"Vầng trăng" ngày tết

21/01/2023 - 17:20

PNO - Cả xóm Chùa này chỉ nhà bà Tám có cái cối chày quết bánh phồng. Hễ vào đầu tháng Chạp là bọn trẻ tụi tôi nôn nao được sang nhà bà Tám phụ quết bột, phơi bánh...

 

Ảnh: Nguyễn Dừa
Ảnh minh họa: Nguyễn Dừa

Mấy ngày nay, gió chướng về mang theo không khí lành lạnh. Cái lạnh hiếm hoi ở miền Nam. Trên đường phố náo nhiệt, đâu đâu cũng trang hoàng hoa lá rực rỡ từ trong nhà ra đường phố. Thế là báo hiệu tết đến xuân về!

Tôi còn nhớ ngày xưa, ở quê tôi lúc này vừa kết thúc mùa gặt. Đâu đó giữa đêm khuya tĩnh mịch những tiếng nói nói cười cười, tiếng chày cùm cụp làm khuấy động một xóm quê. Năm nào cũng vậy, khi vừa gặt lúa xong, mẹ tôi tranh thủ cùng mấy bà cô hàng xóm xúm xít nhau ngồi lựa từng hạt nếp thật “rặt”, thật dẻo để dành quết bánh phồng.

Ánh lửa lập lòe trong đêm tối. Đêm khuya mẹ tôi và bà Tám hàng xóm thức canh nồi xôi sao cho vừa chín tới. Bà Tám nói xôi vừa chín tới bỏ vào cối quết liền thì bột mới nhừ và mịn, cán ra cái bánh phồng không có nổi lên những hạt nếp vậy bánh mới ngon, còn nếu nấu chín quá, dẻo lắm, quết dính cối, khó nhừ, không mịn.

Độ chừng nồi xôi vừa chín, bà Tám mang thúng gánh, thau, thùng… chuẩn bị. Bà Tám quệt những giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán, bà chạy vào gọi ông Tám đang ngon giấc mơ màng trong tiếng chày cùm cụp, cùm cụp xa xa vọng đến. “Dậy, dậy đi ông, xôi chín rồi đi nhanh lên kẻo nguội là quết mệt lắm, mấy bà hàng xóm ngồi chờ ở trển, mấy bà chờ mình kìa”. Ông Tám ậm ự rồi cũng ngồi dậy bước ra khỏi giường, còn bọn trẻ chúng tôi nghe gọi là nhảy phóc dậy vì nghe đi phụ quết bánh phồng là mừng lắm, mấy ngày nay tôi mừng đến mức không ngủ được.

Cả xóm Chùa này chỉ nhà bà Tám có cái cối chày quết bánh phồng. Hễ vào đầu tháng Chạp là không đêm nào cái cối nhà bà Tám nghỉ yên. Các bà các dì chọn nhà bà Tám làm điểm nấu xôi và cán bánh, nay cán bánh cho nhà này, mai lại đến nhà khác, cứ xoay vòng đến cuối năm thì nhà ai cũng có bánh phồng ăn tết. Phía sau nhà bà Tám có cánh đồng lúa vừa cắt xong, người ta đem rơm ra phủ khắp mặt ruộng để trải chiếu phơi bánh cho khỏi bụi, bánh phơi độ một nắng là khô.

Bọn trẻ chúng tôi thích lắm, mặc dù chân tay yếu ớt không đạp nổi cái chày to đùng to hơn con trâu cày nhưng cũng đứng lên hì hục đạp, vậy mà vui. Bọn trẻ con đứng phía trước, mấy người mạnh khỏe đứng phía sau đạp theo nhịp chày lên xuống sao cho đồng nhịp. Bà Tám là “chuyên gia” vùa bánh, hai tay bà thoăn thoắt đảo những hạt xôi trong cối và cho gia vị nước đường, nước dừa vào cho đều để bánh mịn, thơm và cũng không bị dính cối.

Tôi thích nhất là lúc cán bánh, bà Tám ngắt những viên đều đều tròn tròn nho nhỏ như quả trứng gà để mấy bà cán ra cho bánh đều bằng nhau. Nếu người khác ngắt bánh không khéo khi cán sẽ có cái to cái nhỏ. Còn những người “thợ” cán bánh còn điệu nghệ hơn, gọi là thợ cho oai chứ họ là những người bình thường tay ngang nhưng cán bánh rất tròn đẹp, rất đều. Một tay cầm ống cán, một tay xoay, vừa cán vừa xoay cho tròn, cho đều không bị chỗ dày chỗ mỏng. Còn nhiệm vụ bọn con nít chúng tôi là đem những cái bánh vừa cán xong đến manh chiếu phơi, chỉ chạy đi chạy lại vậy mà thích mà vui. Nhìn những cái bánh nằm trên chiếu ngay hàng thẳng lối tròn vành vạnh như vầng trăng rằm mà thích mê.

Chỉ ồn ào lúc nửa đêm đến sáng khi mặt trời lên là xong việc để phơi bánh khô trong ngày. Điều làm tôi thích nhất nữa là lúc giữa trưa đội nón lá ra giữa đồng trở bánh, những cái bánh vừa ráo ráo nắng bóc là tróc ra ngay, nhưng cũng có những cái bánh "lì lợm", cố gỡ thì bị rách, tôi cho vào miệng "thủ tiêu". Bánh vừa có vị ngọt ngọt mặn mặn của gia vị vừa có hương vị của nắng, thơm phức.

Cứ mỗi chiều tối, bọn con nít chúng tôi mỗi đứa cầm một cái bánh chạy đến nhà bà Tám gọi: “Bà Tám ơi! nướng giùm con cái bánh”. Bà Tám bước ra gật gật cười, bọn tôi đứa ôm rơm, đứa đi lấy cây gấp nướng, đứa tìm hộp quẹt đốt rơm cho bà nướng. Xong, mỗi đứa cầm một cái bánh chạy đi, bà Tám nhìn theo nheo mắt cười. Đó cũng là niềm vui của tuổi già.

Chiều 30 tết nhà ai cũng đốt đống lửa bên hiên nhà nướng bánh cúng rước ông bà. Không biết tục lệ có từ bao giờ nhưng nhà ai cũng phải có bánh phồng để trên bàn thờ cùng với đĩa mứt gừng.

Nhưng những hình ảnh đó, những âm thanh đó, những mùi vị đó bây giờ đã xa, và xa mãi. Tháng Chạp về, mỗi đêm khuya không còn nghe tiếng chày cùm cụp, cùm cụp nữa mà thay vào là những khoảng lặng mênh mông, đôi lúc nghe những tiếng gà gáy xa xa vọng lại. Những buổi chiều không còn thấy những đống lửa bập bùng bên mỗi hiên nhà nướng bánh nữa.

Những tiếng chày khuya dần đi vào quên lãng. Rồi đây, những "vầng trăng" mà chúng tôi đã gọi và thấy sẽ không còn nữa ở quê tôi. Ngày nay người ta làm bánh bằng máy móc theo kiểu công nghiệp hóa. Cái cối chày nhà bà Tám cũng nằm buồn thiu ở góc nhà.

Bọn trẻ bây giờ không có cơ hội nô đùa lúc nửa đêm, sẽ không còn ăn vụng bánh vừa ráo nắng như chúng tôi thời xưa. Chúng cũng sẽ không còn biết các công đoạn làm bánh. Chúng chỉ thấy những chiếc bánh đã thành phẩm trên những sạp bánh ngoài chợ.

Những ngày cuối năm thật nhộn nhịp, thật vui của ngày xưa cứ đọng mãi trong tâm trí tôi!

Thanh Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI