Tuyển sinh lớp Một - Vì sao một số trường quá “nóng”?

01/03/2023 - 06:10

PNO - Hàng trăm phụ huynh ở Hà Nội đã xếp hàng từ chiều hôm trước, chờ sang hôm sau mua hồ sơ tuyển sinh lớp Một cho con. Vì sao họ phải nhọc công đến như vậy?

Căng thẳng tìm cơ hội cho con vào trường danh tiếng

Không căng thẳng kiểm tra, phỏng vấn đánh giá năng lực như một số trường ngoài công lập khác; “kỳ thi” vào Trường tiểu học - THCS - THPT Marie Curie (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) chỉ là một buổi hoạt động, ăn, ngủ tại trường. Nhà trường xác định việc tuyển sinh được tổ chức nhẹ nhàng, tự nhiên, không gây áp lực. Chỉ cần các em có khả năng tập trung trong giờ học; tự tin và hợp tác với giáo viên; tự lực và có nếp ăn, ngủ tốt; có năng khiếu, năng động và tính đồng đội trong hoạt động văn nghệ, thể thao là đủ để vào trường. Song để có 1 “vé” tham dự lại là áp lực của không ít phụ huynh. 

Phụ huynh xếp hàng xuyên đêm chờ Trường Marie Curie (Hà Nội) mở bán hồ sơ tuyển sinh lớp Một - ẢNH: M.C.
Phụ huynh xếp hàng xuyên đêm chờ Trường Marie Curie (Hà Nội) mở bán hồ sơ tuyển sinh lớp Một - Ảnh: M.C.

Năm nay, trường thông báo 8g ngày 25/2 sẽ phát hồ sơ vào lớp Một năm học 2023-2024. Thế nhưng từ chiều 24/2, rất nhiều phụ huynh đã xếp hàng ở cổng trường để chờ nhận phiếu đăng ký và hồ sơ tham dự tuyển sinh. Càng về khuya, số phụ huynh xếp hàng càng đông nên trường đã phải phát hồ sơ lúc 0g thay vì 8g sáng hôm sau như kế hoạch.

Đây không phải lần đầu tiên diễn ra cảnh phụ huynh “xếp hàng đặt gạch” trước cổng Trường Marie Curie. Năm 2021, phụ huynh xếp hàng từ 4g sáng. Tháng 3/2022, không ít ông bố, bà mẹ đã đứng trước cổng trường từ nửa đêm, chờ đến sáng để mua hồ sơ tuyển sinh vào lớp Một cho con. Mấy năm nay, trường tuyển 360 chỉ tiêu ở cả 2 cơ sở, số phiếu phát ra là 720. Nhưng năm nào cũng có tình trạng phiếu phát ra đã hết, mà người vẫn còn quá nhiều nên không ít phụ huynh phải ra về tay không. 

Hệ thống giáo dục Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy) quy định toàn bộ học sinh có nguyện vọng dự tuyển phải đăng ký trực tuyến trên hệ thống tuyển sinh của trường. Thế nhưng, việc đăng ký tuyển sinh cho con cũng khiến các phụ huynh căng thẳng không kém xếp hàng trực tiếp. Năm ngoái, vợ chồng chị Ánh Vân (quận Đống Đa) phải thay nhau canh giờ nhà trường mở cổng đăng ký trực tuyến. “Giờ đó phụ huynh vào đăng ký rất đông nên các thao tác dễ bị trục trặc. Chúng tôi cũng không dám chờ, vì chỉ chậm tay một chút là có khi con mất cơ hội, tên con sẽ nằm ở “danh sách chờ” khi trường đã nhận đủ số lượng đăng ký”, chị Ánh Vân nói. 

Trên mạng xã hội, phụ huynh cũng chia sẻ việc phải “xếp hàng” để chờ cơ hội cho con thi tuyển vào lớp Một - ở những trường ngoài công lập có tiếng khác. Cũng như Trường tiểu học - THCS - THPT Marie Curie, Trường tiểu học - THCS - THPT Nguyễn Siêu; hầu hết các trường này có mức học phí mỗi tháng lên đến hàng chục triệu đồng, nhưng giành được tấm vé vào trường cũng không hề đơn giản. 

Tin tưởng triết lý nhà trường

Việc nhiều trường ngoài công lập là mục tiêu để nhiều phụ huynh tìm cơ hội đưa con vào học phần lớn do chất lượng chương trình đào tạo song ngữ quốc tế của trường. Chẳng hạn chương trình học của Trường Nguyễn Siêu là song ngữ quốc tế Cambridge, mô hình lớp Cambridge Checkpoint Primary (chứng chỉ tiểu học quốc tế Cambridge)... Việc tuyển sinh của Trường Marie Curie có phần “nóng” hơn, bởi đây là một trong số những trường ngoài công lập đầu tiên tại Hà Nội, nổi tiếng và do nhà giáo Nguyễn Xuân Khang sáng lập năm 1992.

Triết lý giáo dục của nhà giáo Nguyễn Xuân Khang là trang bị cho học sinh năng lực trí tuệ nhưng không áp lực thành tích phải thi đậu trường này, trường khác. “Quan trọng là nhân cách các em tốt. Điểm toán, văn thấp, nhưng điểm mỹ thuật, âm nhạc, giáo dục thể chất tốt - thì cũng không vấn đề gì. Trước mặt học sinh phổ thông không chỉ có cánh cửa đại học, mà cuộc sống phía trước của các em có rất nhiều điều cần chinh phục” - thầy Khang chia sẻ. 

Năm 1993, chị Đinh Trung Hằng (hiện là phó giáo sư ngành khoa học máy tính và công nghệ thông tin tại Đại học Indiana South Bend - Mỹ) kết thúc lớp Chín chuyên toán ở Trường Quốc học Huế. Tin tưởng vào triết lý lấy học trò làm trung tâm của thầy Khang, cha mẹ gửi chị từ Huế ra Hà Nội, theo học Trường Marie Curie. Với giải Nhì học sinh giỏi toàn quốc môn toán, chị Hằng được tuyển thẳng và được nhà trường tặng học bổng. 5 năm sau, cha mẹ chị lại gửi em trai Đinh Trung Hiếu (nay là tiến sĩ - kỹ sư phần mềm hệ thống cao cấp tại Mỹ) ra Hà Nội học bậc THPT tại Trường Marie Curie. 

Chị Hằng chia sẻ: “Trước khi ra Hà Nội, tôi luôn xem việc đạt học sinh giỏi là điều rất quan trọng. Nhưng dần dần tôi hiểu con người cần phải được phát triển toàn diện. Ngoài học giỏi còn cần sức khỏe, bản lĩnh và kỹ năng sống. Chúng tôi được đọc Tạp chí Toán học và tuổi trẻ do nhà trường đặt, được nghe thầy Khang nói chuyện về nhà bác học Marie Curie... Nhờ đó, chị em tôi được thỏa mãn niềm đam mê toán học, có thêm động lực để phấn đấu đạt được ước mơ của mình”.

Còn chị Đặng Quỳnh Chi - người vừa “rớt” tấm vé cho con vào lớp Một trường Marie Curie - tâm sự: “Trước đây, em gái tôi là học sinh của trường. Em không có thành tích xuất sắc, nhưng những giá trị nhân văn, kỹ năng sống mà em có được trong thời gian học ở đây thực sự là vô giá. Từ một bé gái nhút nhát, em háo hức tham gia các hoạt động ở trường. Những đồng tiền làm thêm thời sinh viên, em biết dành để mua áo mới tặng mẹ, mua thuốc cho cha; và luôn trích một phần để giúp đỡ các em nhỏ khó khăn. Hy vọng 5 năm nữa, con trai tôi có cơ hội vào học lớp Sáu để được học thầy Khang”.  

Nên cho phụ huynh đăng ký online 

Việc Trường Marie Curie (Hà Nội) phát phiếu trải nghiệm cho phụ huynh lúc nửa đêm gây nhiều tranh cãi. Bởi hiện nay kể cả các trường tư cũng có nhiều cách tốt để tuyển sinh. Thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên môn sinh học tại Hà Nội - cho rằng: “Nhà trường cũng là cơ quan đơn vị hoạt động theo quy định của Nhà nước, có giờ làm việc được quy định cụ thể chứ không thể bán hồ sơ lúc nửa đêm (50.000 đồng/hồ sơ - PV), khiến hàng trăm phụ huynh vạ vật tranh nhau mua hồ sơ học cho con”.  

Thầy Hiền cũng cho rằng tại Hà Nội hay TPHCM cũng có nhiều trường tư vô cùng “nóng” nhưng cách tuyển sinh không làm khổ phụ huynh. “Chúng ta đang sống ở thời đại công nghệ số. Chuyển đổi số trong giáo dục là tất yếu, tại sao không cho phụ huynh đăng ký online. Còn như giải thích của nhà trường sợ thí sinh ảo thì chúng ta có đủ công nghệ, quy trình để hạn chế thấp nhất việc đó. Rõ ràng việc phụ huynh xếp hàng vì con cái là không sai, nhưng cái cách nhà trường làm việc thật sự có vấn đề”. 

Quang Mạnh

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI