Thành phố đang ở đâu?

29/05/2017 - 14:34

PNO - Quá khứ là duy nhất nhưng tương lai thì vô số, càng hiểu về quá khứ và một phần di sản của thành phố này, tôi lại muốn khởi nguồn từ một Sài Gòn - TP.HCM văn minh (hơn là ý niệm về thành phố thông minh).

Một buổi sáng Chủ nhật, giữa cả trăm vị đại diện cho đội ngũ trí thức TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã nêu câu hỏi ấy, không phải hỏi bâng quơ mà là đặt tiền đề cho phương hướng đầu tư - phát triển mang tính căn bản và lâu dài. Bởi không thể nhắm mắt để đi đến điểm đích nếu không xác định rõ vị trí xuất phát. Do vậy, không đơn thuần là những câu trả lời, ngay sau đó - do chính ông nêu đích danh và phân tích tường tận - mà là những mệnh đề đã được ông khẳng định trong thể nghi vấn - một cách tường tận và đích danh: Thành phố này đang ở đâu?

Thanh pho dang o dau?
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ các đại biểu trí thức TP.

Một câu hỏi cho thì hiện tại (đang ở đâu) nhưng lại được dẫn dắt về những ý tưởng, chiến lược, những thì tương lai trong quá khứ. Đó là khát vọng và sự bền bỉ của “ông Năm Nghị - tức nguyên Phó bí thư Thành ủy Phạm Chánh Trực - với trung tâm công nghệ cao”; là những cuộc gặp gỡ, lắng nghe, trao đổi liên tục của “ông Ba Đua - tức nguyên Phó bí thư Thường trực Nguyễn Văn Đua - và đội ngũ trí thức”…; là sự mở đường cho những cơ hội và khai thông sức mạnh của kinh tế tư nhân trong suốt 12 năm trở lại đây, dẫn tới thành quả: kinh tế tư nhân trở thành nguồn vốn lớn nhất trong tổng đầu tư hàng năm của TP - một bằng chứng sống động từ thực tiễn đến nghị quyết (Trung ương V khóa XII đã ra quyết nghị về vai trò kinh tế tư nhân) của Đảng.  

Và từ hiện tại, trong mối liên hệ với quá khứ đã bắc cầu đi đến tương lai - các bài toán lớn của TP - trong đó phát huy nguồn lực con người, tài nguyên đất, nguồn lực của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, hoàn thiện cơ chế, thể chế để TP phát triển cùng cả nước; và đặc biệt là xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, nơi đáng sống, đáng đến. 

Thanh pho dang o dau?
Bí thư Thành ủy đặt câu hỏi: "Thành phố đang ở đâu?" tại buổi gặp gỡ.

Quá khứ là duy nhất nhưng tương lai thì vô số, càng hiểu về quá khứ và một phần di sản của thành phố này, tôi lại muốn khởi nguồn từ một Sài Gòn - TP.HCM văn minh (hơn là ý niệm về thành phố thông minh). Những biến chuyển xã hội dẫn tới thay đổi về góc nhìn, khiến đôi khi người ta rạch ròi giữa văn hóa (tinh thần) và lát cắt văn minh (vật chất); nhưng là gì thì bản thân một thành phố văn minh là bao hàm trong nó đặc trưng văn hóa; bao hàm cả mô hình, tuổi thọ và chất lượng sống của cư dân trong mô hình, không gian ấy - theo định nghĩa của nhà sử học Niall Ferguson. Cũng là Niall, ông viết “văn minh liên quan đến phòng thí nghiệm của các nhà khoa học cũng như với căn gác xép ọp ẹp của giới nghệ sĩ”. 

Sự thông minh, hơn thế là thông thái; và rồi đây khi sức mạnh của trí tuệ nhân tạo hợp cùng robot công nghệ cao - linh hồn của cái gọi là bước tiến thần kỳ “bốn chấm không” - sẽ hội nhập và thích ứng, dẫn tới đáp ứng các dịch vụ đời sống của cư dân TP. Nhưng, nếu chỉ là “tôi ước mơ một ngày mọi công dân của TP chúng ta sẽ giao tiếp bằng một cái thẻ” như lời vị giám đốc trẻ bộc bạch tại cuộc gặp, thì mục tiêu ứng dụng của những chỉ số IQ, lẫn EQ (thông minh cảm xúc) lẽ nào lại là chỉ để giản tiện mọi hành vi giao tiếp, còn mục đích cho cuộc sống hạnh phúc - đâu chỉ nương cậy vào máy móc, phụ thuộc vào dịch vụ! 

Thanh pho dang o dau?
TP.HCM có tỷ trọng đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước.

Tôi vẫn thường loanh quanh trong những con hẻm Sài Gòn - TP.HCM, nơi chứa đựng một phần di sản của cuộc chiến tranh giữ nước, nơi đang cưu mang những phận đời hậu chiến mà di chứng đâu dễ khép lại ngày một ngày hai. Có nơi, dưới nền nhà lót lớp gạch mới toanh, là căn hầm cũ giấu súng đạn ngày trước, như một di chỉ quý giá mà không một công cụ máy móc nào tích hợp được thời gian lẫn sự khốc liệt, mất mát đã đi qua, trước khi tập hợp dữ liệu, số hóa cho những tính năng dịch vụ thông minh! 

“Thành phố đang ở đâu?”, vì thế, trước khi là câu hỏi mở đường cho một cuộc đối thoại (với các bậc trí thức) lại là một lời độc thoại của chính Bí thư Thành ủy, mang theo những tự hào về sức trẻ, sức khỏe của một thành phố dẫn đầu cả nước về nhiều mặt, trong đó đặc biệt là tỷ trọng đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước. Nhưng cũng lắm mối ưu tư của ông khi nhìn thấy những cản ngại trong chính nội lực của thành phố: bất hợp lý trong cơ cấu sử dụng đất, ngành công nghiệp, dịch vụ chiếm 6,8% quỹ đất nhưng tạo ra 99,1% tỷ trọng giá trị gia tăng; trong khi lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp với 56,3% quỹ đất lại mang về vỏn vẹn 0,99% tỷ trọng giá trị gia tăng. Một thành phố công nghiệp dịch vụ nhưng các chỉ số về năng lực cạnh tranh lại “có vấn đề”, trong đó, chi phí không chính thức, tính năng động, thiết chế pháp lý, cạnh tranh bình đẳng lại ở mức dưới trung bình…

Từ độc thoại đến đối thoại, nhưng rõ ràng, không chỉ là đối thoại với các nhà khoa học mà với cả hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền và sự chuyển động xã hội để từ “thoại” đến “hành động”, kiến thiết, giữ gìn một thành phố đã và đang ngự trị trong chính lòng dân, vì nhân dân mà phát triển. 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI