Triết lý sống của Lý Tiểu Long bắt nguồn từ đâu?

14/04/2021 - 14:51

PNO - Một lần bị sư phụ phạt, Lý Tiểu Long vô tình phát hiện ra điều kỳ diệu của nước, hình thành nên suy nghĩ giúp cuộc đời ông thay đổi tích cực.

Lý Tiểu Long bắt đầu theo học võ thuật từ năm 13 tuổi, dưới sự hướng dẫn của sư phụ Diệp Vấn, một bậc thầy võ thuật. Ông không chỉ dạy học trò về Vịnh Xuân Quyền mà còn kết hợp cả triết lý sống thông qua những bài học của đạo giáo, nguyên lý âm dương...         

Một trong những bài học Diệp Vấn từng dạy Lý Tiểu Long là sự khác biệt giữa cây sồi và cây tre. Gió mạnh, sồi bật gốc chết đi, tre thì nương mình theo gió nên có thể sống được. Làm người, phải biết khéo léo nương theo hoàn cảnh để tìm cách giải quyết, tồn tại.

Lý Tiểu Long không chỉ được Diệp Vấn dạy võ mà còn nhiều bài học ý nghĩa trong cuộc sống
Lý Tiểu Long không chỉ được Diệp Vấn dạy võ mà còn nhiều bài học ý nghĩa trong cuộc sống

Diệp Vấn luôn dạy học trò về sự lịch thiệp, linh hoạt, mềm dẻo, chứ không chỉ nương vào sức mạnh để chiến thắng. Lý Tiểu Long cố học theo, nhưng không thể kiềm chế được sự nhiệt tình quá mức cũng như sự nóng nảy bên trong, được ví như một ngọn lửa cuồng nộ. 

Diệp Vấn dạy Lý Tiểu Long cách thư giãn, tĩnh tâm, bằng cách phản ứng với hành động của đối thủ bằng trực giác, sự mềm mỏng thay vì chỉ chú tâm vào chiến lược, đường đi nước bước của những cú đấm. Quan điểm của ông là không đối đầu vấn đề, mà phải giải quyết và kiểm soát chúng.

Lý Tiểu Long tiếp thu võ thuật nhanh, nhưng bài học tĩnh tâm này thực sự khó với ông, đôi lúc rơi vào bế tắc. Một lần nọ, Diệp Vấn yêu cầu học trò dừng ngay việc tập luyện khi không kiểm soát được bản thân: “Không cần tập luyện trong tuần này. Cậu hãy về nhà và suy nghĩ về những điều tôi nói”, Diệp Vấn nói.

Đối với Lý Tiểu Long, việc sư phụ buộc dừng tập luyện như một sự trừng phạt.

Ông lén tập luyện thêm, nhưng cũng suy nghĩ về những điều sư phụ nói. Nhưng điều này càng khiến Lý Tiểu Long cảm thấy bực bội, năng lượng tiêu cực dồn nén không thể trút bỏ được. Ông quyết định bỏ tập luyện, đi thuyền từ một bến cảng ở Hồng Kông để giết thời gian. 

Khi thuyền rời bến được một khoảng xa, Lý Tiểu Long dừng chèo, nằm yên và suy nghĩ: ông đã làm sai gì, tại sao vẫn không thể hiểu được ý của sư phụ... Bực tức, Lý Tiểu Long đấm xuống mặt nước mấy lần. 

Cũng từ đây, Lý Tiểu Long ngộ ra nhiều điều. Cố gắng đánh bại nước là không thể, dùng tay để giữ nước cũng không được. Nước là chất mềm nhất trên thế giới nhưng thực tế có thể xuyên qua những vật chất "khó chịu" nhất, có thể làm mòn đá. Vì thế, ông muốn được như nước.

"Hãy như nước, bạn của tôi" là câu nói kinh điển của huyền thoại võ thuật.

Nước mềm nhưng dai, chảy tự do nhưng có thể chấp nhận sự dẫn đường, sức mạnh của nó phân tán nhưng mạnh mẽ, và quan trọng nhất, nước cần thiết để duy trì sự sống. 

Triết lý này đã giúp ích cho Lý Tiểu Long rất nhiều trên con đường võ thuật, phim ảnh sau này. Đó cũng chính là sự linh hoạt, mềm dẻo mà sự tĩnh tâm mang lại, từng được Diệp Vấn đề cập.

Trung Sơn (theo Chinatimes)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI