Tri ân những nhân chứng lịch sử ngày 30/4

14/04/2015 - 22:07

PNO - PN - Câu chuyện chiến đấu của những nhân chứng lịch sử nằm trong hàng triệu tấm gương người có công đã cống hiến xương máu, công sức trong các cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc ta.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tri an nhung nhan chung lich su ngay 30/4

“Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là ngày hòa bình trở lại trên toàn cõi Việt Nam, non sông thu về một mối, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước…

Để có được độc lập tự do hôm nay, đã có biết bao người Việt Nam yêu nước đã hy sinh tính mạng, xương máu, sức lực, trí tuệ và tài sản quý giá cho đất nước. Tổ quốc và nhân dân ta đời đời ghi nhớ công lao của những người con ưu tú ấy…

Đây là dịp để Đảng, nhà nước và nhân dân ta tưởng nhớ, tri ân những người anh hùng đã hy sinh xương máu, tuổi xuân cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đồng thời cũng là dịp để chúng ta ôn lại trang sử hào hùng của những ngày tháng tư không thể nào quên”…

Đây là phát biểu xúc động của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền tại Hội nghị toàn quốc biểu dương người có công tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh - mùa xuân 1975 do Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân và UBND TP.HCM tổ chức ngày 14/4, tại TP.HCM.

Hơn 300 thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công tiêu biểu tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đại diện cho hàng triệu người có công cả nước về dự hội nghị. Họ đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước gặp nhau trong niềm xúc động, cùng tưởng nhớ về những đồng đội đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc…

Ông Vũ Đăng Toàn quê Hải Dương, chính trị viên đại đội chỉ huy xe tăng 390 thần tốc, dũng mạnh húc đổ cổng Dinh Độc Lập, cùng với đồng đội bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng, xúc động kể:

“Tôi là lớp người đầu tiên của binh chủng tăng thiết giáp đưa xe vào chiến trường Quảng Trị và tham gia trận đánh cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sáng ngày 30/4/1975 đại đội 4 chúng tôi nhận nhiệm vụ thần tốc về Sài Gòn. Khi gần đến cầu Sài Gòn chúng tôi phát hiện bên kia cầu địch dùng các loại hỏa lực chống lại quyết liệt, xe tăng M48, M41, M113 và một tốp máy bay phản lực chúng thả bom chặn tiến công như vũ bão của quân ta.

Trước tình thế đó, chúng tôi lệnh cho đại đội nhanh chóng dùng mọi hỏa lực tiêu diệt địch. Hành quân đến ngã tư hàng Xanh, xe 390 phát hiện mục tiêu bắn 1 quả pháo đạn xuyên 100mm, pháo tiêu diệt gọn 2 xe 113 và toàn bộ địch trên xe. Xe 390 tiến công gần đến cổng dinh và tôi ra lệnh tông vào, lập tức tăng ga xe lao thẳng vào húc tung cánh cổng chính. Đó là giây phút lịch sử không thể nào quên, quân địch hoàn toàn đầu hàng và cờ giải phóng bay phấp phới trên nóc Dinh Độc Lập”.

Tri an nhung nhan chung lich su ngay 30/4

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đến giờ ông Nguyễn Văn Tàu - Anh hùng lực lượng vũ trang - nguyên Chính ủy Lữ đoàn Biệt động 316, vẫn còn nhớ như in giây phút hào hùng năm ấy, ông là người trực tiếp chiếm giữ, bảo vệ cầu Rạch Chiếc để xe tăng của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Sau khi xe tăng của ta vượt cầu, ông Giàu tham gia đánh chiếm Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn.

Bằng giọng nói chậm rãi, nhẹ nhàng, chất chứa niềm tự hào sâu lắng, ông Tàu kể lại: “Tối 30/4, trong thành phố chỉ còn nghe tiếng súng bắn chỉ thiên chào mừng giải phóng. Súng đạn giặc vứt bừa bãi trên đường. Xe cộ giặc bỏ lại đầy đường, nhiều xe bị người ta đục thùng xăng lấy xăng. Kho quân nhu trên đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3/2) đầy ắp xe mới, vải dù, gạo, xăng dầu. Anh em lữ đoàn phân công nhau giữ trật tự. Trên đường phố, sinh viên, học sinh theo sự phân công của đoàn thể, đeo băng đỏ, giữ trật tự các ngã ba, ngã tư.

Điều kỳ diệu là TP vẫn còn nguyên vẹn, điện nước đầy đủ. Theo tôi, có được điều kỳ diệu ấy là do nhân dân. Lòng dân hướng về cách mạng, các đoàn thể được tổ chức chặt chẽ. Trước khi các cánh quân tiến vào thì quần chúng đã đứng lên diệt ác ôn, giải phóng phường, treo cờ cách mạng. Đó là sự chuẩn bị, gây dựng phong trào quần chúng từ mấy chục năm nay.

Và nay sau 40 năm xây dựng nhìn lại diện mạo TP đã đổi khác, đường phố rộng rãi khang trang, có cầu vượt ở các giao lộ, có hầm vượt sông, cao ốc và khu dân cư mọc lên san sát, đời sống người dân thay đổi… thì mới sự đổi thay kỳ diệu của TP như thế nào”.

Còn bà Đoàn Thị Thu, 76 tuổi nguyên trưởng Công an quận Tân Bình, Công an TP.HCM cũng chia sẻ về những tháng ngày tham gia kháng chiến đầy oanh liệt:

“Cuối năm 1965, tôi được giao nhiệm vụ vào nội thành hoạt động và xây dựng cơ sở ở Tân Thới Nhất (Hóc Môn). Năm 1969, tôi bị bắt và tra tấn, bị nhốt 3 năm qua nhiều nhà tù. Tuy nhiên, vì lòng tin quyết thắng, tôi một mực không khai báo. Không khai thác được gì, quân địch phải thả tự do cho tôi. Đến năm 1973, tôi tiếp tục móc nối tại cơ sở công tác. Sau đó, tôi được phân công tác tại Đội bảo vệ chính trị công an quận Tân Bình cho đến khi nghỉ hưu. Chính những tháng ngày tham gia đấu tranh với quân địch đã rèn luyện ý chí, kỷ luật để tôi có thêm niềm tự hào và tự nguyện cống hiến công sức nhỏ bé của mình xây dựng quê hương, đất nước”.

Câu chuyện chiến đấu của những nhân chứng lịch sử trên nằm trong hàng triệu tấm gương người có công đã cống hiến xương máu, công sức trong cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc ta. Trở về với đời thường, những người con ưu tú của dân tộc không ngừng phấn đấu, nỗ lực vượt qua bao khó khăn, đạt nhiều thành tích trong công tác, trong lao động sản xuất và hoạt động xã hội.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết: Hiện có trên 1,47 triệu người hoạt động cách mạng được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước; hầu hết người có công và thân nhân của họ đã được hưởng các chế độ ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi giáo dục, đào tạo và dạy nghề, tạo việc làm... tăng thu nhập ổn định cuộc sống...

Đến nay, hơn 6.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng tới cuối đời. 5 năm qua (2010-2014), cả nước đã đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” gần 1.500 tỷ đồng, xây mới trên 55.600 nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 39.000 căn nhà... Nhiều công trình ghi công liệt sĩ trở thành công trình lịch sử văn hóa, có giá trị mỹ thuật, giáo dục truyền thống như: Nghĩa trang Điện Biên Phủ, Trường Sơn, Đường 9, Đền liệt sĩ Bến Dược...

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Để có được độc lập hôm nay đã có biết bao người Việt Nam yêu nước đã hy sinh tính mạng, xương máu, sức lực, trí tuệ và tài sản quý giá cho đất nước. Tổ quốc và nhân dân đời đời ghi nhớ công lao của những người con ưu tú ấy. Phó thủ tướng cũng đề nghị các cấp, các ngành chăm sóc tốt hơn cho những người có công của cả nước đồng thời phải sống và làm việc xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh, cùng nhau xây dựng tổ quốc ngày càng phát triển, giàu đẹp.

QUỲNH MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI