Tiếng Trung, Nga là ngoại ngữ thứ nhất: "Dễ dẫn đến tình trạng "chạy trường" dạy tiếng Anh"

25/09/2016 - 11:58

PNO - "Việc xây dựng chính sách phát triển ngoại ngữ quốc gia phải được xem là một dự án nghiêm túc, cẩn trọng, có yêu cầu cao về tính khoa học và thực tiễn", bà Oanh nhấn mạnh.

Tối 22/9, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến chính thức về kế hoạch thí điểm chương trình giảng dạy tiếng Nga và tiếng Trung Quốc hệ 10 năm của ngoại ngữ thứ nhất.

Theo Bộ, ngoại ngữ thứ nhất là ngoại ngữ bắt buộc. Theo Quy định của Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006, học sinh được lựa chọn một trong bốn ngoại ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc làm ngoại ngữ thứ nhất.

Năm 2011, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2051/QĐ-BGDĐT ngày 18/5/2011 về việc tiếng Nhật được bổ sung dạy và học trong trường phổ thông như ngoại ngữ thứ nhất hoặc ngoại ngữ thứ hai tùy theo nhu cầu và lựa chọn của các địa phương và trường học.

Trước lời giải thích này từ phía Bộ GD-ĐT, trao đổi với báo Phụ nữ TP.HCM, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống Trường quốc tế Canada, đã có những bình luận về vấn đề này.

Tieng Trung, Nga la ngoai ngu thu nhat:
Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống Trường quốc tế Canada.

Dễ dẫn đến tình trạng "phân cấp" trường và "chạy trường" dạy tiếng Anh

Bà Kiều Oanh cho rằng: "Theo giải thích của Bộ, việc triển khai dạy tiếng Nga và tiếng Trung không phải chuyện mới mà chỉ là thực hiện cái cũ đã ban hành. Lại thấy không khỏi lăn tăn suy nghĩ tiếp...

Nếu nói là "được lựa chọn" thì có phải trường sẽ cung cấp đủ cả 5 chương trình ngoại ngữ cho học sinh được chọn lựa 1 trong 5? Trên thực tế, chắc sẽ rất khó có khả năng một trường mà cung cấp được đủ 5 loại ngoại ngữ cho học sinh chọn lựa. Giả sử có một chủ trương cố ý trong "quy hoạch" phân bổ chương trình ngoại ngữ cho các trường công lập để phụ huynh không có sự chọn lựa nào khác thì khi đó quyền lợi của học sinh sẽ được bảo đảm thế nào?

Ví dụ: Trên địa bàn một quận/huyện/xã chỉ cho phép có một vài trường dạy tiếng Anh, còn lại đa số bắt dạy tiếng Trung hay tiếng Nga, khi đó sẽ giải quyết ra sao nếu hầu hết phụ huynh trong khu vực đều có nhu cầu chọn ngoại ngữ thứ nhất là tiếng Anh? Và một khi nhu cầu cùng như nhau mà nơi được đáp ứng nơi không thì chắc sẽ lại dẫn đến tình trạng "phân cấp" trường và "chạy trường" vì PH sẽ đưa con đổ xô vào các trường dạy tiếng Anh".

Bà Oanh đặt câu hỏi: Để phụ huynh "tâm phục khẩu phục", liệu Bộ GD-ĐT có cho phép tất cả các trường để học sinh được chọn lựa đăng ký môn Ngoại ngữ thoải mái theo phương án "chọn 1 trong 5" như vậy không? Và có dám cam kết sẽ đáp ứng được tất cả yêu cầu theo chọn lựa của học sinh không?

Hoặc giả sử một học sinh đang học ở một trường dạy tiếng Anh, nay trường đột nhiên lại được "quy hoạch" chuyển sang dạy tiếng Trung thì sẽ giải quyết như thế nào để đảm bảo nguyện vọng cũng như quyền lợi của phụ huynh và học sinh? Nên nhớ rằng học sinh ở hệ thống công lập còn phải học theo tuyến, điểm trường chứ không được tự do chọn trường theo ý muốn.

Cần xác định rõ ràng MỘT ngoại ngữ thứ nhất

Trở lại tiền đề của câu chuyện này, đó là việc cần thiết phải xây dựng một chính sách phát triển ngoại ngữ quốc gia phù hợp cho đất nước: "Chính sách này phải xác định được rõ ràng một ngoại ngữ thứ nhất hoặc ngôn ngữ thứ hai của quốc gia (ví dụ: Xác định tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ và là ngôn ngữ chính thức. Tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất (nếu chưa dám công nhận là ngôn ngữ thứ hai). Các tiếng khác như Pháp, Trung, Nga, Nhật, Hàn, Đức... có thể là ngoại ngữ thứ hai cho học sinh tự chọn trong trường học)", bà Oanh khẳng định.

Để thực hiện việc này, Chủ tịch HĐQT hệ thống Trường Quốc tế Canada cho rằng cần dựa trên thực tế nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục của đất nước theo hướng hội nhập tiến bộ với thế giới, đồng thời phải tiến hành các cuộc khảo sát, nghiên cứu và điều tra xã hội rộng khắp trong dân nhằm có được các đánh giá khoa học, khách quan làm dữ liệu cơ sở.

"Việc xây dựng chính sách phát triển ngoại ngữ quốc gia phải được xem là một dự án nghiêm túc, cẩn trọng, có yêu cầu cao về tính khoa học và thực tiễn. Muốn thế, cần tập hợp được một đội ngũ các chuyên gia có đủ tầm về chuyên môn và cả sự tâm huyết với nền giáo dục cũng như tương lai phát triển của đất nước".

Tieng Trung, Nga la ngoai ngu thu nhat:
Ảnh minh họa.

Bà Oanh dẫn chứng, ở Phần Lan, để cân nhắc việc nên chọn tiếng Anh làm ngoại ngữ thứ nhất, thứ hai hay có thể trở thành ngôn ngữ chính thức thay thế cho tiếng Phần Lan và Thuỵ Điển, Chính phủ nước này đã tiến hành một cuộc khảo sát quốc gia sâu rộng trong mọi tầng lớp để nhằm làm rõ về việc sử dụng, vai trò và ý nghĩa của tiếng Anh trong đời sống xã hội cũng như thái độ của dân chúng đối với tiếng Anh.

"Niên độ khảo sát được bắt đầu từ năm 1920 của thế kỷ trước kéo dài cho đến thập niên đầu tiên của thế kỷ này. Cuộc khảo sát và các công tác thảo luận, đánh giá sau đó đã mở ra cho hàng trăm nhà ngôn ngữ học, các chuyên gia giáo dục, các giảng viên hàng đầu của các trường ĐH, viện nghiên cứu khoa học... trên khắp Phần Lan tham gia góp ý trên các dữ liệu thu thập được.

Xem vậy để thấy cách họ làm không chỉ khoa học mà còn rất công khai, minh bạch, dân chủ và thực sự tôn trọng ý kiến nhân dân đối với một vấn đề hệ trọng của đất nước.

"Cho nên, thật không hiểu nổi khi đã gần 10 năm trôi qua, dù đã thấy rõ những điều bất cập và cả sự thất bại trong việc thực hiện các mục tiêu của Đề án 2020, tuy nhiên, cho đến hiện tại... vẫn không hề có ý định thay đổi hoặc tạm dừng Đề án này lại để đỡ lãng phí tiền ngân sách. Trái lại, những người có trách nhiệm còn đang tiếp tục đẩy mạnh "giai đoạn 2" của Đề án này với lý do để thực hiện quy định đã ban hành trước đây.

Điều này chỉ tiếp tục mang lại thêm những hệ lụy rối rắm cho việc giảng dạy ngoại ngữ trong các trường phổ thông, bất chấp phản ứng bất bình của dư luận xã hội", bà Oanh nhìn nhận.

Bà Oanh nhấn mạnh cần thiết phải lấy ý kiến nhân dân về việc chọn lựa ngoại ngữ bắt buộc để dạy cho học sinh: "Tại sao lại không muốn thực hiện việc giảng dạy ngoại ngữ theo nguyện vọng của dân? Và trên hết, tại sao lại không xây dựng một chính sách phát triển ngoại ngữ quốc gia theo định hướng minh bạch, công khai và dân chủ? Tất cả những câu hỏi này cần được cơ quan có trách nhiệm trả lời thỏa đáng để giải toả mối lo âu đang lan rộng trong dân về sự ảnh hưởng của yếu tố chính trị đối với việc dạy và học ngoại ngữ ở hệ thống trường phổ thông hiện nay".

Lam Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI