Tiếng người lao xao bên lò bánh tráng

11/02/2021 - 07:22

PNO - Sau nhiều chục năm, thi thoảng, tôi nhớ quay quắt hơi ấm nóng từ cái lò bánh tráng của mợ, nhớ mùi bột thơm trắng tinh như sữa.

Tiếng gọi của bà Năm lanh lảnh ngoài cổng. Trong nhà, má tôi để sẵn gánh gạo ngâm từ trưa chỉ chực có tiếng bà là nhanh chân quảy sang nhà ông Văn xay bột. Trời lúc này còn tối đen. Tiếng gà, tiếng chó sủa inh ỏi đá động những đứa trẻ nôn nao tết như tôi không tài nào ngủ được, mong trời mau sáng để chạy tót sang nhà mợ Thương xem đổ bánh tráng. 

Ngày đó cách bây giờ cũng ngút ngàn xa…

Mùi khói là mùi ấm no

Những đứa trẻ ở làng quanh năm chơi với đất cát, bắt châu chấu, đi mò trai sông như chúng tôi chỉ đợi tết về để “khè” nhau xem nhà đứa nào ăn tết lớn. Cách đây tầm 20 năm, chuyện nhà ai giàu dễ biết vô cùng, đến cả đứa con nít như tôi cùng rõ mồn một. Từ tháng Chạp trở đi, hễ thấy nhà nào túm tụm làm dưa món, mứt gừng, mứt dừa, bánh thuẫn, làm thịt rộng mắm là biết năm đó họ làm ăn khá khẩm.

Ở xóm này, nhà tôi không phải khó khăn nhưng để bằng được nhà thằng Việt, con Ngân, con Nga là không thể. Vậy mà tôi luôn tự hào rằng mỗi dịp tết, nhà giàu nhất trong làng cũng phải “quỵ lụy” mợ Thương của tôi để được tráng bánh, bởi ở cái làng này chỉ có mợ tôi tráng được.

Đêm tháng Chạp, đất trời Phú Yên bắt đầu trở lạnh. Má tôi ngâm vài ký gạo từ trưa để sớm mai mang ra làng ngoài xay thành bột rồi ngược về nhà mợ Thương tráng bánh. Gạo sau vài lần vo nom trắng bóc, nằm ngoan trên tay má. Thỉnh thoảng có vài hạt thóc còn sót, má nhặt để ra ngoài.

Năm đó, tôi mới bảy tuổi, chẳng tài nào hiểu vì sao má phải ngâm gạo, xay bột rồi mới đổ bánh nên cứ hỏi ngược, hỏi xuôi. Mà má có nói nhiều lần tôi cũng không thu nạp vô đầu được, chỉ trông chờ “cuộc chiến” tại nhà mợ mình. Thời đó còn chưa nhiều người tráng bánh, bánh lại không có sẵn nên cứ độ tết về, bao nhiêu hộ trong xóm “tập kích” ở nhà mợ Thương đưa bột, mợ tráng rồi lấy tiền công.

Bà Năm, má tôi, bà Hai xóm ngoài là ba người đến đầu tiên nhưng chưa được tráng liền. Từ trong nhà, mợ làm ra vẻ phách lối, đi soi gương uốn gọn gàng hai lọn tóc hai bên, mặc áo dài tay rồi ngược trở ra nhận bột. Cho tới mãi sau này, khi lớn hơn, tôi hỏi mợ mới biết hành động đó của mợ chỉ để thỏa cảm giác mợ là số một. Đó là thứ xúc cảm tự hào vì đến mùa tết, ai cũng cần mợ… ra tay.

Mợ Thương tráng bánh khéo lắm, má tôi nói khéo hơn người làng ngoài. Bánh có độ dày vừa phải mà mười cái như một, tròn xoay. Ai mang bột tới cũng lưu lại nhà mợ lâu vì mợ vừa tráng bánh vừa hỏi han rất khéo. Má tôi đợt nào tới tráng cũng ngồi buôn chuyện tới lúc đám tôi được ba bảo sang gọi về.

Vậy mà có nhiều lúc má ở lại không phải để “tám” mà chỉ để giải khuây cho mấy cuộc cãi nhau inh ỏi vì giành chỗ. Bà Năm có lần chạy về kêu ông Năm qua làm chứng là bà đi tráng bánh từ sớm, chỉ là bà qua đặt xô bột rồi phải thăm ruộng, lúc trở về lại có người chen ngang.

Tiếng bà Năm choe chóe nhưng cũng không lại tiếng của mẹ con nhà kia. Mợ tôi ngồi đó cứ tủm tỉm cười, đổ từng ca bột lên miếng vải trắng tinh, bọc trên miệng nồi nước sôi ùng ục. Tay mợ đều thoăn thoắt, má ửng đỏ vì ngồi cạnh bếp lò nóng rực. Tôi chốc chốc lại lấy cây gạt đống tro thừa để trấu trong bếp cháy đều.

Ở cái xóm này không nhà nào có mùi đặc trưng như nhà mợ. Cái mùi khói ấm sực, mùi bột gạo thơm thơm, để lâu thì nghe hơi chua chua cứ quanh quẩn trong nhà. Trong xóm nhiều nhà có điều kiện, vài ba cái bánh tráng không đáng bao nhiêu tiền nhưng tết là phải có nướng cho vàng ruộm rồi dọn lên mâm cúng cho thêm đủ đầy. Hay cứ thủ sẵn trong bếp, bất kể khi nào đói chỉ cần ra sau vườn hái mớ rau sống, cắt miếng thịt rộng mắm là có ngay bữa ăn thịnh soạn.

Rồi cái lò bánh tráng cũng xa xăm

Ai tới nhà mợ Thương tráng bánh cũng phải tự mang bánh đi phơi, rồi canh theo nắng trời, nếu nắng to thì đến gỡ bánh sớm để có sàng cho người khác phơi. Còn hôm nào trời mù, muốn bánh khô phải đợi đến tầm chiều tối hay có khi thất thểu mang bánh vô nhà sấy bằng than để tránh bánh bị sượng. Ngày đó, nhiều gánh bột mang đến nhà mợ cũng phải đưa trở về vì trời mưa, mợ không có chỗ sấy bánh.

Có hôm khách năn nỉ, sợ để sang hôm sau bột chua, mợ đành bắc bếp than cho sấy nhưng bao nhiêu củi lửa cũng không ngon bằng nắng trời hong khô.

Tôi nhớ mãi hôm 26 tết, tôi chạy sang cho mợ hũ cải chua má tôi mới ngâm.

Bước vào trong nhà, ánh lửa của khoảng 20 lò than hồng nhấp nháy trong đêm thắp sáng cả một góc. Ngoài trời mưa rả rích còn trong nhà mợ là không khí tất bật, ấm áp và tiếng cười nói lao xao của những vị khách ngồi xem mợ tráng bánh. Tôi chẳng nghe rõ câu chuyện của mọi người, chỉ “bắt” được tiếng gọi với ra của cô nào đó khen má tôi có đứa con giỏi, đội mưa sang nhà mợ.

Hình ảnh bếp lò trong đêm tối ở nhà mợ cứ ám ảnh, khiến tôi trằn trọc cả đêm chỉ bởi không biết vị cái bánh tráng đó ngon hay dở hơn mẻ bánh của má. Tôi chờ đến sáng để phi thật nhanh sang nhà mợ. Mùi khói ám nồng nặc một số bánh còn bỏ lại, tôi thử miếng bánh rồi lè lưỡi phun ra. Mợ cười lớn bảo tôi khờ.

Rồi năm tháng trôi qua, mỗi mùa tết về mợ đều bận rộn như thế. Nhà tôi có năm tráng nhiều, năm tráng ít nhưng chưa năm nào để nhà thiếu bánh tráng ngày xuân. Tôi lên cấp II, má đỡ cực hơn ngày trước vì nhà mợ giờ có chỗ sấy bánh. Trời có mưa bánh cũng dẻo ngon, hơi phảng phất mùi khói chứ không đặc quánh như trước. Nhà mợ cũng vắng người chờ cửa từ tịch mịch tối nhưng ban ngày, tiếng cười nói vẫn cứ lao xao như cái chợ làng.

Vậy mà chỉ đến năm sau, xóm có một người ở nơi khác đến chào bán bánh tráng hình vuông do máy tráng. Vì máy làm nên bánh vuông vức, mỏng tang, đều tăm tắp chẳng như mợ làm bằng tay, lại rẻ. Người làng tôi đổ xô đến tiệm tạp hóa đầu xóm đặt hàng. Người 10, người 20 dây. Tiếng lao xao ở nhà mợ mọi khi nay tụ về đầu xóm.

Rồi chỉ còn má tôi, bà Năm với vài người nữa là sang nhà mợ. Câu chuyện vui vẻ mọi khi nay đổi thành vài ba chuyện tầm phào chê ỏng, chê eo bánh máy tráng mỏng dính, dễ rách.

Mợ vẫn điềm tĩnh, vẫn giữ cốt cách của người từng được coi trọng như thể không ai đủ sức thay thế. Đến lúc khách về hết, chỉ còn má con tôi, mợ mới tỏ vẻ thất vọng thấy rõ rồi nói về chuyện kỹ thuật, máy móc hiện đại. Mợ thức thời, là nông dân có trình độ chứ chẳng phủ nhận cái mới như người khác.

Đám trẻ con trong xóm ngày đó có mới, nới cũ. Tụi nó không còn xúm xít ở nhà mợ mà chạy tọt qua nhà khác chơi. Càng lớn, niềm vui của tụi nó chẳng còn là đứng chóc ngóc bên lò bánh tráng của mợ nữa mà chạy đằng đông, đằng tây coi các ông trong thôn mổ heo, mổ gà. Chẳng trách được tụi nó bởi vài khách ruột của mợ rồi cũng rời đi, chẳng lời báo trước.

Sau nhiều chục năm, thi thoảng, tôi nhớ quay quắt hơi ấm nóng từ cái lò bánh tráng của mợ, nhớ mùi bột thơm trắng tinh như sữa. Vậy mà ký ức đó chẳng tài nào in đậm bằng hình ảnh vài ba bà cô túm tụm ngồi bệt dưới đất, cười nói xôn xao, trên tay phe phẩy cái nón rách. Rồi đột ngột, họ “chuyển cảnh” từ nhà mợ sang tiệm tạp hóa đầu xóm bởi vì có bánh tráng bằng máy xuất hiện.

Cái cảm giác người ta đi mà không báo trước, cảm giác mình từng là duy nhất rồi bỗng chẳng là gì nữa khó ai có thể chấp nhận ngay được. Như mợ Thương, kìm nén lắm rồi cũng phải thở dài, con người không “địch” lại máy móc. 

Bài và ảnh: Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI