TPHCM - Nơi cư trú bình an

08/01/2024 - 06:34

PNO - Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập. Người ta ngày càng có xu hướng di chuyển nhiều hơn khi chọn nơi làm việc, cư trú, sinh sống. Khái niệm quê hương bản quán dần thay đổi, nó không nhất thiết là nơi mình được sinh ra mà là nơi mình muốn gắn bó lâu dài, nơi mình có nhiều kỷ niệm, nơi mà mỗi người “thấy mình thuộc về”.

Sự lựa chọn nơi sống ngày càng thuận theo nhu cầu cá nhân. Người trẻ chọn sống ở nơi vừa có thu nhập cao, vừa thỏa mãn những nhu cầu đa dạng và sôi động. Người cao tuổi chọn nơi bình yên, giá cả hợp với thu nhập mà họ có. Nhưng dù ở độ tuổi nào, giàu nghèo ra sao, hầu như ai cũng chọn bến đỗ an toàn, thân thiện; không ai thích ở nơi bất an và cho cảm giác cô đơn, cô độc.

Những người nước ngoài chọn TPHCM làm nơi an hưởng tuổi già hay là nơi lập nghiệp là bởi thành phố này mang lại cho họ cảm hứng sống và làm việc. Có thể kể ra rất nhiều lý do khác nhau, như thành phố này có khí hậu ấm áp, dễ chịu, vật giá rất “mềm”, đồ ăn rất phong phú và ngon miệng. Nhưng trên hết, người dân nơi đây rất lành và thân thiện. Khi gặp người nước ngoài, người Việt Nam nào cũng sẵn sàng nở nụ cười, không biết tiếng cũng chào hỏi vui vẻ và luôn sẵn sàng giúp đỡ, có khi chả cần biết mình đang giúp ai. 

Một sinh viên người Canada từng nói “ở Việt Nam, bạn không bao giờ bị đói”. TPHCM không thiếu những tủ bánh mì 0 đồng, quán ăn 0 đồng, 2.000 đồng; hoặc khi không có chỗ bấu víu thì cứ vào đại bất cứ cái chùa nào, bất kỳ giờ nào, cũng có thức ăn, chỗ nghỉ. Trong 2 năm xảy ra dịch COVID-19, rất nhiều người nước ngoài bị kẹt lại ở Nha Trang, Đà Nẵng, Sài Gòn. Hết tiền, họ làm đủ nghề như bán bánh kem, xúc xích, làm vệ sinh nhà hàng, kể cả đứng ngoài đường đeo bảng “help me”. 

Người Việt Nam thường nói “đất lành chim đậu”, “thóc đâu, bồ câu đấy”. Sài Gòn quả thật là đất lành, do vậy mà suốt chiều dài lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển, có rất nhiều người chọn nơi này sinh sống, khiến cho thành phố này là nơi có mức độ đa dạng về dân cư nhất cả nước. Vài trăm năm trước, có người Hoa, Khơ Me, Pháp, Ấn, Nhật, Chăm… còn hiện nay thì có các cộng đồng dân cư mới với số lượng đông đảo. Có hơn 100.000 người Hàn Quốc sống ở TPHCM, tập trung ở khu Phú Mỹ Hưng (quận 7), An Phú, An Khánh (quận 2 cũ), quanh sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, Gò Vấp); người Nhật sống tập trung ở các đường Thái Văn Lung, Lê Thánh Tôn, Thi Sách, Ngô Văn Năm (quận 1); người châu Âu sống tập trung ở khu Phú Mỹ Hưng, Thảo Điền.

Lịch sử cho thấy, người Sài Gòn nói riêng và người Việt Nam chưa bao giờ tẩy chay người nước ngoài đến sinh sống, làm ăn, thăm viếng nếu họ đến với thiện chí. Nói đi cũng phải nói lại là, cũng có khách nước ngoài bị cướp điện thoại, bị đối xử bất lịch sự, bị làm phiền. Biết làm sao được. Ở đâu cũng có chuyện này chuyện kia, nhưng cứ tin rằng mọi chuyện rồi cũng sẽ dần tốt lên.

Người Sài Gòn hào sảng, tinh thần “tứ hải giai huynh đệ” thấm đẫm mọi thành phần xã hội, mọi ngóc ngách phố phường. Chính vì thế mà người các tỉnh, thành và người nước ngoài chọn nơi này làm quê hương và đi đâu cũng tự hào mà nói “thành phố của tôi”, bởi dù thành phố này đông cỡ nào thì ai cũng có một chỗ đứng của mình.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI