Bình Phước: Bất cập lớp học 'đấu lưng' tìm con chữ

02/05/2019 - 07:40

PNO - Hai lớp khác nhau được ghép vào một phòng học, đầu lớp một bảng cuối lớp một bảng, giáo viên chạy lên để dạy cho lớp 2 rồi chạy xuống dạy cho lớp 1, các em học sinh thì “đấu lưng” vào nhau để tìm kiếm con chữ.

“Đấu lưng” đi tìm con chữ

Những lớp học “đấu lưng” thế này mới nghe cứ tưởng chuyện đùa, hoặc có chăng nữa thì cũng xảy ra từ những thế hệ trước nhiều thiếu thốn. Nhưng không, đây là câu chuyện có thật 100% và đang là vấn đề khiến hàng chục phụ huynh ở xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước vô cùng bức xúc vì dù phải đóng tiền đầy đủ, thực hiện đúng các quy định đề ra nhưng các con em của học vẫn phải học ghép các trình độ với nhau.

Có mặt tại điểm lẻ ấp 7, Trường tiểu học Tân Lập B (xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, Bình Phước) chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy các em học sinh nơi đây có cách học khác thường. Đây là điểm trường nằm trong khu dân cư, có 7 phòng học với 3 lớp học hiện đang có học sinh theo học. Trong đó, một lớp học ghép lớp 1 với lớp 2, và một lớp ghép lớp 3 với lớp 4 và một lớp 5 được học riêng biệt. Hai lớp học ghép có điểm chung là chung một phòng, hai tấm bảng được treo đối xứng nhau ở đầu lớp - cuối lớp và chỉ có duy nhất một giáo viên đứng giảng dạy.

Binh Phuoc: Bat cap lop hoc 'dau lung' tim con chu
Các em học sinh lớp 3 và lớp 4 phải “đấu lưng” để tìm con chữ

Tranh thủ cho lớp 4 tự làm bài tập toán, thầy Vũ Duy Trường, giáo viên điểm lẻ tại đây phải dành chút thời gian rảnh để giảng bài cho số học sinh lớp 3 còn lại. Khối lượng công việc gấp đôi làm giáo viên rất vất vả trong việc truyền thụ kiến thức cho học sinh cũng như ổn định lớp học.

“Nếu bên lớp 4 ồn ào thì tôi cũng khó mà dạy lớp 3. Mà khi dạy phải chạy đi chạy lại như vậy rất ảnh hưởng đến sức học của các em. Thật sự dạy lớp ghép thế này chất lượng không được cao lắm, vừa vất vả cho thầy cô mà các em học sinh cũng bị thiệt thòi, việc tiếp thu kiến thức của các em phần nào hạn chế đi”, thầy Trường cho biết.

Tương tự, cô Đinh Thị Nga cũng phải chạy lên, chạy xuống liên tục để chỉ bảo các em học sinh lớp ghép (lớp 1 và 2) của mình học bài. Dù rất cố gắng, nỗ lực nhưng với khối lượng công việc gấp đôi luôn khiến giáo viên vất vả trong việc truyền thụ kiến thức cũng như ổn định lớp học. “Tiết đọc bài với viết bài rất là khó, không kèm được những em mới bắt đầu ở lớp lá lên lớp 1, trong khi học sinh lớp 2 cũng là học sinh vừa từ lớp 1 lên, từ đầu năm học các em còn yếu về cách trình bày, đọc”, cô Nga thừa nhận.

Ông Phạm Văn Sang, ấp tân hà, xã Tân Tiến phụ huynh học sinh chia sẻ: “Hai lớp gộp chung thành một như thế là không đảm bảo chất lượng của học sinh. Phụ huynh chúng tôi đề nghị cấp trên nên tách lớp ra và thêm giáo viên vào dạy”.

Cùng quan điểm, ông Hoàng Trọng Hưng, ấp Tân Hà, xã Tân Tiến (phụ huynh học sinh) cho biết: “Bây giờ chúng tôi rất mong các cấp các ngành cấp trên quan tâm xem xét như thế nào tách lớp và bổ sung các giáo viên về".

Binh Phuoc: Bat cap lop hoc 'dau lung' tim con chu
Hết đứng bên đầu này giảng cho học sinh lớp 1, cô Nga lại chạy qua đầu kia giảng cho học sinh lớp 2

Thiếu giáo viên hay cố tình “đấu lưng” để vận động ra điểm chính

Việc học ghép lớp hay còn gọi là lớp học “đấu lưng” khiến cho các học sinh lớp 1, 2 đặc biệt thiệt thòi bởi đây là độ tuổi đầu cấp, cần rất nhiều sự quan tâm, kèm cặp riêng biệt của thầy cô. Trước những kiến nghị của các bậc phụ huynh, tháng 1/2019, Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước đã có văn bản gửi UBND huyện Đồng Phú, yêu cầu tách lớp ghép 1 và 2 thành hai lớp đơn bởi điểm lẻ vẫn đảm bảo phòng học và thêm một giáo viên nữa để giảng dạy 2 lớp này.

Trao đổi về vấn đề này, Ông Hoàng Thanh Sỹ, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đồng Phú cho biết Trường tiểu học Tân Lập B đã được công nhận trường chuẩn Quốc gia và chỉ cách điểm lẻ ấp 7, xã Tân Lập khoảng 4km. Đường giao thông đã được trải nhựa khang trang sạch sẽ. Tại điểm trường chính, học sinh sẽ được giảng dạy đầy đủ các môn học, năng khiếu, ngoại ngữ, tin học, nhạc…theo chương trình khung của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Bên cạnh đó, hiện trường đang thiếu giáo viên nên không thể tách lớp ra theo như yêu cầu của Sở GD&ĐT tỉnh đề nghị. Điểm lẻ tại ấp 7 của trường tiểu học Tân Lập B cũng nằm trong kế hoạch xóa bỏ điểm lẻ của UBND huyện đã có chủ trương từ trước. Tuy nhiên thời gian qua phụ huynh không đồng tình về việc xóa bỏ điểm này.

“Việc tồn tại lớp ghép là do thiếu giáo viên và đúng là chất lượng lớp ghép không bằng lớp đơn. Trong thời gian tới Phòng giáo dục sẽ phối hợp với các ban ngành đoàn thể cùng với 2 xã Tân Lập và Tân Tiến tiếp tục vận động phụ huynh đưa những em đang học lớp ghép ở điểm lẻ này về điểm chính. Tôi cũng mong muốn phụ huynh học sinh sẽ cùng đồng hành với ngành giáo dục và đào tạo chủ trương chung của Huyện ủy, UBND huyện về việc xóa bỏ một số điểm trường, tham gia điểm chính học thì chất lượng sẽ tốt hơn”- ông Hoàng Thanh Sỹ cho biết thêm.

Cũng theo ông Hoàng Thanh Sỹ, hiện nay không chỉ điểm lẻ này với 48 em học sinh đang phải học 2 lớp ghép mà tại một số điểm trường khác xa trung tâm, xa điểm trường chính trên địa bàn huyện Đồng Phú học sinh cũng đang phải học ghép.

Binh Phuoc: Bat cap lop hoc 'dau lung' tim con chu
Những lớp học "đấu lưng" như thế này vẫn đang tồn tại ở nhiều nơi

Trao đổi trực tiếp với phóng viên về những vấn đề liên quan đến sự bức xúc của phụ huynh, ông Lê Hải Đăng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Bình Phước cho biết: Qua xem xét tình hình thực tế cũng như kiến nghị của giáo viên và phụ huynh học sinh, Sở đã có văn bản kiến nghị gửi UBND huyện Đồng Phú. Theo đó, văn bản yêu cầu tách lớp ghép 1 và 2 thành 2 lớp bởi điểm lẻ vẫn đảm bảo phòng học và thêm 1 giáo viên nữa để giảng dạy 2 lớp này.

Tuy nhiên, hiện UBND huyện Đồng Phú vẫn chưa có thông tin phản hổi với văn bản kiến nghị nói trên và Sở đang tiếp tục yêu cầu UBND huyện phản hồi. Đồng thời, Sở cũng có công văn tham mưu, đề nghị UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo UBND huyện Đồng Phú tiến hành tách một lớp ghép để có thể giảm số học sinh trên lớp và tạo điều kiện cho học sinh học tập tốt hơn. Cũng theo lãnh đạo Sở Giáo dục – Đào tạo Bình Phước, quan điểm của Sở là việc sắp xếp trường lớp phải làm sao nâng cao chất lượng giáo dục.

Trước mắt, các thầy cô đang phải nỗ lực hết sức để khắc phục khó khăn, tiếp tục giảng dạy cho các em không chỉ ở trên lớp mà còn khi về nhà phải chuẩn bị bài giảng, giáo án cho cả 2 lớp học. Việc lớp học “đấu lưng” như thế này thực sự đang “đánh đố” những người đứng trên bục giảng đồng thời cũng là một câu hỏi lớn cho chất lượng giáo dục tại đây.

Đặng Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI