"Bên trong vỏ kén vàng" kén người xem ra sao?

11/08/2023 - 17:15

PNO - Nhịp phim chậm rãi, những khung hình tưởng chừng bất động, câu chuyện mang nhiều yếu tố tôn giáo, lời thoại có tính chất ý niệm cần ngấm thật sâu mới hiểu, âm nhạc sử dụng rất hạn chế, kết thúc mở… "Bên trong vỏ kén vàng" khác biệt với các phim Việt thường thấy, từ ý tưởng, lối kể, đến cách quay, cách truyền tải thông điệp...

Bên trong vỏ kén vàng (khởi chiếu từ ngày 11/8) gây ấn tượng ngay khi vừa mở màn. Một cú máy dài chuyển cảnh từ một sân bóng mini sang một quán nhậu, và kết thúc bằng một vụ tai nạn giao thông chết người.

Chuyện phim mở ra bằng sự kiện Thiện nhận được tin báo chị dâu là Hạnh gặp tai nạn giao thông qua đời. Con trai Hạnh là Đạo may mắn sống sót. Diễn tiến phim là quá trình Thiện đưa chị về quê an táng, chăm sóc và tìm trường học gửi cháu trai, rồi đi tìm anh trai là Tâm - chồng Hạnh đã biệt tích nhiều năm.

Thiện (trái) đồng hành với cháu trai sau khi lo hậu sự cho chị dâu
Thiện (trái) đồng hành với cháu trai sau khi lo hậu sự cho chị dâu

Ngay cách đặt tên của nhân vật là Tâm, Thiện, Hạnh, Đạo và trình tự việc làm của Thiện đi từ chuyện lo hậu sự cho Hạnh, chăm sóc Đạo, cuối cùng là đi tìm Tâm... đã cho thấy màu sắc tôn giáo, ý niệm của phim.

Thiện trong phim là một thanh niên ở tỉnh lên Sài Gòn lập nghiệp bằng nghề quay chụp ảnh cưới. Ban ngày làm việc, chiều tối đến, Thiện tụ tập hút, thuốc uống rượu bia với bạn bè trong quán nhậu, những tiệm massage trá hình.

Trong những cuộc vui đó, lạ thay, Thiện luôn lặng lẽ, như thể đang tách mình ra khỏi cuộc sống náo nhiệt thường nhật. Đến khi xảy ra sự kiện bước ngoặt là đưa xác chị dâu về quê, Thiện mới mạnh dạn bước ra khỏi lớp vỏ ồn ào của cuộc sống, tìm lại bản thân mình trong xã hội.

 

Nhân vật như Thiện không khó bắt gặp trong đời sống. Áp lực mưu sinh khiến con người luôn mải miết quay cuồng trong guồng công việc, tiền tài, danh vọng. Lâu dần, chúng như một vỏ kén bao bọc mỗi người, chỉ khi thoát ra khỏi đó, mới có thể tìm về chính mình.

Những thước phim diễn tả hành trình đó cũng đi theo trình tự, từ chốn thị thành ồn ào đông đúc, sang thiên nhiên rừng núi vắng người. Nhưng dù bối cảnh náo nhiệt hay yên tĩnh, từng khung hình đều cho thấy sự dụng công rất lớn. Âm thanh, tiếng động trong phim đều là tự nhiên: tiếng gió thổi, nước chảy, mưa rơi, gà gáy, cá quẫy, chim hót, bước chân người….

Thiên nhiên hoang sơ trong phim đẹp mê hoặc
Thiên nhiên hoang sơ trong phim đẹp mê hoặc

Có những cảnh quay dài hơn 1 phút, chỉ để chờ mỗi cảnh hai chú gà lao vào đá nhau lúc sáng sớm, hay cảnh giữa đường đèo vắng vẻ, xe Thiện bị tắt máy khiến anh loay hoay, và rồi được một người đi đường tốt bụng chiết ít xăng, đẩy giùm một đoạn.

Máy quay cứ nhẩn nha bám theo nhân vật, cảnh sắc, chẳng hề bận tâm đến thời gian. Ở cảnh Thiện gặp ông Lưu để trả tiền công mai táng, khung hình ban đầu ở khá xa, chẳng thấy rõ mặt ông Lưu. Khi ông kể chuyện, ống kính tiến theo lời kể, để đến khi vừa dứt lời, người xem cũng kịp thấy rõ mặt nhân vật. Người vào vai cũng là một cựu binh thật, được giữ nguyên tên khi lên phim, nên đoạn thoại của ông giàu cảm xúc, nếu là diễn viên chuyên nghiệp, chắc chắn cũng khó lột tả tốt được.

Bên trong vỏ kén vàng có những khung hình như đưa người xem vào thế giới nửa hư nửa thực
Bên trong vỏ kén vàng có những khung hình như đưa người xem vào thế giới nửa hư nửa thực

Cách làm phim kiểu thủ công này cũng là một phần lý do khiến tác giả Phạm Thiên Ân mất 4 năm mới hoàn thành bộ phim. Nhưng nhờ vậy, người xem mới cảm nhận được thứ điện ảnh thật thuần khiết, khác lạ. Đôi khi khán giả sẽ có cảm giác như đang xem một phim tài liệu hơn là phim truyện, vì mọi thứ diễn ra đều tự nhiên, rất thật.

Bên trong vỏ kén vàng đúng nghĩa dùng hình ảnh để kể chuyện, nói thay tâm trạng nhân vật. Nhiều cảnh quay, màu phim tông lạnh, như đưa người xem bước vào không gian mơ hồ, huyễn hoặc, nửa mơ nửa tỉnh. Chiếc xe gắn máy chạy trên con đường đèo quanh co trong làn sương mờ ảo, những cánh bướm trắng bay rập rờn bên vệ đường, ánh mắt sáng rực của đàn trâu dòm lom lom vào ống kính đang tiến đến gần, màn hát karaoke bài Tôi đi tìm tôi như lên đồng của Thiện…

Phim có nhiều cảnh quay thử thách kiên nhẫn người xem chẳng hạn như cảnh hai con gà đá này
Phim có nhiều cảnh quay thử thách kiên nhẫn người xem, chẳng hạn như cảnh hai con gà đá này

Thoại của phim cũng thật khác biệt. Kiệm lời nhưng lời thoại dài, câu chữ hàm chứa các yếu tố về đức tin Công giáo, nên không dễ chạm đến số đông người xem.

Chẳng hạn câu thoại đáng nhớ của bà cụ nói với Thiện: “Không ai có thể cảm thông hoàn toàn cho một linh hồn. Nó vượt quá khả năng của nhân loại”. Bên trong vỏ kén vàng, do vậy, vừa Việt Nam ở những hình ảnh, chi tiết thân quen như chuyện nhậu nhẹt, hát karaoke, đẩy giúp xe gắn máy.... lại vừa khá xa lạ.

Cảm nhận của người xem về phim, về cái kết mở cho hành trình đi tìm anh trai của Thiện có hậu hay không, tùy thuộc vào mức độ gắn kết với nhân vật.

Qua 3 tiếng đồng hồ, Phạm Thiên Ân đưa người xem đến với đức tin, với ý niệm linh hồn con người như một con ngài nằm trong tổ kén. Bước ra khỏi tổ kén đó, mỗi người sẽ khám phá được bản thân mình là ai, lẽ sống của đời mình là gì.

H.Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI