Mang yêu thương lên miền biên giới

02/05/2022 - 10:30

PNO - Ngày 25/4, 20 cán bộ Hội TP.Thủ Đức đã vượt chặng đường hơn 650km lên xã Ia Chía, H.Ia Grai, tỉnh Gia Lai để thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” với nhiều hoạt động giúp đỡ phụ nữ và học sinh nghèo.

Hết lo dòm trước ngó sau

Như phần lớn phụ nữ tuổi trung niên tại xã Ia Chía, chị Rơ Mah Dyip, người Jrai, ở làng Beng, không biết chữ và không hiểu được tiếng Việt. Để nói chuyện với chị, tôi phải nhờ Chủ tịch Hội Phụ nữ xã - chị Puih H’Bi - phiên dịch giúp. Rơ Mah Dyip lắc đầu khi nghe hỏi về nhà vệ sinh. “Tụi mình không làm nhà tiêu, nhà tắm đâu, đi đại ngoài rẫy thôi, tắm thì chờ tới tối” - chị Rơ Mah Dyip nói.

Chồng mất sớm, một mình Rơ Mah Dyip đi lượm điều, hái cà phê thuê để nuôi ba đứa con. Cuộc sống khó khăn, cộng với thói quen sinh hoạt lâu đời khiến việc xây dựng nhà vệ sinh trở thành “chuyện lạ” với chị và nhiều gia đình ở đây. Khi Hội LHPN TP.Thủ Đức liên hệ hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà vệ sinh, chị Rơ Mah Dyip bẽn lẽn hỏi cái này có cần không? Cán bộ xã gật đầu “cần chứ, vì sức khỏe cả nhà Dyip và môi trường sống nữa”. Vậy là chị cười, nói: “Mình cảm ơn lắm”. 

Nhà vệ sinh của gia đình chị Puih Phim do Hội LHPN TP.Thủ Đức tài trợ kinh phí đang được xây dựng
Nhà vệ sinh của gia đình chị Puih Phim do Hội LHPN TP.Thủ Đức tài trợ kinh phí đang được xây dựng

Trẻ hơn Rơ Mah Dyip, chị Puih Phim, 23 tuổi, bối rối chỉ những cụm cây um tùm quanh nhà là nơi đi vệ sinh, tắm rửa của hai chị em. Thừa nhận là “bất tiện” và “rất ngại”, nhưng vì không có tiền nên Puih Phim phải chấp nhận cảnh “dòm trước ngó sau”. Với công việc phát cỏ, cạo mủ cao su thuê, Puih Phim là lao động chính trong nhà, đang chăm lo cho em trai vì ba mẹ đều đã qua đời, chị gái lấy chồng xa. Chị chia sẻ: “Nhà rách quá, mình vừa vay 20 triệu đồng mua tôn về lợp lại. Hội cho tiền làm nhà vệ sinh, mình mừng lắm. Mình đang mong từng ngày được thấy công trình hoàn thành”. 

Mong cuộc sống khởi sắc hơn

Rời làng Beng, chúng tôi qua làng Nú 1 và làng Lang. Đây là những ngôi làng biên giới, nơi tập trung phần lớn đồng bào Jrai, bà con kiếm sống nhờ vào rẫy điều, cà phê hoặc làm thuê, rất ít người biết tiếng Việt. Chị Puih Jronh, ở làng Nú 1, đang phải gồng gánh nuôi ba người con sau khi ly hôn. Nhà thuộc diện hộ nghèo, không có đất canh tác, nên ai thuê làm gì chị cũng làm. Là một trong số chín hội viên phụ nữ xã Ia Chía được tặng heo giống (mỗi hộ hai con), chị Puih Jronh tình thiệt: “Bà con đều chăn thả gia súc ở ngoài rẫy nên việc nuôi heo trong chuồng khiến mình có chút bỡ ngỡ. Nhưng mình sẽ cố gắng học nuôi heo trong chuồng. Hy vọng hai chú heo này mau lớn rồi sinh sản một đàn heo, giúp mình có thêm điều kiện chăm lo cho các con tốt hơn”.

44 tuổi, chị Rơ Mah Blam có sáu đứa con, nhà thuộc diện hộ nghèo và chồng đã mất. Hai con lớn của chị đi cạo mủ cao su, bốn đứa nhỏ ở nhà với mẹ, không bé nào biết chữ. Tương tự nhiều phụ nữ của làng, Rơ Mah Blam cũng chỉ quanh quẩn lượm điều thuê theo mùa, thu nhập không được bao nhiêu mà đàn con thì đang tuổi ăn tuổi lớn. Được tặng hai con heo giống, chị Rơ Mah Blam phấn chấn: “Món quà này mình quý lắm. Cán bộ xã đã hướng dẫn làm chuồng rồi, mình sẽ hái rau và mua cám nấu cho chúng ăn”. 

Trên đường đến những ngôi làng rất nghèo của xã nghèo, chị Puih H’Bi không giấu tâm trạng vui mừng trước món quà nghĩa tình mà Hội LHPN TP.Thủ Đức dành tặng chị em hội viên Ia Chía. “Xã có mười ngôi làng với hơn 1.000 hội viên phụ nữ, đa số chị em đi làm thuê, nhà nào cũng nghèo. Từ ngày có chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Hội Phụ nữ các nơi đã tặng hội viên của xã bảy mái ấm tình thương, 25 con bò và 40 con dê giống. Đây là lần đầu tiên có đoàn tới xây nhà vệ sinh cho các hộ dân. Vừa đúng lúc Hội đang đẩy mạnh tuyên truyền chị em thay đổi thói quen sinh hoạt, ngừng nuôi heo thả rông, chúng tôi bèn kết hợp hướng dẫn các hộ cách sử dụng và giữ nhà vệ sinh sạch sẽ, làm chuồng heo cũng như nấu cám cho heo ăn. Hy vọng, những sẻ chia này sẽ giúp đời sống hội viên khởi sắc hơn”. 

“Qua chuyến đi, chúng tôi nhận thấy cuộc sống của hội viên phụ nữ ở xã biên giới Ia Chía, H.Ia Grai, tỉnh Gia Lai còn rất nhiều khó khăn về các vấn đề nước sạch, phương tiện đi lại, điều kiện trồng trọt, chăn nuôi. Hội LHPN TP.Thủ Đức sẽ tiếp tục vận động kinh phí để sớm trở lại nơi này. Trong chuyến đi sau, tôi rất mong nhận được sự đóng góp của hội viên và các nhà hảo tâm để hỗ trợ giếng khoan và kết nối giao thương các mặt hàng nông sản của người dân nghèo ở các vùng biên giới của tỉnh”. 

Bà Nguyễn Hạnh Thảo

-Chủ tịch Hội LHPN TP. Thủ Đức, TP.HCM 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI