Bản hùng ca Mậu Thân 1968

26/07/2018 - 13:06

PNO - 50 năm sau Mậu Thân, những thời khắc bi tráng vẫn còn mãi trong hồi ức những người lính biệt động thành, những người bà, người mẹ can trường.

Bản hùng ca Mậu Thân 1968 là chương trình giao lưu nghệ thuật tri ân liệt sĩ nhân 71 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2018) do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Công ty Cổ phần quốc tế IMC Việt Nam phối hợp tổ chức tại Nhà hát Quân đội TP.HCM tối 25/7.

Tham dự chương trình có các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Trung tướng Lê Văn Hân – Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam.

Ban hung ca Mau Than 1968
NSND Quang Thọ thể hiện ca khúc Lá đỏ.
Ban hung ca Mau Than 1968
Trung tướng Lê Văn Hân – Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam - phát biểu khai mạc chương trình.

50 năm đã trôi qua kể từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chiến công vang dội và đau thương, mất mát ở nội đô Sài Gòn vẫn còn hằn sâu trong trái tim những người lính biệt động, những người bà, người mẹ can trường. Tại buổi giao lưu, hồi ức về những thời khắc bi tráng cách đây 50 năm và khoảng thời gian dài sau giải phóng đi tìm hài cốt đồng đội đã được ông Ngô Bá Chính – cựu chiến sĩ biệt động, bà Nguyễn Thị Hiếu – cơ sở cách mạng trong lòng địch, ông Vũ Đình Luật – nguyên chiến sĩ Sư đoàn 968 quân tình nguyện mặt trận Nam Lào – chia sẻ cùng đại biểu.

Ban hung ca Mau Than 1968
Ông Ngô Bá Chính kể lại thời khắc đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu của chính quyền Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

20 tuổi, Ngô Bá Chính đã cùng đồng đội đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu của chính quyền Sài Gòn. Bị thương, trên đường rút quân, ông được một người phụ nữ xa lạ nhận là con để tránh các đợt kiểm tra giấy tờ gắt gao của địch. Trở về sau cuộc chiến, ông Luật cùng đồng đội đã thành lập một nhóm cựu binh tình nguyện thầm lặng trèo đèo lội suối, đi tìm và quy tập hàng trăm hài cốt liệt sĩ.

Ban hung ca Mau Than 1968
Từ ngày về hưu, bà Hiếu đã cùng con cháu xây hơn 100 căn nhà tình thương, tình nghĩa cho người nghèo, gia đình các liệt sĩ khó khăn.

Bà Hiếu quê ở xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Gia đình có 3 thế hệ, 9 người phụ nữ được phong tặng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 31 con, cháu là liệt sĩ, 8 người là thương binh. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bản thân bà Hiếu là cơ sở cách mạng trong lòng địch, tham gia đấu tranh giành chính quyền. Từ ngày về hưu, bà lặng lẽ vận động con cháu, người thân gom góp tiền xây hơn 100 nhà tình nghĩa, tình thương cho người nghèo, gia đình liệt sĩ khó khăn.

Ban hung ca Mau Than 1968
Ba đại biểu giao lưu trong chương trình.

Trung tướng Lê Văn Hân – Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam – cho biết, từ ngày 12/6 – 10/8, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam phối hợp Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 phát động chương trình nhắn tin tri ân liệt sĩ. Theo đó, mỗi tin nhắn với cú pháp TALS gửi 1405 sẽ được quy đổi thành 20.000đ hỗ trợ cho các hoạt động giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ, xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, quà cho gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn.

Ban hung ca Mau Than 1968
Ca khúc Bản hùng ca 68 do Nhà hát giao hưởng vũ kịch TP.HCM biểu diễn.

Dịp này, Ban tổ chức đã tặng các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng 10 sổ tiết kiệm (5 triệu đồng/sổ), 10 phần quà (2 triệu đồng/phần) cho thân nhân các gia đình liệt sĩ.

Thanh Cường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI