Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả "mục tiêu kép" trong năm 2021

04/01/2021 - 14:36

PNO - Sáng 4/1, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 và Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong 5 năm qua, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về kinh tế xã hội, nâng cao vị thế đất nước, nằm trong top 10 các quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.

Nhấn mạnh năm 2021 là một năm rất quan trọng khi phải đối đầu với nhiều khó khăn thách thức, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã xác định thông điệp của năm 2021 là tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số trong khu vực và thế giới.

Toàn cảnh cuộc họp báo Chính phủ.
Toàn cảnh cuộc họp báo Chính phủ

Cùng với việc thực hiện mục tiêu hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 124/2020/QH14, để tạo nền tảng cho tăng tốc phát triển ngay từ năm đầu của giai đoạn 2021-2025, hướng tới phát triển nhanh và bền vững theo đúng Nghị quyết của Đảng, Quốc hội; trên cơ sở nhận định, đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế và với quyết tâm cao, Chính phủ đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng GDP năm 2021 là khoảng 6,5% (cao hơn mức khoảng 6% Quốc hội giao). 

Chính phủ xác định 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó có việc phục vụ tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. 

"Vắc-xin của chúng ta chưa áp dụng được nên sẽ phải mua. Dù có vắc-xin vẫn phải thực hiện tốt việc phòng chống, quản lý nhập cảnh, truy vết, cách ly tốt, khuyến khích người dân tham gia phát hiện các trường hợp nhập cảnh, cư trú trái phép, trốn cách ly", người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh.

Chính phủ cũng tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội. Triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Thực hiện tốt các chính sách giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao… bảo đảm cơ hội bình đẳng cho mọi người, thúc đẩy xã hội hóa gắn với hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, người yếu thế trong xã hội.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp

Bên cạnh đó cũng chú trọng phát triển bền vững, xác định rõ và tập trung thực hiện đồng bộ hài hòa các mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường. Kiên quyết không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế. Khẩn trương triển khai kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh (500.000 ha). Chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tăng cường năng lực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn. Có giải pháp tổng thể phòng, chống thiên tai ở các vùng chịu nhiều rủi ro thiên tai…

Nâng cao năng lực cạnh tranh 

Đối với Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, Chính phủ đề ra thông điệp Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục bởi nếu đứng yên hoặc cải cách chậm hơn, chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau.

Trên cơ sở đó, Nghị quyết yêu cầu tiếp tục thực hiện các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 68 về Chương trình cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Nghị quyết còn đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung cho các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, gồm:

Đề ra phương hướng, yêu cầu tập trung chỉ đạo khắc phục ngay những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan;

Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; 

Tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn với mục tiêu rõ ràng, lộ trình cụ thể để tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu có tính chất nền tảng nhưng khó cải thiện trong thời gian ngắn;

Tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

An Vũ

 
TIN MỚI