyền thông cứ gọi ông là “bố chồng Hà Tăng” mà không gọi bằng chính tên doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn. Ông cười cho rằng, n ếu tự ái hay đi thanh minh gì đấy thì chắc gia đình ông chỉ lo làm chuyện đó thôi.

"Cơ nghiệp của tôi, uy tín, danh tiếng của tôi, thương hiệu của doanh nghiệp và tất cả những gì có được hôm nay là do tôi tạo ra, đó là một quá trình xây dựng suốt 30 năm chứ không phải dễ gì có được. Vợ con tôi sẽ là những người giúp tôi xây dựng, phát triển và gìn giữ cơ nghiệp.

Ban đầu tôi cũng khó chịu thật, nhưng con dâu tôi là người của công chúng, cháu được yêu mến thì mới được ưu ái, được chú ý.

Nói thật chúng tôi cũng khá mệt mỏi khi mỗi ngày tiếp nhận một thông tin mà chính mình cảm thấy chưa hài lòng. Nhưng chúng tôi phải làm quen. Có cả những tin đồn khiến mình rất buồn lòng, nhưng không thể nào đi thanh minh mỗi ngày được.

Tôi khuyên các cháu chọn cách bỏ qua, nếu căng thẳng thì đi du lịch xả stress, rồi mọi việc lại trở về như vốn có”, Chủ tịch IPP chia sẻ.

Khi được hỏi về việc đưa IPP lên sàn chứng khoán, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói rằng tương lai thì chưa thể biết được, còn bây giờ cứ để công ty gia đình như thế dễ quyết mọi chuyện đầu tư, kinh doanh hơn.

Niêm yết trên sàn chứng khoán có cái khó là cổ đông, nhà đầu tư thường nhìn vào giá cổ phiếu, với những mục tiêu ngắn hạn. Trong khi từ trước đến nay ông thành công là nhờ đầu tư dài hạn, nếu nhìn vào ngắn hạn như thế sẽ phá vỡ hết kế hoạch của IPP.

Ông cũng cho biết, ước mơ của mình là mở một trung tâm thương mại lớn nhất tại Việt Nam như mô hình Asia Mall của Philippines, bán cả hàng hiệu và hàng hóa khác. Ông dự tính tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Song song đó, IPP cũng sẽ đầu tư mở một khu chuyên bán hàng lỗi mốt, lỗi mùa, khuyến mãi...

“Nhưng cũng không biết được, có thể đến lúc tôi thấy đủ điều kiện thì tại sao không? Có khi tôi bán một phần lấy trăm triệu đô, cùng bà Thuỷ Tiên (vợ) đi chơi, dưỡng già…Chuyện công ty còn lại để mấy đứa nhỏ lo (cười).

Đừng sợ người khác đánh giá mình nghèo

Người ta biết đến Jonathan Hạnh Nguyễn là một doanh nhân thành đạt với vai trò từng là thanh tra tài chính của hãng Boeng Mỹ, nhưng có lẽ ít ai biết, để chạm tới vinh quang này, ông cũng phải trải qua những ngày tháng làm thuê, mướn để kiếm tiền ăn học.

Nói chuyện về khởi nghiệp mới đây, ông khuyên các bạn trẻ Việt Nam đừng phí thời gian ngồi quán cà phê. Cái gì đóng góp cho xã hội được thì nên đóng góp. Khi đi xin việc, nhà tuyển dụng sẽ căn cứ vào quá trình đi làm thêm của các bạn cũng như những đóng góp cho cộng đồng, xã hội để đánh giá chứ không chỉ nhìn vào tấm bằng mà chưa từng làm thêm gì trong quá trình đi học.

Với ông, không có nghề nào xấu mà chỉ có người xấu. Chúng ta đừng có sợ người khác đánh giá mình nghèo hay làm những việc nhỏ, những việc có vẻ nhếch nhác… chúng ta hãy bỏ mặc cảm của mình. Tích tiểu thành đại sẽ thành công!.

 Hải Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI