Anh ấy còn toan tìm đến cái chết để tự rửa nỗi oan

01/05/2019 - 06:00

PNO - Thân chủ của tôi, sau biến cố "dựng hiện trường", đã phải sống trong trầm cảm suốt nhiều năm. Anh ấy còn toan tìm đến cái chết để tự rửa nỗi oan.

Bởi vậy, khi đọc bài Dựng hiện trường: đừng xâm hại trẻ thêm lần nữa! tôi thấy rất băn khoăn. Khi luận tội, nghi ngờ phạm tội, thì danh tính của anh ấy bị công khai khắp nơi. Công danh, sự nghiệp mất hết. Nhưng khi được kết luận vô tội, anh lại không được cộng đồng biết đến. Là nạn nhân trong nghi án, anh cũng sợ phải khơi lại nỗi đau của chính mình, của người thân…

Anh ay con toan tim den cai chet de tu rua noi oan
TS Lê Minh Thuận cho rằng dựng hiện trường không chỉ là nỗi ám sợ của riêng nạn nhân, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nghi phạm, khi họ bị hàm oan.

Trong tâm lý trị liệu, liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE), có hai khái niệm: bệnh nhân bị chỉ định (nạn nhân) và bệnh nhân (người có hành vi xâm hại người khác và những người liên đới, là gia đình nạn nhân và gia đình người phạm tội).

Khi một vụ XHTDTE xảy ra, bên cạnh việc điều tra, cần phải quan tâm đặc biệt đến vấn đề trị liệu tâm lý, vì khi rơi vào hoàn cảnh như vậy, trẻ chắc chắn chịu nhiều sang chấn. Sang chấn ấy nếu không trị liệu kịp thời, về lâu về dài sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách và khiến các em gặp khó khăn trong đời sống sau này.

Hiện nay có nhiều nhà tâm lý, nhân viên công tác xã hội đã và đang thực hiện viêc này. 

Bên cạnh đó, một khi được xem là “bệnh nhân”, nghĩa là người xâm hại người khác cũng cần được trị liệu, vì thực chất, họ mất kiểm soát hành vi của mình tại thời điểm xảy ra hành vi. Đó là một dạng rối loạn tâm lý cần được xem như một biểu hiện bệnh và cần được trị liệu.

Tại sao lại như vậy? Mục tiêu của luật pháp, bên cạnh tính răn đe là điều chỉnh hành vi để người phạm tội hoàn lương, trở thành người tốt. Nếu chỉ sử dụng hình phạt thì không phải là cách khiến một người phạm tội và người bị hại trở nên tốt hơn. 

Nhưng người ta thường quên trường hợp nghi phạm đang bị hàm oan. Dư luận căm phẫn trong một vụ án kiểu như vụ Nguyễn Hữu Linh dâm ô trẻ em trong thang máy ở một chung cư tại quận 4 là điều tất nhiên, dễ hiểu.

Nhưng khi dư luận “vùi dập”, “đâm chém” lên phía nghi phạm khi chưa có kết luận của cơ quan điều tra sẽ gây biết bao hệ lụy đau lòng không thua gì hành vi xâm hại một đứa bé khi nghi phạm ấy bị hàm oan.

Tuy nhiên, điều đáng buồn hiện nay là không ít người “hành xử và phán xét” một vấn đề thường “cảm tính”, “bức xúc” từ mạng xã hội còn nhiều điểm chưa phù hợp, ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ đến nạn nhân, người phạm tội, mà còn đến gia đình, người thân của họ.

Bên cạnh đó, chính sự chập chạm, thiếu minh bạch trong thông tin của các cơ quan thực thi pháp luật làm mất niềm tin, là yếu tố tạo điều kiện cho dư luận xã hội trở nên nặng nề hơn, phần nào đó dẫn đến tình trạng áp lực “phán xét hay xử tội bằng dư luận” không chỉ với người phạm tội mà cả với những người thân vô tội.

Điều đó ít nhiều gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, tâm lý của người liên đới; ảnh hưởng đến quá trình điều tra, phán xét, tác động đến tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật.

Thực tế khi nhận trị liệu tâm lý, ở mỗi vụ án XHTDTE thì nạn nhân và bệnh nhân đều được chúng tôi quan tâm ngang bằng nhau. Và chúng tôi cũng nhận thấy tác động của vụ việc khiếu kiện kéo dài, việc lấy lời khai như hỏi cùng, lặp đi lặp lại, nhất là việc dựng hiện trường không khéo léo… đã gây nỗi ám sợ với cả hai phía, nạn nhân và bệnh nhân của chúng tôi. Đặc biệt khi bị hàm oan, các nghi phạm càng thêm khốn khổ.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần thận trọng khi dựng hiện trường để tránh tổn thương người bị hại, đồng thời cũng là để tránh hàm oan.

Thu Lê – Thăng Long

(Ghi theo lời Tiến sĩ Lê Minh Thuận, Trưởng khoa Tâm lý Lâm sàng, BV Quận 2, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI