Ai dễ đột tử khi chơi thể thao?

15/06/2021 - 17:07

PNO - Khi chơi thể thao, một số người mắc hội chứng Brugada, hội chứng WPW, bệnh cơ tim phì đại... rất dễ bị ngừng tim.

* Thời gian gần đây, có nhiều trường hợp đột quỵ, đột tử khi đang chơi thể thao, thậm chí họ là những người trẻ hoàn toàn khỏe mạnh. Bản thân tôi và ông xã cũng rất đam mê thể thao, làm thế nào để lường trước được nguy cơ này, thưa bác sĩ? 

Nguyễn Hà Anh (Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội)

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Song Giang, Trưởng khoa C9, Phó trưởng Đơn vị Tim mạch can thiệp Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai, trả lời:

Thực ra, có khoảng 80% trường hợp đột tử khi chơi thể thao là người có bệnh lý tim mạch từ trước. Có thể người đó đã biết, nhưng cho rằng mình bị nhẹ. Thậm chí, có người nghĩ rằng mình khỏe mạnh hoàn toàn vì bệnh lý đó chưa bao giờ được phát hiện. Nguyên nhân là do họ không đi khám, hoặc khám nhưng không đúng chuyên khoa nên không được phát hiện.

Khi chơi thể thao, một số người mắc hội chứng Brugada, hội chứng WPW, bệnh cơ tim phì đại... rất dễ bị ngừng tim. Đáng lưu ý là những người mắc hội chứng đó có thể không hề có yếu tố khởi phát nhưng tự nhiên xuất hiện rối loạn nhịp tim, tim đập rất nhanh. Bình thường tim đập 70 - 80 lần/phút nhưng khi rối loạn, nhịp tim tăng lên 300 - 400 lần/phút gây tụt huyết áp, ngất xỉu và có thể ngừng tim ngay sau đó. 

Để phát hiện, sàng lọc những bệnh này từ đó lựa chọn được cách vận động thể dục, thể thao một cách phù hợp, bạn và gia đình nên tới các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để kiểm tra, thăm khám. Như đã phân tích ở trên, có những người được chẩn đoán hoàn toàn khỏe mạnh khi làm các xét nghiệm cơ bản. Kết quả xét nghiệm máu, chụp phim tim, phổi thậm chí siêu âm tim… cũng không thể hiện bất thường. Tuy nhiên, trên điện tâm đồ có thể có dấu hiệu gợi ý một số bệnh lý dễ gây ra đột quỵ, ngừng tim. Căn bệnh này biểu hiện khá kín đáo, nên các  bác sĩ không chuyên về tim mạch có thể không để ý và phát hiện bệnh một cách kịp thời.

H.Anh (ghi)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI