Trong dịch bệnh, doanh nhân vẫn không ngừng sáng tạo

13/10/2021 - 08:32

PNO - Dám nghĩ, dám dấn thân, một số doanh nhân đang giúp doanh nghiệp mình không những trụ vững mà còn phát triển nhanh, mạnh giữa lúc đại dịch hoành hành.

Tìm thấy cơ hội trong đại dịch 

Trong ba tháng qua, nhiều địa phương, đặc biệt là TPHCM và các tỉnh, thành Nam bộ chịu tác động nặng nề của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư. Thế nhưng, Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (TPHCM) vẫn tung ra thị trường hàng loạt dòng sản phẩm cà phê nông sản mới hướng đến bảo vệ sức khỏe người dùng. Chẳng hạn cà phê đậu xanh, cà phê hòa tan không đường, chỉ dùng sữa thực vật, cà phê nhàu, cà phê dừa, cà phê khoai môn, cà phê sầu riêng. Hạt cà phê được bổ sung lợi khuẩn và ủ lên men, sau đó chế biến thành thức uống. Những sản phẩm này được xuất khẩu, đồng thời cũng nhanh chóng phủ rộng các hệ thống phân phối hiện đại và các sàn thương mại điện tử trong nước.

Ông Nguyễn Ngọc Luận - Tổng Giám đốc công ty - kể để duy trì sản xuất trong khoảng thời gian giãn cách xã hội là thử thách lớn với các doanh nghiệp (DN), phải hoạt động “ba tại chỗ”; việc lưu thông, phân phối hàng hóa bị ách tắc; giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển tăng cao; sức mua giảm. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm thích hợp để công ty có thời gian tập trung vào nghiên cứu sản phẩm mới một cách chuyên sâu, bài bản.

Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (TP.HCM) vẫn đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm cà phê mới, tăng mạnh xuất khẩu trong thời gian dịch bệnh
Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (TPHCM) vẫn đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm cà phê mới, tăng mạnh xuất khẩu trong thời gian dịch bệnh

Đây cũng là cơ hội tốt để tận dụng mạng xã hội, kênh thương mại điện tử giới thiệu, mời dùng thử sản phẩm mới và thu thập dữ liệu đánh giá của khách hàng để điều chỉnh sản phẩm ngày càng tốt hơn. Trong dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng giảm, nhưng những sản phẩm tốt cho sức khỏe vẫn được người tiêu dùng quan tâm. 

Chính vì vậy, theo ông, dù dịch kéo dài nhưng các đơn hàng xuất khẩu không bị ảnh hưởng, công ty vẫn xuất hàng đều sang các thị trường lớn, như Úc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và trong thời gian tới là Pháp, Đức, Cộng hòa Séc. Riêng thị trường trong nước, lượng đặt hàng online tăng mạnh, doanh thu tăng hơn 20% nhờ nhóm sản phẩm mới. 

Ông Lê Thanh - nhà sáng lập và điều hành Công ty cổ phần Veritas Việt Nam, được nhiều người biết đến với sản phẩm giày làm từ bã cà phê - tiếp tục ra mắt những chiếc khẩu trang, ly chén làm từ bã cà phê trong thời gian dịch bùng phát. Từ loại phụ phẩm lâu nay gần như chỉ đổ bỏ, ông đã tạo ra những chiếc khẩu trang Air-X có thể giặt và thay màng lọc sau một tháng sử dụng. Sản phẩm này nhanh chóng có mặt ở hơn 50 quốc gia, trở thành mặt hàng được ưa chuộng tại châu Âu. Từ những thành công đó, doanh nhân trẻ Lê Thành đang nuôi tham vọng tạo ra hạt nhựa sinh học từ bã cà phê để có thêm nhiều sản phẩm tự hủy thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Triết lý “không an phận”

“Nếu vẫn chỉ sản xuất sản phẩm cũ, chúng tôi sẽ không khơi gợi được sự tò mò của người tiêu dùng và khó bán hàng trong mùa dịch. Ngược lại, khi tung ra sản phẩm mới với những lợi ích mới và đặc biệt là tốt cho sức khỏe, nhiều người tò mò dùng thử và quyết định mua sản phẩm khá nhanh. Dù giá nguyên vật liệu tăng từ 20 - 30% nhưng chúng tôi không tăng giá sản phẩm, chủ yếu để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, duy trì việc sản xuất, kinh doanh” - ông Nguyễn Ngọc Luận chia sẻ. 

Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Dony - cho biết ngay từ đầu năm 2020, khi dịch bùng phát, biết thị trường thế giới đang “khát” khẩu trang, DN của ông đã nhanh chóng chuyển hướng, sản xuất ra loại khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn dựa vào năng lực sản xuất gia công hàng thời trang vốn có của mình. Những chiếc khẩu trang vải ba lớp Dony Mask theo quy chuẩn của Bộ Y tế nhanh chóng được Tổ chức Intertek (tổ chức thử nghiệm và chứng nhận chất lượng toàn cầu) thẩm định. 

Rất nhiều sản phẩm mới được các doanh nghiệp cho ra thị trường đúng thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất
Rất nhiều sản phẩm mới được các doanh nghiệp cho ra thị trường đúng thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất

Nhờ ưu điểm có thể giặt 60 lần vẫn chống được giọt bắn, kháng tia UV, sản phẩm được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp chứng nhận và đạt tiêu chuẩn CE để lưu thông trên thị trường châu Âu, đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu từ các nước như Nhật Bản, Singapore, Trung Đông, Ả Rập Saudi, Nigeria… Nhờ vậy, trong lúc nhiều DN dệt may gặp khó khăn thì Dony lại phải huy động hết nhân lực để may khẩu trang xuất khẩu, có lúc phải huy động toàn bộ 3.000 công nhân cùng may, mới đáp ứng đủ đơn hàng.

Ông Nguyễn Ngọc Luận cho rằng, mùa dịch là thời điểm để DN đánh giá lại ngành hàng nào, sản phẩm nào, mô hình nào phù hợp và tập trung sản xuất, kinh doanh thay vì an phận ngồi chờ hết dịch hay đầu hàng khó khăn. Lãnh đạo một DN sẽ luôn biết rõ nội lực, thực trạng của DN mình và điều chỉnh theo khó khăn, hoàn cảnh, hoặc sẽ phải đóng cửa. Đồng thời, DN luôn chủ động phân phối sản phẩm đến nhiều kênh khác nhau, gồm xuất khẩu, bán trực tiếp, bán online chứ không phụ thuộc vào một kênh. Từ trải nghiệm của chính DN mình, ông cho rằng doanh nhân, đặc biệt những doanh nhân mới, phải luôn bình tĩnh trước mọi hoàn cảnh và quyết tâm theo đuổi mục đích đến cùng, không nản lòng, không từ bỏ trước khó khăn, thử thách và luôn tìm lời giải “vì sao thành công, vì sao thất bại” để rút kinh nghiệm và đi tiếp. 

Doanh nhân trẻ Lê Thanh cho rằng, việc chuyển hướng sản xuất không chỉ đảm bảo doanh thu mà còn là sự sống còn của DN. Xoay chuyển trong đại dịch là cơ hội để DN tìm được hướng kinh doanh mới và để những kế hoạch dài hơi sớm trở thành hiện thực. 

Chính phủ luôn đồng hành với doanh nhân, doanh nghiệp

Thông điệp này được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ tại buổi gặp mặt 72 đại biểu đại diện cho cộng đồng doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế ngày 12/10 ở Hà Nội nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. 

Theo Thủ tướng, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân và DN. Đây là nỗ lực lớn nhưng so với mong muốn và ảnh hưởng dịch bệnh thì chưa đạt yêu cầu. Thời gian tới, Chính phủ sẽ cố gắng nhiều hơn nữa trong việc đồng hành với cộng đồng doanh nhân, DN. 

Chính phủ vẫn đang áp dụng mọi biện pháp có thể để kiểm soát dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã được ban hành và được các bộ ngành đang cụ thể hóa nhằm thực hiện lộ trình từng bước mở cửa an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tổ chức sản xuất kinh doanh đồng thời đảm bảo an toàn. Chính phủ sẽ sớm hoàn thiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung hỗ trợ khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho cộng đồng DN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các doanh nhân tiêu biểu ảnh: Dương Văn Giang

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các doanh nhân tiêu biểu ảnh: Dương Văn Giang

Mong muốn lớn nhất của nhiều DN hiện nay là tiêm đủ vắc-xin cho người lao động. Chính phủ đang phấn đấu đạt mục tiêu bao phủ vắc-xin chậm nhất trong quý IV/2021 với các đối tượng ưu tiên, người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, các lực lượng tuyến đầu, người lao động trong các DN; nghiên cứu tiêm vắc-xin cho trẻ em để mở cửa trường học an toàn…

Chính phủ mong muốn người dân và DN chia sẻ với các địa phương trong việc triển khai các giải pháp, trước thực tế các địa phương “cùng muốn bảo vệ sức khỏe nhân dân nhưng cách làm thiếu thống nhất, gây ách tắc, gây bức xúc cho người dân”. Bởi quá trình mở cửa trở lại, phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phải bảo đảm lộ trình an toàn, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, có bước đi thận trọng, càng khó khăn, phức tạp càng phải tỉnh táo, cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng.

Chính phủ cam kết sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận vốn, đất đai, hạ tầng, nhân lực, tiết giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh. Tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, tăng cường nguồn lực và khả năng hoạt động, năng lực ứng phó của các cấp, nhất là hệ thống y tế. Nghiên cứu thử nghiệm một số chính sách về du lịch, thương mại và dịch vụ, từng bước mở cửa du lịch an toàn. Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các nước tiên tiến, áp dụng hộ chiếu vắc-xin để đón chuyên gia và du khách, bảo đảm an toàn. Tiếp tục rà soát, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách kích cầu tiêu dùng, đầu tư, hỗ trợ cả phía cầu và phía cung. Hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng, lãi suất, phối hợp đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả giữa các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để giữ vững, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, vừa hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, vừa phục vụ phòng, chống dịch; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số; đặc biệt là có nhiều giải pháp khôi phục thị trường lao động… 

N.Cẩm - H.Lài - Q.Thái 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI