Ưu tiên tuyển thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: Không công bằng với học sinh nông thôn?

11/01/2022 - 12:00

PNO - Nhận thấy lợi thế của IELTS trong xét tuyển đại học, nhiều thí sinh chạy đua học và thi nhằm có được chứng chỉ ngoại ngữ này.

Năm 2021, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trở thành “tấm vé” đặc biệt giành suất vào những ngôi trường mơ ước. Tuy nhiên, chính từ cuộc đua IELTS đang sốt lại khiến nhiều người cho rằng cần nhìn nhận về sự bình đẳng trong tuyển sinh và ngay cả trong chính các loại chứng chỉ ngoại ngữ.

Năm 2021, nhiều thí sinh trượt đại học mặc dù điểm cao bởi số chỉ tiêu đã chia bớt cho những bạn điểm thi thấp hơn nhưng xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ.

Theo thống kê của Trường Đại học Y Hà Nội, năm 2021, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển kết hợp IELTS vào trường cao gấp hơn 5 lần chỉ tiêu. Trong khi đó, thí sinh tuyển sinh vào Trường Đại học Y Dược TPHCM cũng nộp hồ sơ xét chứng chỉ gấp 3, 6 lần chỉ tiêu…

Mùa tuyển sinh năm nay, phương thức kết hợp các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đang là phương thức được nhiều trường đại học top đầu sử dụng để tuyển đầu vào, đặc biệt với những trường, ngành học cạnh tranh.

Phương thức tuyển sinh bằng chứng chỉ ngoại ngữ lên ngôi - Ảnh: Đại Minh
Phương thức tuyển sinh bằng chứng chỉ ngoại ngữ "lên ngôi" - Ảnh: Đại Minh

Vừa qua, hàng loạt trường ĐH công bố phương án tuyển sinh chính quy năm 2022. Điều dễ dàng nhận thấy là các trường đã giảm sâu chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT và tăng chỉ tiêu xét tuyển, thậm chí là tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS, TOEFL hoặc các chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế như A-Level, SAT…

Cụ thể trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh có chứng chỉ IELTS Academic đạt từ 6.5 trở lên (hoặc tương đương) và có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11, 12 đạt 8.0 trở lên sẽ được ưu tiên xét tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh và Kinh tế quản lý.

Hay thí sinh muốn vào ngành Y khoa của ĐH Y Hà Nội, có chứng chỉ IELTS 6.5 trở lên sẽ được áp dụng điểm trúng tuyển thấp hơn 3 điểm. Đặc biệt, Học viện Ngoại giao ưu tiên xét tuyển đối với thí sinh có điểm IELTS từ 7.0 trở lên (hoặc tương đương), trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng ưu tiên thí sinh có chứng chỉ IELTS và năm nay trường này chỉ lấy 10-15% chỉ tiêu cho kết quả thi tốt nghiệp…

Như vậy, tuyển sinh năm 2022 lại có thêm “cuộc đua” về chứng chỉ. Điều này vô hình trung tạo ra sự bất bình đẳng giữa các đối tượng thí sinh giữa các vùng miền khác nhau bởi không phải thí sinh nào cũng có điều kiện tiếp cận những chứng chỉ này.

Nhiều chuyên gia cùng chung quan điểm việc mở rộng ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng thí sinh có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như TOEFL, IELTS có thể sẽ thúc đẩy phong trào học tiếng Anh.

Tuy nhiên điều này tạo ra sự bất bình đẳng đối với học sinh vùng nông thôn hay vùng sâu vùng xa. Học sinh ở những khu vực này khó có điều kiện về tài chính và môi trường học tập thuận lợi để ôn thi chứng chỉ TOEFL hay IELTS.

Lợi thế nhất là những học sinh ở thành phố lớn dễ dàng tiếp cận với giáo viên bản ngữ, có kinh nghiệm luyện thi nhưng những học sinh ở nông thôn, hoàn cảnh khó khăn thì lại bị thiệt thòi.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Ưu tiên xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với lượng chỉ tiêu lớn sẽ phát sinh tiêu cực, khuyến khích tình trạng học lệnh, không đảm bảo yếu tố công bằng, vùng miền…

“Nếu chạy theo chứng chỉ IELTS hay một chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nào khác cũng sẽ có thể bỏ lọt nhân tài bởi vì không phải ai điều kiện để tiếp cận tri thức đó.

Bản chất tuyển sinh đại học là tìm những thí sinh năng lực học tập, tư duy, kỹ năng để đáp ứng chương trình học nên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không nói lên tất cả. Với cách tuyển sinh hiện nay của nhiều trường, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đang chiếm lượng chỉ tiêu lớn sẽ gây nên sự bất bình đẳng với học sinh các vùng miền.

Theo tôi, tiêu chí ngoại ngữ chỉ nên là tiêu chí phụ thôi. Khi xét tiêu chí chính là dựa vào kết quả học tập ở trường, năng lực, thành tích, hoạt động xã hội… rồi mà vẫn ngang nhau thì xét thêm tiêu chí phụ.

Tôi không phản đối tiêu chí ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nhưng chỉ nên lấy đó làm tiêu chí phụ, không nên miễn thi hay quy đổi thành điểm tuyển sinh như kỳ thi vừa qua”, tiến sĩ Lê Viết Khuyến nói.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI