Ươm mầm tài năng điện ảnh: Đâu thể chỉ trông chờ vào “người ngoài”

08/05/2023 - 07:06

PNO - Dự án phim ngắn CJ mùa 4 (CJ Cultural Foundation và CJ CGV Việt Nam) vừa khởi động tuần qua và nhận hồ sơ tham dự đến hết ngày 28/5. Sau vòng tuyển sinh, ngày 14/6 là vòng thuyết trình để chọn ra 10 dự án xuất sắc và top 5 sẽ được hỗ trợ kinh phí làm phim 300 triệu đồng/dự án.

Kể từ lần đầu tổ chức vào năm 2018, đến nay dự án phim ngắn CJ đã phát hiện, nuôi dưỡng nhiều tài năng trẻ điện ảnh và chắp cánh cho tên tuổi, tác phẩm họ vượt ra ngoài biên giới. Ngay ở mùa 1, cuộc thi đã gặt hái thành công ngoài mong đợi khi phim Hãy tỉnh thức và sẵn sàng của Phạm Thiên Ân đoạt giải Illy tại Tuần lễ đạo diễn  - Liên hoan phim (LHP) Cannes 2019, phim Một khu đất tốt của Phạm Ngọc Lân tranh giải Gấu vàng (LHP Berlin 2019), phim Ngọt, mặn của Dương Diệu Linh tranh giải hạng mục Wide Angle (LHP Busan 2019).

Qua 3 mùa, các phim trong khuôn khổ cuộc thi đã được lựa chọn trình chiếu và đoạt giải tại hơn 50 LHP thế giới như LHP Berlin, Venice, Cannes Rotterdam, Locarno, Busan, Singapore… Nhiều đạo diễn trẻ xuất thân từ cuộc thi đã ghi dấu ấn trên phạm vi quốc tế và bắt đầu bước vào con đường làm phim chuyên nghiệp với phim truyện đầu tay. Tiêu biểu như Phạm Thiên Ân có Bên trong vỏ kén vàng (phát triển từ phim ngắn Hãy tỉnh thức và sẵn sàng) dự chương trình Tuần lễ đạo diễn ở LHP Cannes 2023. 

cảnh trong phim Bên trong vỏ kén vàng được Phạm Thiên Ân phát triển từ phim ngắn Hãy tỉnh thức và sẵn sàng
Cảnh trong phim Bên trong vỏ kén vàng được Phạm Thiên Ân phát triển từ phim ngắn Hãy tỉnh thức và sẵn sàng

Sân chơi phim ngắn ở Việt Nam không thiếu, thậm chí nhiều, nhưng chủ yếu do những hội nhóm, đơn vị tư nhân trong nước thực hiện. Các phim đoạt giải cũng chỉ được phổ biến trong phạm vi nội bộ, ít có cơ hội vươn tới những LHP nước ngoài. Dự án phim ngắn CJ là mô hình chuyên nghiệp và thành công nhất vì những người tạo ra cuộc thi không chỉ có tiềm lực kinh tế mạnh mà còn đến từ Hàn Quốc, đất nước có nền điện ảnh phát triển. Ban đầu đơn giản chỉ là hỗ trợ chi phí làm phim, song qua từng mùa, sự tiếp sức đó mở rộng hơn bằng cách hỗ trợ trang thiết bị máy móc, hậu kỳ làm phim và mùa thi năm nay thì có hẳn chuyên gia Hàn Quốc dạy 1 tuần chuyên sâu các kỹ năng tổ chức sản xuất, đạo diễn, dựng phim…

Làm phim là cuộc chơi tốn kém, thành công hay thất bại rất mong manh. Do đó, để một nhà đầu tư giao phim cho người mới rất khó khăn. Chuyện khởi nghiệp với điện ảnh vì vậy rất khó khăn, nhất là với dân tay ngang. Nếu không có dự án phim ngắn CJ có lẽ Phạm Thiên Ân vẫn theo đuổi học tin học hay Phạm Ngọc Lân vẫn theo nghề quy hoạch kiến trúc chứ không đến với phim ảnh và gặt hái thành tựu như hiện nay.

Điện ảnh đã được Nhà nước xác định là ngành công nghiệp quan trọng để xuất khẩu văn hóa, nhưng từ bấy đến nay việc ươm mầm cho các tài năng trẻ vẫn là khao khát, dự định chưa thể thực hiện bởi không có quỹ hỗ trợ. 17 năm quỹ này vẫn tồn tại trên giấy trong sự sốt ruột của những người làm phim. Trong khi các cơ quan chức năng vẫn còn loay hoay với việc xác định nguồn thu để quỹ này vận hành thì các nhà đầu tư Hàn Quốc đã sốt sắng bắt tay vào hỗ trợ những đạo diễn trẻ thông qua dự án phim ngắn CJ. “Người ngoài” đã làm và làm thành công, nhưng chẳng lẽ việc phát hiện, nuôi dưỡng nhân tài đất Việt cứ mãi trông chờ vào họ?

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI