Tự gắn nhãn cho MV là điều nên làm

28/08/2022 - 07:18

PNO - Ca sĩ Việt hiếm khi tự gắn nhãn phân loại độ tuổi tiếp cận cho MV của mình. Điều này khiến nhiều sản phẩm tạo tranh cãi, thậm chí bị gỡ khỏi YouTube vì nội dung nhạy cảm, không phù hợp với đa số người xem.

Nhiều MV gây tranh cãi

Sau hơn hai năm vắng bóng, Chi Pu trở lại đường đua âm nhạc tháng Tám với MV Black hickey (Con dấu chủ quyền). Theo Chi Pu, đây là sản phẩm vô cùng quan trọng bởi nó mở đầu cho chuỗi MV của cô. Tuy nhiên, khi vừa ra mắt công chúng, MV Black hickey đã gây tranh cãi lớn về hình ảnh, tình huống xảy ra trong câu chuyện của nhân vật. MV sau đó được gỡ khỏi YouTube, chỉ còn phiên bản dance.

MV Hula hula của Đạt G và Huỳnh James gây tranh cãi vì có nhiều hình ảnh “mát mẻ” nhưng không gắn nhãn hạn chế độ tuổi người xem
MV Hula hula của Đạt G và Huỳnh James gây tranh cãi vì có nhiều hình ảnh “mát mẻ” nhưng không gắn nhãn hạn chế độ tuổi người xem

Với MV Black hickey, nhiều người cho rằng Chi Pu đang cổ xúy việc quấy rối tình dục nơi công sở. Về việc MV biến mất khỏi YouTube, phía Chi Pu chưa lên tiếng chính thức về lý do cụ thể, nhưng cho đến nay, sau mười ngày sản phẩm bị ẩn khỏi YouTube, MV vẫn chưa được đăng tải trở lại.

Đây không phải là lần đầu Chi Pu thực hiện sản phẩm có hình ảnh nhạy cảm. Tuy nhiên, nếu MV Mời anh vào team em ra mắt cách đây ba năm được Chi Pu chủ động gắn nhãn 16+, thì với Black hickey, cô không có động tác tương tự. Trả lời về việc này, phía công ty quản lý Chi Pu cho biết ê-kíp đánh giá sản phẩm không có nhiều hình ảnh quá nhạy cảm nên không gắn nhãn. Ở đây, nếu tiếp tục tự gắn nhãn, có thể Black hickey sẽ không gây ra nhiều tranh cãi đến mức MV “bay màu” như vậy.

Thời gian qua, ca sĩ Việt liên tục cho ra mắt MV chứa nhiều hình ảnh khá táo bạo như Hula hula của Đạt G và Huỳnh James; Duyên duyên số số của ca sĩ Du Uyên; Là do em xui thôi của ca sĩ Sofia và rapper Khói; Khói của Hà Lê; Strip em downKhông cần phải nói nhiều của rapper Tlinh... Mỗi MV mang một nội dung khác nhau, có MV nhạy cảm ở hình ảnh, có MV lại gây tranh cãi ở phần lời hát, trang phục… nhưng tuyệt nhiên, không một sản phẩm nào được gắn nhãn giới hạn độ tuổi.

Một trong những hình ảnh bị chỉ trích trong MV Black hickey của Chi Pu
Một trong những hình ảnh bị chỉ trích trong MV Black hickey của Chi Pu

Khán giả sẽ có nhiều thiện cảm hơn

Trong lần trò chuyện với Báo Phụ Nữ TP.HCM, rapper Huỳnh James nói anh không nghĩ đến việc tự gắn nhãn cho sản phẩm âm nhạc. Gần nhất là loạt hình ảnh được cho là “mát mẻ” trong MV Hula hula. Theo anh, chúng nằm trong mức chấp nhận được, gần như thể hiện lối sống phóng khoáng, phù hợp với dòng nhạc Latinh mà anh và Đạt G đã chọn. 

Với MV Khói của Hà Lê, ngoài việc xuất hiện một số hình ảnh gợi cảm, còn có nội dung mang màu sắc kinh dị, gây sốc. Chia sẻ thêm về ý tưởng, Hà Lê nói trong MV Khói, qua góc nhìn của một bệnh nhân quái dị, những người khám bệnh cho anh đều giống ác quỷ. Những cảnh mờ nhòe gợi cảm hay biến thành sinh vật lạ đều nằm trong suy tưởng của người bệnh. Chúng hoàn toàn không có thật. Anh cho biết khi thực hiện sản phẩm đã khá lo lắng về phần hình ảnh, nhưng anh tin rằng nếu người nghe kết nối với âm nhạc, họ sẽ hiểu vì sao anh chọn hình ảnh như thế. Hà Lê cũng khẳng định anh chưa từng nghĩ đến việc phải giới hạn độ tuổi người xem.

Việc Khói hay Hula hula còn tồn tại trên YouTube cho thấy những sản phẩm này không gây ra quá nhiều ồn ào để cơ quan chức năng phải vào cuộc. Tất nhiên, ca sĩ cũng không cần phải chỉnh sửa sản phẩm để làm hài lòng tất cả khán giả. Nhưng đặt trường hợp người sáng tạo chủ động gắn nhãn cho sản phẩm của mình, thì các MV sẽ được sàng lọc bước đầu về nội dung. Người xem khi đó có thể lường trước được những gì họ sắp thưởng thức và tự quyết định xem hay không.

Chi Pu từng có MV được gắn mác 16+ và đến hiện tại, sản phẩm này vẫn an toàn trên YouTube
Chi Pu từng có MV được gắn mác 16+ và đến hiện tại, sản phẩm này vẫn "an toàn" trên YouTube

Hiện tại trên YouTube, việc gắn nhãn MV chỉ mang tính cảnh báo cho người xem, không cấm việc họ truy cập. Đây là hạn chế lớn của YouTube, bởi chúng khiến việc gắn nhãn không thực sự tạo ra hiệu quả cần có. Điều này dẫn đến những tranh luận không hồi kết. Bởi thời gian qua, có nhiều nội dung “bẩn” trên YouTube nhận được lượng xem khủng khiến phụ huynh vô cùng ái ngại, lo lắng cho con em, nhưng không có cách hạn chế triệt để. Rapper Huỳnh James nói sẽ lưu ý việc gắn nhãn cho MV, nhưng anh khẳng định khá khó để đánh giá. Đôi lúc, những rapper hay người làm sáng tạo như anh không thấy có vấn đề với hình ảnh, lời nhạc, nhưng khán giả lại cho rằng chúng cần được giới hạn. Ở đây, quan điểm của mỗi người mỗi khác, nên quyết định gắn nhãn hay không, anh nói cần cân nhắc thêm với từng MV cụ thể. 

Với thị trường âm nhạc thường xuyên xuất hiện MV có các câu chuyện, hình ảnh táo bạo, gợi cảm như thời gian qua, việc tự gắn nhãn cho sản phẩm cần được nghĩ đến một cách nghiêm túc hơn. Điều đó không chỉ giúp sản phẩm sớm xác định đối tượng người nghe cụ thể, định hướng cho khán giả, mà còn thể hiện trách nhiệm của nghệ sĩ với công chúng. Và vì vậy, công chúng sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn với nghệ sĩ, thậm chí là yêu mến hơn. 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI