'Tôi không cần biết, anh cứ nhảy cao hơn cho tôi!'

21/10/2014 - 08:31

PNO - PNO - Việc Bộ GD-ĐT liên tục đưa ra những quyết định vội vã chẳng khác nào một huấn luyện viên bắt vận động viên nhảy xà phải nâng cao thành tích trong khi chưa từng tập luyện, thao dượt từ trước. Anh ta sẽ nhảy cho huấn luyện...

edf40wrjww2tblPage:Content

Năm học này, Bộ GD-ĐT có nhiều cải cách đáng hoan nghênh. Đáng hoan nghênh nhất là bỏ chấm điểm ở tiểu học trong quá trình giảng dạy, chỉ lấy điểm cuối kỳ (thông tư 30). Thay cho việc chấm điểm là ghi nhận xét (lời phê).

'Toi khong can biet, anh cu nhay cao hon cho toi!'

Nguồn ảnh minh họa: internet.

Tuy nhiên, thông tư 30 nếu áp dụng trong năm học này sẽ có nhiều bất cập vì những lý do sau: học sinh tiểu học đang học quá nhiều môn, chương trình quá nặng, giáo viên chưa được tập huấn về cách dạy theo lối đánh giá mới, chương trình thiết kế hiện nay không dành cho lối đánh giá này, hồ sơ sổ sách dành cho cách đánh giá này chưa chuẩn bị kịp…

Học sinh tiểu học hiện nay phải học 13 môn: toán, tập đọc, luyện từ và câu, chính tả, tập viết, tự nhiên - xã hội (lớp 4, 5 thì thay bằng lịch sử -địa lý), mỹ thuật, kỹ thuật, thể dục, âm nhạc, đạo đức, tin học, Anh văn.

Giáo viên chủ nhiệm (GVCN) phải dạy hết, trừ Anh văn, tin học. Nếu trường nào có giáo viên âm nhạc, mỹ thuật thì GVCN phải dạy 9 - 10 môn. Đó là lý do bao năm rồi yêu cầu giảm cân nặng cho cặp học sinh mà cặp các em vẫn nặng. Nay thay đổi cách đánh giá thì giáo viên thêm nặng đầu!

Vậy thử nhẩm tính, GVCN sẽ mất bao nhiêu thời gian cho việc ghi lời phê một lớp học? Hiện nay, ở TP.HCM, sĩ số bình quân là 35 - 40 em/lớp, một ngày các em học 5 tiết. Cô giáo phê một lời phê gồm hai dòng, hết ít nhất 1 phút, kiểm tra xem đúng sai hết khoảng 4 phút, thời gian cho mỗi em trên 1 môn là 5 phút. Thời gian tốn cho công đoạn này của một giáo viên là: 5 (phút) x 40 (HS) x 5 (môn) = 1.000 phút = 16 giờ/1 buổi dạy.

Trường nào có giáo viên chuyên trách thể dục, mỹ thuật, âm nhạc thì các giáo viên này cũng sẽ tốn thời gian theo số lớp họ đảm nhiệm.

Nếu trường linh động cho GVCN cứ ba bài phê một bài, thời gian cho việc này cũng vẫn là kinh khủng. Nếu làm không đủ, giáo viên sẽ bị trừ điểm thi đua, áp lực càng nặng và họ sẽ trút hết xuống học sinh, học sinh sẽ lãnh đủ. Tiêu chí thân thiện với học sinh sẽ bị tiêu diệt.

Khi giáo viên chịu nhiều áp lực từ việc mất thời gian quá nhiều cho đánh giá, từ việc phải vận động học sinh tham gia quá nhiều cuộc thi từ các cấp, các tổ chức khác nhau liên quan đến trường học, từ các phong trào dành riêng cho giáo viên thì cái đầu họ càng căng. Khi đầu giáo viên căng quá, nhiều điều đáng tiếc sẽ xảy ra ở môi trường học đường.

Mới có một công đoạn mà tốn thời gian như vậy, thời gian đâu để soạn giáo án cho 10 - 13 môn, thời gian đâu đi làm ngoài để có thêm thu nhập? Thử hỏi giáo viên còn đâu thời gian dành cho gia đình và nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động? Đầu óc không còn thoải mái làm sao có sáng tạo trong tiết dạy, làm sao tạo hứng thú cho học sinh?

'Toi khong can biet, anh cu nhay cao hon cho toi!'

Việc Bộ vội vã áp dụng thông tư mới có thể ví như một huấn luyện viên bắt vận động viên nhảy xà phải nâng thành tích lên mức cao hơn trong khi không có tập luyện, thao dượt từ trước. Nguồn ảnh: internet.

Thông tư 30 đáng lẽ phải được tập huấn cho cán bộ quản lý, cho giáo viên từ cuối năm học trước. Đằng này, ngày 28/8/2014 Bộ công bố, thì 15/10 áp dụng, tạo sự bị động mọi mặt cho cán bộ, giáo viên.

Về mặt chương trình, nội dung sách giáo khoa hiện nay là thiết kế dành cho cách đánh giá theo điểm số thường xuyên chứ không phải dành cho cách đánh giá của thông tư 30. Do đó, thông tư 30 ra đời thì tốt nhưng những cái theo nó không đồng bộ, giống như sửa nhà chỉ sửa vách, sửa cột mà không sửa móng khiến nó có thể đổ bất cứ lúc nào.

'Toi khong can biet, anh cu nhay cao hon cho toi!'

Theo thông tư 30, giáo viên nhận xét học sinh ở các nội dung: về môn học, các hoạt động giáo dục, về năng lực, phẩm chất.

Hồ sơ sổ sách cho đồng bộ với cách đánh giá của thông tư 30, cũng chưa đáp ứng kịp. Qua thông tư 30, thấy rõ Bộ GD-ĐT không có sự chuẩn bị từ trước. Ban hành thông tư, quyết định theo kiểu cảm hứng khiến các trường bị động trong dự toán dẫn đến bội chi cho việc mua hồ sơ sổ sách mới.

Các vị ở Bộ có biết là học bạ của những năm trước đó là dành cho việc đánh giá cả năm năm, nay thông tư 30 ra đời thì phải vứt bỏ gây lãng phí lớn? Đây là lỗi do thiếu tầm nhìn, thiếu thực tế, xa rời nỗi khổ nhân dân và thiếu trách nhiệm của các vị tiến sĩ hoạch định chính sách ở Bộ.
Nếu Bộ GD-ĐT không đổi mới thì Bộ không đáp ứng được sự vận động của xã hội, nhưng “đổi mới” kiểu này thì Bộ lại vô tình làm chết thêm nhiều thứ.

Điều không thể thực hiện được ở thông tư 30 đó là điều 15. Điều này quy định: “Hiệu trưởng chỉ đạo nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh như sau: a) Đối với học sinh lớp 1 (một), 2 (hai), 3 (ba), 4 (bốn), hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên cùng dạy trong lớp và giáo viên sẽ nhận lớp vào năm học tiếp theo:

- Cùng ra đề kiểm tra định kì cuối năm học và cùng tham gia coi, chấm bài kiểm tra;

- Bàn giao hồ sơ đánh giá học sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Quy định này; trao đổi các nhận xét về những nét nổi bật hoặc hạn chế cần khắc phục về mức độ nhận thức, mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng môn học, hoạt động giáo dục, mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh; ghi biên bản nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh”.

Thử hỏi, đến cuối học kỳ 2, hiệu trưởng chưa dự tính được ai sẽ dạy lớp nào ở năm sau thì làm sao điều người lớp trên xuống ra đề cùng lớp dưới được?

Rõ ràng, người soạn văn bản này quá duy ý chí, chủ quan, xa rời thực tế. Đổi mới là để tốt hơn, nhưng đổi mới kiểu này thì…

Đọc lại những nghị quyết, sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành ở giai đoạn dầu sôi lửa bỏng, ta thấy cái nào cũng dễ hiểu, rõ ràng, sát thực tế. Còn bây giờ, một số bộ - ngành ra thông tư đôi khi còn… vi phạm pháp luật, đi ngược với quy luật vận động. Thế thì nguy quá!

Tóm lại, qua theo dõi cách làm việc của Bộ GD-ĐT trong thời gian gần đây, người ta thấy rõ là các vị thiếu tầm nhìn, thiếu khảo sát thực tế, thiếu sự quan sát, suy tính kỹ càng. Dường như các vị vội vã ra thông tư, quyết định để đối phó với dư luận mà thiếu chính kiến, thiếu sự chủ động, từ đó gây lúng túng, lãng phí cho nhiều cấp liên quan.

Việc này có thể ví như một huấn luyện viên bắt vận động viên nhảy xà phải nâng thành tích lên mức cao hơn trong khi không có tập luyện, thao dượt từ trước và vận động viên cũng không có quyền bỏ cuộc.

Vận động viên kia cũng sẽ nhảy cho huấn luyện viên hài lòng, nhưng kết quả thế nào, mọi người đều biết rõ.

LA TỬ LAN (quận 6, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI