Tạo cơ hội để chị em làm chủ cuộc sống

06/05/2022 - 10:30

PNO - Sau dịch, Hội Phụ nữ các quận, huyện lại tiếp tục tổ chức các lớp dạy nghề cho phụ nữ, nhằm giúp nhiều chị em có cơ hội nghề nghiệp hoặc chuyển đổi nghề, tự tin hơn trong cuộc sống.

Dạy nghề miễn phí

Lớp học nghề trang trí rau câu miễn phí do Hội LHPN Q.Gò Vấp tổ chức có gần 30 chị em tham gia. Sau giờ học lý thuyết, các chị bước vào giờ thực hành trang trí rau câu với trái cây tươi. Cô gái trẻ Nguyễn Đặng Bảo Trân luôn có tinh thần chủ động trong giờ học. Tuổi đôi mươi nhưng ở Trân luôn nung nấu lý tưởng nghề nghiệp cho mình. Năm 2021 vừa qua, Trân thi đậu vào ngành ngôn ngữ Anh của một trường cao đẳng. Nhưng chỉ sau vài tháng thì em bỏ học vì thấy ngành học không phù hợp. Vả lại, em cũng muốn đi làm để phụ giúp gia đình và để có tiền theo học nghề làm bánh - nghề em ưa thích. Em muốn trở thành một thợ làm bánh giỏi. Hiện nay Trân đang đi làm theo giờ tại các quán cà phê.

Biết Trân có ý định học nghề, Hội LHPN P.4 giới thiệu em tham gia lớp học nghề. Sau khóa học, người học sẽ được trang bị các kỹ năng làm rau câu 3D, 4D, làm bánh sinh nhật từ rau câu… Nắm bắt cơ hội, Trân sắp xếp lại thời gian đi làm để dành ra ba buổi tối mỗi tuần tham gia khóa học. Qua một tháng học tập, Trân được cả giáo viên và cán bộ Hội phụ trách lớp đánh giá tốt, sáng dạ và khéo tay, học tập nghiêm túc và cầu tiến.

Trân chia sẻ: “Bình thường, em hay lên internet tìm hiểu cách làm các loại bánh. Có tiền, em lại mua nguyên liệu về tập làm, vừa để thực hành và cũng để thỏa đam mê. Tham gia lớp học trang trí rau câu sẽ giúp em có thêm nền tảng và kỹ năng cho nghề nghiệp sau này”. 

Một buổi học thực hành lớp nghề trang trí rau câu
Một buổi học thực hành lớp nghề trang trí rau câu

Lớp dạy cắm, kết hoa tươi của Hội LHPN Q.Tân Phú cũng có khoảng 30 chị em tham gia. Chị Trần Thị Thu Hương cùng ba đứa con nhỏ từ Bình Định vào Sài Gòn từ hơn mười năm qua và kiếm sống bằng nghề bán hoa dạo. Cứ 7g sáng mỗi ngày, chị lại chở hoa ra chợ Sơn Kỳ bán lẻ. Mấy tháng gần đây, do tình hình kinh tế khó khăn, các bà nội trợ thắt chặt chi tiêu, nên việc mua bán của chị chỉ kha khá vào những ngày rằm. Nghe Hội Phụ nữ tổ chức lớp dạy nghề cắm hoa miễn phí, chị đăng ký học với dự tính, nếu được thì sẽ thuê mặt bằng để vừa bán hoa vừa cắm, kết hoa. 

Một học viên khác là chị Phạm Thị Thùy Uyên cho biết, trước đây chị nhận sửa quần áo, công việc cũng đủ để xoay xở tiền chợ. Nhưng bốn năm trở lại đây, mẹ chị bị tai biến nằm một chỗ, chị phải ở nhà chăm sóc mẹ và lo cơm nước, đưa đón các con. “Tôi tham gia lớp học với mong muốn có thêm một cái nghề, có thể nhận việc làm theo giờ tại cửa hàng hoặc có điều kiện thì nhận các đơn hàng về làm tại nhà” - chị nói.

Thỏa đam mê
Chị Lâm Thị Thu Hà, P.11, Q.Gò Vấp có bốn người con. Năm 1997, con trai út chào đời và mắc bệnh tim bẩm sinh, chị phải bỏ hết mọi việc để ở nhà chăm con cho đến năm cháu được 23 tuổi và mất. Từ đó đến nay, chị dành phần nhiều thời gian để tham gia hoạt động Hội Phụ nữ. Nhờ đó mà chị được học hai khóa nấu ăn và một khóa dạy pha chế đồ uống. 

Có tay nghề, chị Hà nhớ lại ý định mở một quán cà phê được chị ấp ủ từ nhiều năm trước và muốn hiện thực hóa nó. Tuy nhiên, chồng và ba cô con gái lại ngăn cản. Đầu năm 2022, cùng nhóm chị em đi cà phê, chị Hà tình cờ được giới thiệu một mặt bằng đang chờ cho thuê. Thấy vị trí thuận tiện, có sân rộng, chị nghĩ ngay đến việc phải mở quán. 

Biết gia đình sẽ phản đối nên chị quyết định làm trước rồi nói sau. Thế là một mình chị lẳng lặng ký hợp đồng thuê mặt bằng, tìm mua lại bàn ghế cũ, dụng cụ pha chế… Khi mọi chuyện đã đâu vào đó, chị mới về báo cáo với chồng con. 

Quán cà phê của chị Hà còn là điểm hẹn của Hội và phụ nữ trên địa bàn phường
Quán cà phê của chị Hà còn là điểm hẹn của Hội và phụ nữ trên địa bàn phường

Thấy chị quyết tâm, chồng và các con không phàn nàn nữa mà cùng nhau giúp chị chuẩn bị cho ngày khai trương. 

Từ ngày khai trương đến nay, quán Cafe Thu Hà của chị luôn đông khách bởi thực đơn khá phong phú mà giá bán cũng rẻ, chỉ từ 12.000 - 25.000 đồng. Để duy trì quán, chị Hà kết hợp bán thêm thức ăn sáng. 

“Quán mới nên mỗi lần khách ghé, tôi phải trò chuyện, hỏi han, quan sát những biểu hiện của khách, xem khách có trở lại không… để còn biết mà thay đổi cách pha chế cho phù hợp”.

Cho đến nay, hằng tháng chị Hà vẫn có tiền đi chợ và đủ tiền thuê mặt bằng mà không phải lấy tiền túi bù vào. Chồng và các con sau giờ đi làm, đi dạy học về, lại ghé quán phụ giúp. Chị cười: “Mong là thời gian tới, quán kinh doanh phát đạt hơn, chí ít cũng có chút tiền gọi là trả công cho các con chứ đâu thể bắt chúng làm “công không” mãi được”. 

Nhiều hoạt động hỗ trợ chị em tìm kiếm cơ hội việc làm, phát triển kinh tế

Các lớp dạy nghề miễn phí của Hội ưu tiên cho những chị em hộ nghèo, cận nghèo và phụ nữ gặp nhiều khó khăn. Mỗi khóa học thường kéo dài ba tháng. Sau khóa học, học viên được cấp giấy chứng chỉ nghề, giới thiệu việc làm…
Theo đánh giá của Chị Trần Thị Thu Phượng - Phó Chủ tịch Hội LHPN Q.Gò Vấp, sau các khóa đào tạo nghề, tỷ lệ học viên có cơ hội thay đổi ngành nghề hoặc việc  làm mới khoảng 60%.

Ngoài các lớp dạy nghề, Hội còn tổ chức các hoạt động hỗ trợ chị em tìm kiếm cơ hội việc làm, phát triển kinh tế. Cuối tháng Tư vừa qua, Hội LHPN Q.11 phối hợp với các đơn vị tổ chức “Sàn giao dịch việc làm” năm 2022. Hoạt động thu hút gần 30 doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng gần 2.300 lao động ở nhiều vị trí việc làm. Trong ngày diễn ra hoạt động, đã có hơn 600 lao động tìm được công việc. Tại Q.3, Quận Hội cũng vừa trao vốn tín dụng tiết kiệm cho 14 hội viên, mỗi chị được hỗ trợ vay 5 triệu đồng để mở rộng buôn bán, kinh doanh nhỏ…

Song An

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI