Thầy Khê

28/06/2015 - 08:25

PNO - PN - Một ngày cuối tháng Năm, con gọi điện hỏi thăm mới biết thầy nằm viện. Như mọi lần, thầy không muốn ai vào thăm, cũng không muốn làm phiền con cháu, nên thông tin thầy nằm viện gần như không ai biết.

edf40wrjww2tblPage:Content

Con đến thăm thầy, không mang bất cứ thứ gì, ngoài tấm lòng con cháu. Thầy nằm đó, vẫn tỉnh táo, vui vẻ, hỏi về cuộc sống vợ chồng con. Thầy nói mình khỏe, chỉ là tim đập chậm, nên mổ để thay máy trợ tim. Thầy vẫn vậy, quan tâm đến con cháu, không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống thường ngày.

Năm năm trước, con có dịp được làm việc cùng thầy, được đi với thầy thu âm quyển Tự truyện Trần Văn Khê - Những câu chuyện từ trái tim. Lần đầu tiên được gặp giáo sư, một người nổi tiếng, con lo lắng, bồn chồn. Nhưng thầy không hề xa cách, lại rất mực gần gũi như một người ông.

Con còn nhớ, lần đó thầy cũng không khỏe lắm, phải mang theo thuốc để uống. Nhưng cứ vào phòng thu là giọng thầy lại rất khỏe, như không có bệnh tật nào có thể ảnh hưởng đến thầy.

Nhờ cơ duyên đó, con được học rất nhiều từ thầy. Chưa bao giờ thầy đến muộn dù đó là chương trình gì. Thầy có một tình yêu tuyệt đối với tiếng Việt, không hài lòng nếu ai trò chuyện hoặc gửi thư điện tử cho thầy mà dùng từ nước ngoài, trừ khi đó là từ mà tiếng Việt không thể thay thế. Hơn nửa đời người bôn ba nước ngoài nhưng tiếng Việt của thầy chưa bao giờ bị hao mòn, dù chỉ là một ít.

Một chiều tan tầm, thầy miêu tả cho con nghe về tô bún bò chị Na giúp việc nấu ngon như thế nào. Con vừa thèm, vừa vô cùng thán phục trước cách dùng từ của thầy. Chỉ để miêu tả về sự ngon của một tô bún, thầy đã dùng rất nhiều tính từ chứ không chỉ dừng lại ở mấy từ như “ngon”, “tuyệt vời”, “đặc sắc”…

Thay Khe

Nói về sự ăn, thầy là người thích ăn và sành ăn, nhưng căn bệnh tiểu đường không cho phép thầy ăn nhiều và ăn ngon. Mỗi khi mùa hồng về, con đều mua mang sang biếu thầy. Chị Na lo cho thầy nên hay rầy con vì hồng dễ làm tăng đường huyết. Có hôm, chị Na không cho thầy ăn hồng nữa, thầy giận, nói rằng nếu mai chết, hôm nay thầy cũng muốn được ăn ngon.

Tháng Bảy này, thầy tròn 95 tuổi, số tuổi đáng mơ ước của đời người. Hôm con vào thăm, dù đang thở oxy nhưng thầy vẫn còn minh mẫn để đọc cho con nghe bài thơ về sinh nhật tuổi 95. Trí nhớ thầy vẫn vậy, chưa bao giờ thầy quên điều gì. Thầy vừa xong một ca mổ, vẫn nhớ hỏi con lúc này còn viết văn, viết báo nữa không? Mắt thầy không thấy gì, nên con đọc cho thầy nghe, như mấy năm trước con đọc khoe với thầy truyện ngắn đầu tiên mình được đăng báo.

Con nhớ, một ngày rằm tháng Tám… Trước đó, con thấy thầy trong phòng, vẫn làm việc một mình. Lặng lẽ. Con đi vòng ngoài sân ngắm mấy cây kiểng nhà thầy. Nhà vắng lặng. Tiếng học sinh của trường mẫu giáo bên cạnh nô đùa càng khiến sân nhà thầy quạnh vắng.

Dù các con của thầy thường xuyên gọi điện hỏi thăm, nhưng con vẫn cảm thấy thầy cô độc. Như mọi vĩ nhân khác đều cô độc. Con hỏi xem tết Trung thu này, thầy có việc chi không? Thầy bảo rằng không. Năm ấy, con xin một buổi thưởng trăng nho nhỏ ở sân nhà thầy.

Hôm ấy thật vui. Con cùng bạn con, chị Hải Phượng, chị Na và thầy, ngồi ở sân ngắm trăng, uống trà, ăn bánh. Thầy nói lâu rồi mình không được ngắm trăng. Mùa trăng tròn năm ấy cũng hiếm hoi vì không mưa, không mây, trăng tròn vành vạnh. Lồng đèn thắp sáng khoảng sân rộng. Những câu chuyện nhỏ, những câu hát hay, tiếng cười rộn ràng của mùa trăng năm ấy chưa bao giờ tắt trong lòng con.

Mùa trăng năm nay chưa về. Con cầu mong thầy mạnh khỏe để mùa trăng năm nay con được đón trăng cùng thầy. Chị Na đã hứa rồi, thầy khỏe, về nhà sẽ lại nấu bún bò để ăn mừng. Chưa bao giờ, con mong tô bún bò ấy, nhiều như vậy… Nhưng niềm mơ ước đó mãi mãi không thành, thầy ơi!

KIM NGỌC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI