Trái phiếu 5 không như... bom nổ chậm

19/04/2022 - 14:03

PNO - Tại toạ đàm “Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp” do Báo Người Lao Động tổ chức sáng ngày 19/4, các chuyên gia cho rằng, lượng trái phiếu được doanh nghiệp tự phát hành, không xin phép hiện rất lớn, tiềm ẩn rủi ro cực lớn cho các nhà tự do.

Bất an trái phiếu “5 không”

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á cho biết, phát hành trái phiếu doanh nghiệp (DN) riêng lẻ không cần xin phép, chỉ lập phương án, kêu gọi đầu tư là xong. Trong khi phát hành trái phiếu đại chúng là phải thông qua Ủy ban chứng khoán nhà nước, phải được phê duyệt phương án phát hành, khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, hầu hết DN bất động sản hiện nay đều chọn phát hành riêng lẻ, tự vay và tự trả, sau khi phát hành xong thì thông qua các kênh như ngân hàng, công ty chứng khoán tiếp tục phân phối trái phiếu thông qua kênh bán lẻ của họ, thậm chí nhân viên ngân hàng mời chào cả những nhà đầu tư đã gửi tiết kiệm.

“Lãi suất trái phiếu DN khoảng 12%/năm và tổng chi phí cho kênh phân phối, bảo lãnh phát hành là khoảng 15%/năm. Trong khi đó mức lãi suất tiết kiệm hiện nay chỉ khoảng 6%/năm, điều này khiến các nhà đầu tư bị hấp dẫn khi mua trái phiếu DN, mặc dù đang có kẽ hở về phát hành trái phiếu riêng lẻ” – ông Huỳnh Anh Tuấn nói.

Thạc sỹ Nguyễn Anh Vũ - Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cho rằng, gần đây báo chí hay dùng khái niệm "3 không" với DN phát hành trái phiếu là không tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán, không tài sản bảo đảm. Tôi lo ngại ngoài “3 không” thì còn có những cái “4 không”, thậm chí “5 không” khác như không có năng lực tài chính tốt, dòng tiền, phương án kinh doanh không khả thi, dòng vốn không đúng mục đích… Những điều này đôi khi còn đáng lo hơn việc không có tài sản bảo đảm.

Năm 2021, phát hành trái phiếu DN bằng cả giai đoạn 2011-2018, trong đó 95% là phát hành riêng lẻ, 5% phát hành ra công chúng. Tôi băn khoăn số lượng trái phiếu DN tăng đột biến, mà năng lực phân phối, bán trái phiếu của DN, ngân hàng vẫn rất tốt. Pháp luật hiện nay quy định điều kiện phát hành riêng lẻ luôn thấp hơn phát hành công chúng. Vấn đề ở chỗ là tại sao DN lại phát hành riêng lẻ nhiều như vậy? Trong khi nhà đầu tư cá nhân mua chỉ chiếm chưa đến 9% lượng trái phiếu phát hành, còn lại khoảng 60% người mua trái phiếu DN là ngân hàng?

Chia sẻ tại toạ đàm, các chuyên gia cho rằng thị trường trái phiếu DN còn nhiều kẽ hở
Chia sẻ tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng thị trường trái phiếu DN còn nhiều kẽ hở

Theo giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, lượng trái phiếu “3 không” trong tổng lượng phát hành trái phiếu DN tới hơn 30% là rất nghiêm trọng. Đây là phát hành của những DN chưa niêm yết. Ở nhiều quốc gia, việc không cần báo cáo tài chính, chứng minh tài sản là bình thường nhưng với thị trường non trẻ như Việt Nam thì điều này chưa phù hợp. Ngay cả việc xem xét số lượng phát hành trái phiếu của chúng ta cũng không đến nơi đến chốn.

Việc các ngân hàng đứng ra mua trái phiếu DN chiếm tỉ trọng lớn trong tổng khối lượng vốn tiêu thụ cũng là vấn đề nghiêm trọng. Đó có thể là tình trạng ngân hàng giúp DN phát hành trái phiếu để "đảo nợ", chuyển từ ngân hàng cho vay nợ có bảo đảm, quản lý giám sát, sử dụng chặt chẽ sang cho vay thông qua trái phiếu DN, tức gần như giao nguyên số tiền cho DN, họ sử dụng gì, đầu tư ra sao, ngân hàng cũng không quản lý được.

Bên cạnh đó còn có hiện tượng mua bán lòng vòng. Công ty con mới thành lập và lượng vốn rất bé vẫn tham gia phát hành trái phiếu. Chủ thể mua trái phiếu không chú ý đến khả năng tài chính, hấp thụ, rõ ràng đã làm lu mờ hình ảnh công ty phát hành.

Trong điều kiện quy định người mua trái phiếu DN chỉ là nhà đầu tư chuyên nghiệp thì có nhiều công ty môi giới, chứng khoán đã đứng ra chỉ dẫn cho nhà đầu tư không chuyên nghiệp bằng cách ký những hợp đồng uỷ quyền bán cho nhà đầu tư không chuyên nghiệp. “Ngoài ra, còn có tình trạng bán chui không qua thị trường mà chỉ qua tin nhắn Facebook, Zalo để gạ gẫm mua với lãi suất rất cao. Đặc biệt, việc giám sát quá trình sử dụng vốn gần như buông lỏng” – Giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh nói.

DN phát hành trái phiếu phải có xếp hạng tín nhiệm, tín dụng

Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, Chính phủ cần sớm giải quyết, xử lý những vụ việc đã xảy ra làm trong sạch thị trường trái phiếu. Đồng thời cần phải khuyến khích hình thành các hãng xếp hạng tín nhiệm, như ở Singapore, Hàn Quốc… Những quốc gia này có thị trường trái phiếu DN phát triển khá tốt nhưng họ không bắt buộc 100% mà khuyến khích xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành. Nhưng ở Việt Nam, nên khuyến khích hay bắt buộc, cần phải cân nhắc.

Chẳng hạn, thời gian đầu là bắt buộc và khi thị trường phát triển tốt lên thì giãn dần ra. Như ở Singapore, khuyến khích xếp hạng tín nhiệm và phát hành trái phiếu sẽ được hỗ trợ gấp đôi chi phí so với doanh nghiệp không có xếp hạng tín nhiệm. Cũng theo ông Cấn Văn Lực, Ủy ban chứng khoán nhà nước không thể giám sát, kiểm soát vốn sau phát hành, vì vậy cần cam kết của DN ở bản cáo bạch, trách nhiệm của lãnh đạo DN. Ngoài ra tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng cần nâng lên, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý; cần tăng chất lượng nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân.

Thị trường trái phiếu DN còn vàng thau lẫn lộn. (Ảnh minh hoạ)
Thị trường trái phiếu DN còn "vàng thau lẫn lộn", cần phải điều chỉnh các quy định để tạo minh bạch cho thị trường. (Ảnh minh hoạ)

TS Lê Đạt Chí, trường ĐH Kinh tế TPHCM kiến nghị, bản thân ông là nhà đầu tư cá nhân muốn tìm trang thông tin về các DN phát hành trái phiếu nhưng rất ít thông tin về DN. Do đó cần phải có kênh để cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư bởi họ là người giám sát tốt nhất quá trình sử dụng vốn của DN. Các quy định về xếp hạng tín nhiệm hiện chưa đủ mạnh, cần phải có luật, để nhà đầu tư có thể khiếu nại, khởi kiện đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong trường hợp họ làm không đúng chuẩn mực. Muốn phát triển thị trường nợ thì phải nâng lên thành luật.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI