Chiếc cối xay bột dưới gốc cây ô môi năm ấy...

08/02/2021 - 07:02

PNO - Nếu đó là một bức tranh, sẽ có màu xanh xanh của cánh đồng, phơn phớt hồng của hoa ô môi và màu sữa gạo trắng như dòng sữa mẹ...

Những ngày cuối năm xưa, có đám trẻ con xúm xít theo bà, theo mẹ bê những thao gạo, nếp đi xay bột. 

Chiếc cối xay bột của nhà dì Bảy đặt bên hông nhà dì, gần lối đi, tiện cho hàng xóm đến xay nhờ. Tết năm nào nơi đó cũng là điểm hẹn của các nhà trong làng đến xay bột gạo, bột nếp về làm bánh. Cối xay thì nặng, lúc cho gạo/nếp và đổ nước lại càng nặng trịch, chủ yếu là người lớn dùng lực để quay tay. Nhưng bọn trẻ con chúng tôi rất thích quẩn quanh, vừa nhìn ngắm những dòng sữa trắng đục từ gạo nếp từ từ chảy xuống, vừa đóng góp chút "công cán" là giúp người lớn châm thêm phần nếp/gạo vào cối. 

Hình ảnh chiếc cối xay bột được lưu giữ tại làng cổ Phú Vinh (Khánh Hòa)
Hình ảnh chiếc cối xay bột (trái) được lưu giữ tại làng cổ Phú Vinh (Khánh Hòa). Ảnh: T.Q

Tôi còn có thêm một niềm háo hức nữa, là vì chiếc cối xay ấy nằm ngay dưới cây ô môi nhà dì Bảy. Hồi ấy, tôi chẳng quan tâm đến tên khoa học của loài cây thuộc họ Đậu này là Cassia Grandis L.F. Cứ mỗi lần được đi xay bột là mắt tôi chỉ chong chong nhắm vào những quả ô môi chín, cong vòng như lưỡi liềm, lúc lỉu trên cành. Hoặc thể nào trong nhà có sẵn ô môi chín, dì Bảy cũng sẽ mang cho vài khúc mà ăn.

Vỏ ô môi cứng lắm, người lớn vẫn thường dùng dao róc như róc mía, nếu xước vỏ bằng răng có thể... gãy răng như chơi. Còn với lũ trẻ con thì có hề gì, chúng sẵn sàng cắn, hết khúc này đến khúc khác, mê mẩn với lớp nhựa sánh mịn, ngọt ngọt đăng đắng. Chúng nhai cả những "vách" ngăn (mỗi ngăn chứa một hạt) của quả ô môi.

Tôi không nhớ mình đã ăn được bao nhiêu khúc ô môi, qua những mùa rong chơi trên cánh đồng. Chỉ biết là cái bụng trẻ con ăn một loài quả dại cứng và khó tiêu đến như vậy mà vẫn khỏe mạnh, không đứa nào có vấn đề gì về răng hay tiêu hóa. 

Hoa và quả ô môi. Ảnh: internet
Hoa và quả ô môi. Ảnh: Internet

Hạt ô môi cũng có thể tận dụng để... ăn tiếp, bằng cách ngâm nước cho mềm, lột bỏ phần bì rồi nấu chè, hoặc ăn sống. Ô môi không ai trồng, chúng mọc dại mà sum suê trên nhiều vùng quê của miền Tây Nam Bộ. Đến mùa hoa (tầm tháng Ba, tháng Tư), hoa nở hồng cả vòm trời.

Thi thoảng tôi thấy người ta có bán ô môi ngoài chợ quê, quả ô môi được bó tròn như bó củi, được bán với giá rất rẻ. Nhưng đó là chuyện của sau này, còn suốt những năm thơ bé, lũ trẻ làng cứ được ăn ô môi miễn phí. Giống như người lớn trong làng được sử dụng cối xay miễn phí. Bởi thế mà, chiếc cối xay và cây ô môi năm ấy trở thành một "biểu tượng của ký ức" - cho cả người lớn lẫn lũ trẻ quê xưa. 

Có lúc đi xay bột không đúng mùa ô môi chín, hai chị em tôi ngồi chơi trò đá cỏ gà ven ruộng, chờ gạo nếp được xay xong, rồi lũn cũn phụ bê thao bột về nhà. Mùi bột nếp thơm thơm suốt đường về. Chỗ bột ấy là dành để gói bánh ít. Ngoài bánh tét, nhà quê xưa thường gói đến cả trăm cái bánh ít vào dịp tết - vừa ăn vừa biếu.

Chiếc cối xay bột được lưu giữ tại Khu tái hiện Vùng giải phóng - Địa địa Bến Dược, Củ Chi
Chiếc cối xay bột được lưu giữ tại Khu tái hiện Vùng giải phóng - Địa đạo Bến Dược, Củ Chi. Ảnh: T.Q

Bột xay xong mang về đổ ngay vào cái bồng (dùng để lượt bột, còn được gọi là cái bồng bột) rồi để yên khoảng vài tiếng, cho nước rỉ ra hết, thành phẩm thu được là bột nếp tinh, dẻo. Nếu chưa gói bánh ngay, bẻ nhỏ ra phơi trên nia (*) thành bột khô, có thể để dành lâu.

Những pha làm bánh quê thường được xử lý "cồng kềnh" như vậy, nhưng bột nếp tự tay xay, lượt, làm bánh thì thơm ngon khỏi bàn. Nếu xay bột gạo thì dành làm những món như bánh xèo, bánh bò, bánh canh, bánh xếp...

Người quê hay tự làm các món bánh, ăn trong ngày tết hoặc có khi ngày thường thèm ăn lúc này xay bột làm lúc ấy. Không gian sống của tuổi thơ tôi ngoài mùi của cánh đồng còn có mùi của những món ăn tỏa ra từ những chái bếp sớm chiều lam khói. Có lúc đi học về ngang nhà người này nghe mùi bánh khoai nướng, đến nhà người kia lại thơm thơm mùi xôi vị, chuối hấp...

Khói bếp mang theo những hương vị dân dã mà thật khó quên.

Hương tết đọng lại trong những món quê bình dị
Hương tết đọng lại trong những món quê bình dị

Chiếc cối xay bột của nhà dì Bảy bây giờ không còn ven lối đi, người quê cũng không còn thói quen đong gạo đong nếp đi hàng cây số xay bột nữa. Giờ đã có đầy đủ tiện ích, bột gạo bột nếp bột mì, ra chợ là có hết. Người ta đã không còn nhiều thời gian cho việc châm từng nắm gạo/nếp vào cối, kiên nhẫn xay đều tay cho đến khi hết cả thao nguyên liệu đầy.

Bọn trẻ bây giờ có lẽ cũng không thích (hoặc không biết để thích) cảm giác được nhìn thấy những giọt sữa gạo đầu tiên bắt đầu rỉ ra từ cối xay, chảy xuống thành dòng như sữa...

Cây ô môi cũng không còn chỗ góc quê năm cũ. Đường làng được mở rộng, người ta phải đốn hạ cái cây. Bức tranh quê chỉ còn lại trong những gam màu của ký ức một đứa trẻ vẫn luôn thương nhớ mùa xưa. Trong bức tranh ấy, có màu xanh xanh của cánh đồng, phơn phớt hồng của hoa ô môi và màu sữa gạo trắng như dòng sữa mẹ.

Bên chiếc cối xay dưới gốc cây ô môi năm ấy, có những người bà, người mẹ quê giản dị, tảo tần và đám trẻ của đồng làng bình yên, rất đỗi hồn nhiên...

Lục Diệp

(*): Nia: có hình tròn, được đan bằng mây, tre

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI