'Bê tông hóa' cao nguyên đá

07/10/2019 - 06:49

PNO - Khối bê tông bảy tầng sừng sững ở cao nguyên đá hoang sơ đặt ra nhiều câu hỏi, không chỉ về năng lực quản lý của địa phương, mà còn là bài toán nan giải về phát triển bền vững và đa dạng văn hóa.

Công trình bê tông trên đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang) đang gây nhiều nhức nhối. Nhức nhối vì cảnh quan tráng lệ bên dòng Nho Quế bị phá vỡ. Nhức nhối vì công trình đi vào khai thác mà thiếu hàng loạt giấy phép, song chính quyền địa phương vẫn làm ngơ. Nhức nhối vì một công trình kiên cố đặt ngay sát vùng bảo vệ danh lam thắng cảnh quốc gia, song Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch với các sở, phòng địa phương không hề có quyết định nào, cho đến lúc dư luận dậy sóng.

Và rồi, cũng cán bộ ban ngành đó, nhưng dưới áp lực dư luận, lại vào cuộc nhanh lạ thường. Cục Di sản (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Giang chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ. Tỉnh Hà Giang tức tốc lập đoàn kiểm tra công trình. Cộng đồng mạng nháo nhào đánh giá một sao cho quán cà phê - khách sạn ở Mã Pí Lèng trên các ứng dụng du lịch. Và “phượt thủ” lập tức tới đây chụp ảnh check-in tới độ khách sạn... cháy phòng.

'Be tong hoa' cao nguyen da
Công trình bên sông Nho Quế đang khiến nhiều người bức xúc

Trong rất nhiều phát biểu của các cơ quan chức năng, tôi ấn tượng phát biểu của ông Nguyễn Cao Cường - Chủ tịch H.Mèo Vạc. Ông Cường chia sẻ rằng, huyện đã muốn làm một điểm dừng chân ngắm cảnh trên đèo Mã Pí Lèng từ lâu, nhưng lại thiếu kinh phí. Nên khi tư nhân đứng ra làm, huyện sẽ “chào đón”, song chưa thể giải quyết kịp thủ tục hồ sơ. Nghĩa là, huyện tin rằng, việc xây công trình đồ sộ ở Mã Pí Lèng - mà không tính đến bài toán hài hòa cảnh quan, sức chịu tải của môi trường - là cần thiết. Huyện ủng hộ làm du lịch bằng việc “bê tông hóa” cao nguyên đá.

Lần lại Quyết định 1646/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Giang đến năm 2020 do ông Đàm Văn Bông (chủ tịch UBND tỉnh hồi đó) ký năm 2014, sẽ thấy quan điểm này của H.Mèo Vạc không lạ. Quyết định trên là một kế hoạch đánh đổi để “hóa rồng”, kỳ vĩ như cao nguyên đá; sắc lạnh như đá tai mèo; “mộng mơ” như chợ tình Khau Vai. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu: tổng thu từ khách du lịch: năm 2020 đạt khoảng 4.410 tỷ đồng, năm 2030 đạt khoảng 20.460 tỷ đồng.

Chỉ còn vài tháng là bước sang năm 2020, nhưng năm 2018, Hà Giang chỉ đạt doanh thu về dịch vụ du lịch gần 1.000 tỷ đông. Và, với khách hàng tiêu tiền rất ít là “phượt thủ” và “Tây ba-lô”, để đạt được mục tiêu nhọc nhằn 4.000 tỷ đồng năm 2020, Hà Giang có thể sẽ phải chấp nhận không phải một, mà là hàng chục, hàng trăm công trình dạng trên. Cao nguyên đá, phố cổ Đồng Văn, chợ tình Khau Vai... còn phải oằn lưng chịu băm vằm bởi những khối bê tông “hoành tráng” được hợp thức hóa để tỉnh đạt mục tiêu tăng trưởng. 

'Be tong hoa' cao nguyen da
Nhà hàng - khách sạn phá vỡ tổng thể bức tranh núi rừng

Câu hỏi đặt ra, Hà Giang có nhất thiết đánh đổi như vậy không?

Câu trả lời là không. Phá nát danh thắng, làm biến dạng văn hóa đồng bào vùng cao bằng những công trình đồ sộ không bao giờ là giải pháp phát triển bền vững. 

Nhìn sang Sa Pa (Lào Cai) chúng ta sẽ thấy phát triển du lịch thiếu tính toán nguy hại như thế nào. Các công trình mọc lên khắp thị trấn phá vỡ mọi giới hạn quy hoạch. Khi những phiến đá tai mèo bầm dập dấu chân du khách, đồng bào phải thích nghi với đời sống thị thành. Họ kiếm tiền bằng việc bán hàng thổ cẩm “made in China” và thường trực câu nói: “one dollar - one photo” (một đô la - một lần chụp ảnh cùng) trước những chiếc camera.

Người miền xuôi lên mang theo văn hóa đồng bằng với không ít sự kiêu ngạo. Chúng ta làm khu nghỉ dưỡng, làm resort giữa rừng, và coi đó là “tạo công ăn việc làm cho bà con” - ngay trên phần đất trước đây cha ông họ đã lao động, mà quên rằng người miền núi cũng có văn hóa riêng, giá trị riêng và cả những chuỗi cân bằng riêng để họ sinh tồn ở chốn thâm sơn cùng cốc suốt ngàn năm qua. Chúng ta quên rằng, văn hóa là những sự khác biệt, chứ không xem văn hóa đồng bằng như “khuôn vàng thước ngọc” đủ sức nắn chỉnh các vùng văn hóa khác. Việt Nam có năm mươi bốn dân tộc, với năm mươi bốn nền văn hóa, phong tục. Sự đa dạng này là tài sản không thể đong đếm bằng tiền. Nó càng không đáng bị phai nhòa bởi những mục tiêu tăng trưởng du lịch.

Nhìn trên bản đồ vệ tinh, khối bê tông khổng lồ ở Mã Pí Lèng chỉ là một cái chấm rất nhỏ. Nhưng, đằng sau cái chấm nhỏ đó là những tư duy sai lầm rất lớn về phát triển bền vững và đa dạng văn hóa. 

Phạm Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI