Bật ti vi là gặp giám đốc, chủ tịch!

28/12/2020 - 06:25

PNO - Xem các phim Việt giờ vàng phát trên truyền hình, có cảm giác Việt Nam toàn người giàu có, doanh nhân thành đạt, và ở Việt Nam, “làm sếp” là một nghề phổ biến.

Tính đến tập 11 của bộ phim truyền hình Hồ sơ cá sấu vừa lên sóng, khán giả đã được làm quen với bốn nhân vật giám đốc trong một câu chuyện nói về cuộc chạy đua giữa cảnh sát và tội phạm truy lùng hồ sơ cá sấu - tài liệu mật lưu giữ những bí mật làm ăn của một nhóm lợi ích.

Ngoài nhân vật Khánh “ma” - giám đốc công ty truyền thông nơi nữ chính Nguyệt làm việc - đã chết bí ẩn ngay từ tập đầu, những nhân vật nam khác xoay quanh Nguyệt gồm Hải - chồng cô, Tuấn “mỏ” - sếp của Hải, và Đặng Trung - quan chức hợp tác với cô - cũng đều sở hữu chức danh giám đốc. 

Phim Hướng dương ngược nắng xoay quanh cuộc chiến giành tài sản trong gia tộc họ Cao
Phim Hướng dương ngược nắng xoay quanh cuộc chiến giành tài sản trong gia tộc họ Cao

Cũng khai thác đời sống của tầng lớp trung lưu, chủ yếu là giới doanh nhân như Hồ sơ cá sấu, nội dung phim Hướng dương ngược nắng xoay quanh cuộc chiến giành quyền thừa kế tài sản trong gia tộc họ Cao của ông Cao Mạnh Phan - chủ tịch tập đoàn Cao Dược. Trong cuộc chiến đó, tổng giám đốc Bạch Cúc ở phe đối đầu với hai chị em Minh - Trí - con rơi của ông Cao Mạnh Đạt - chồng bà. 

Mô-típ con ruột - con rơi tranh giành gia sản của bố là giám đốc - chủ tịch tập đoàn/công ty cũng từng được khai thác trong phim Cả một đời ân oán. Đáng nói, trong cả hai phim này, nghệ sĩ nhân dân Mạnh Cường đều vào vai ông bố giám đốc đào hoa và nhân vật của ông đều gặp tai nạn giao thông dẫn đến tính mạng nguy kịch, khiến khán giả xem phim mới mà cứ tưởng phim cũ!

Thời gian gần đây, hiện tượng giám đốc - chủ tịch công ty/tập đoàn “lên ngôi” trên màn ảnh nhỏ vốn thường thấy trong phim truyền hình Hàn Quốc, dường như đã “lây” sang Việt Nam. Hễ bật ti vi, người xem lại bắt gặp nhan nhản các nhân vật trọng tâm là những giám đốc, chủ tịch. Dù đó là phim khai thác về đề tài hôn nhân - gia đình như Hoa hồng bên ngực trái, Cả một đời ân oán, Đừng bắt em phải quên, Hướng dương ngược nắng; thuộc dòng chính luận như Hồ sơ cá sấu, Sinh tử, Lựa chọn số phận hay đơn thuần nói về tình yêu nam nữ như Tình yêu và tham vọng.

Trong đó, phim theo mô-típ tranh giành quyền lực trong gia tộc, hay cuộc đấu đá giữa các gia tộc với nhau, thường xuất hiện nhiều giám đốc, chủ tịch nhất. Xem các phim Việt giờ vàng phát trên truyền hình, có cảm giác Việt Nam toàn người giàu có, doanh nhân thành đạt, và ở Việt Nam, “làm sếp” là một nghề phổ biến. 

Hồ sơ cá sấu có đến bốn nhân vật giám đốc
Hồ sơ cá sấu có đến bốn nhân vật giám đốc

Có thể hiểu lý do của hiện tượng này là vì các biên kịch chạy theo trào lưu ăn khách của phim Hàn, mà khán giả Việt vốn rất mê phim ảnh xứ kim chi. Không chỉ ảnh hưởng bởi cách khai thác đề tài, mô-típ, mà cả cách các nhân vật gọi nhau bằng họ kèm chức danh cũng “rặt” Hàn.

Không thể phủ nhận các phim Việt giờ vàng trên VTV nhiều năm gần đây luôn thu hút người xem, nhưng việc lặp đi lặp lại hình ảnh các giám đốc, chủ tịch, quẩn quanh bối cảnh nhà lầu, xe hơi và những câu chuyện tranh giành thâu tóm quyền lực cũng khiến khán giả thấy nhàm chán, mệt mỏi.

Suy cho cùng, Việt Nam vẫn chưa phải là quốc gia giàu có, sở hữu nhiều công ty, tập đoàn tư nhân lớn để mà hình tượng giám đốc, chủ tịch trở thành số đông. Việt Nam còn rất nhiều dân lao động nghèo, và thế giới người nghèo cũng có nhiều câu chuyện hay để kể. Bằng chứng là có nhiều web drama khai thác về tầng lớp này, và được khán giả yêu thích trong năm nay như Bố già, Nhà trọ có quá trời phòng, Chuyện xóm tui.

Trailer phim Hồ sơ cá sấu:

 

Nguyễn Ngọc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI