Bình tĩnh mà sống: Tập sách cho biến cố và bất an

09/08/2020 - 20:59

PNO - Khi bắt tay viết tập sách này, các tác giả đều đã trải qua thời gian đau khổ, gặp nhiều biến cố không lường trước. Thế nhưng họ không gục ngã mà vượt qua tất cả để hạnh phúc.

Giữa những ngày tháng 4/2020, khi anh Hoàng Tuấn Anh, chủ nhân ý tưởng ATM gạo, vẫn còn đang loay hoay ngày đi phát vài trăm kilogram gạo cho người nghèo bỗng nhiên mất việc, phải cách ly, thì ý tưởng cho một phần nội dung trong sách được gợi mở đến anh: vì sao anh lại làm việc tốt? Vì sao phải giúp bà con ngay khoảnh khắc này? 

Hoàng Tuấn Anh bộc bạch: “Thời bôn ba kinh doanh, tôi suýt tự tử vì lâm vào cảnh phá sản. Mới sáu tháng trước, tôi kiếm được một triệu đô la Úc, một tỷ phú 24 tuổi giờ tay trắng. Tôi khủng hoảng tột độ, nghĩ quẩn và muốn kết thúc cuộc đời để không phiền lụy đến ai”. 

Và câu chuyện của anh nằm trong những mở đầu cho tập sách Bình tĩnh mà sống ra đời. 

Quyển sách là ý tưởng của nhóm biên tập Lambooks. Ngay giữa những ngày cách ly, họ tìm đến các tác giả và đặt câu hỏi: “Biến cố lớn nào đã xảy ra với bạn? Và bạn đã hành xử ra sao?”. 

Các tác giả trong tập sách Bình tĩnh mà sống bày tỏ câu chuyện của họ qua trang viết. Nổi tiếng cũng có thể là biến cố trong đời. Trắng tay sự nghiệp là bước ngoặt khó khăn. Bất ngờ bị bệnh hiểm nghèo là vết đau không lường trước. Có bạn gái trẻ phân vân rất nhiều khi quyết định ly hôn. Có người lại cảm thấy phải vật lộn trước cơ thể đang ngày càng xập xệ. Với một tác giả khác, “biến cố” lại là ngày anh được lãnh khoản lương lớn đầu tiên 
trong đời.
Trong tập Bình tĩnh mà sống, một bạn gái trẻ viết: “Tôi đã hiểu rằng máu không có gì đáng sợ cả, nó là sự sống mà sao phải sợ. Thứ đáng sợ là vết thương nhưng vết thương băng bó sẽ khỏi, không việc gì phải sợ. 
Tôi hiểu ra rằng bệnh tật không có gì đáng sợ, có bệnh thì chữa. Chữa rồi sẽ lành, phải có lòng tin rằng mình sẽ khỏi bệnh thì mới hết bệnh được. 
Tôi hiểu ra rằng cái chết không đáng sợ. Ai mà chẳng phải chết, quan trọng là tạo ra những ký ức đẹp khi còn sống, đừng để tâm mình chết ngay khi đang còn thở”. 
Bạn viết về những năm tháng điều trị bệnh hiểm nghèo bạn đã được các bác sĩ và người thương dành cho bao chăm sóc, trân trọng. 
Cũng có bạn trẻ kể về ngày bạn lên máy bay từ Mỹ về Việt Nam, khóc như mưa vì mất cơ hội việc làm dù đã cố gắng rất nhiều. Có người cha kể về hành trình anh bắt đầu hiểu con trai ra sao, khi phải chăm sóc, đối thoại với con trong ngày cách ly dịch bệnh.  
28 tác giả trong tập sách có chuyên môn, nghề nghiệp và tuổi tác khác nhau. Họ trải lòng bày tỏ câu chuyện cá nhân như một khả thể của điều lạc quan: rằng tôi đã bị rơi vào hoàn cảnh không mong muốn này nhưng bạn thấy đấy, tôi đi ra rồi, và tôi biết sự khó khăn có thể giải quyết. Mỗi câu chuyện như một cái cây, mà người viết nhìn thấy từng chồi vươn lên, từng cành dang tay và từng cơn gió bão quất qua ngang mình. Người viết rất bình tĩnh. Họ để câu chuyện bản thân trở thành khu vườn xanh nhỏ, cho người đọc bước vào, an nhiên tìm thấy một bóng mát, để chậm rãi cùng họ đi qua khó khăn. 
Bình tĩnh mà sống. Bình tĩnh mà yêu thương. Bình tĩnh mà trưởng thành qua cách ứng xử chân thành và chậm rãi. Đó phải chăng chính là thông điệp ta cần hơn bao giờ hết giữa thời đại nhiều khó khăn và lắm bất an này? 

Nguyên Nguyên

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI