Tác hại khi lạm dụng phương pháp làm sạch da bằng máy rửa mặt

19/02/2017 - 07:00

PNO - Máy rửa mặt được quảng cáo làm sạch tận sâu bên trong lớp da, làm đẹp, săn da… Tuy nhiên, thực chất rửa mặt bằng máy có hiệu quả hay không vẫn là câu hỏi của nhiều người.

Máy rửa mặt có nhiều thương hiệu khác nhau giá từ vài trăm nghìn đến 2-3 triệu đồng/máy. Cấu tạo chung của máy nhỏ gọn, gồm hai phần: phần đầu với phần chổi lông, gai mềm, hoặc miếng bông để rửa mặt; phần thân là tay cầm có các nút tắt mở và điều chỉnh các chế độ chuyển động nhanh/chậm của từng loại máy cho từng nhu cầu sử dụng.

Cơ chế hoạt động của máy dựa trên sự xoay chuyển của chổi hoặc bông để lấy đi bụi bẩn nằm sâu trong lỗ chân lông. Loại máy có đầu sử dụng bằng bông thường có sẵn sữa rửa mặt tẩm trong miếng bông. Mỗi miếng bông sử dụng một lần vì thế bạn sẽ mua kèm với bông rửa mặt. Giá từ 150-250.000đ/hộp/30 miếng.

Tac hai khi lam dung phuong phap lam sach da bang may rua mat
 

Loại máy sử dụng đầu chổi bằng lông hay gai tiết kiệm chi phí hơn vì phần đầu cọ sau hai-ba tháng mới phải thay một lần. Tuy nhiên, bạn phải vệ sinh trước mỗi lần dùng. Sau khi dùng phải rửa thật sạch đầu lông để lấy đi phần dư thừa của sữa, kem dính trên lông. Sau đó phơi khô để tránh ẩm mốc.

Nhiều bạn gái cho rằng, máy rửa mặt giúp da sạch và lỗ chân lông nhỏ hơn, da mịn hơn… Bên cạnh đó, cũng có không ít ý kiến phản ánh máy rửa mặt làm da kích ứng, một số người bị mụn, da đỏ ửng sau khi dùng.

Các nhân viên bán hàng cũng thừa nhận có những người gặp phải tình trạng da xấu hơn do dùng máy rửa mặt. Trong đó nguyên nhân dùng chổi lông (cọ) không đúng với da, lạm dụng máy rửa quá lâu, không vệ sinh đầu máy, không thay lông, cọ theo yêu cầu thời gian.

Tac hai khi lam dung phuong phap lam sach da bang may rua mat
 

Bác sĩ Lê Ngọc Diệp - Ðại học Y Dược TP.HCM cho biết, theo lý thuyết, máy rửa với tác động của cơ chế rung sẽ làm “rớt” những phần cặn bã do tuyến mồ hôi tiết ra, những bụi bẩm vi khuẩn bám vào da. Nhưng thực tế, máy cũng chỉ lấy đi những chất bám trên thượng bì của da như khi rửa mặt bằng tay.

Chu kỳ tạo ra lớp tế bào mới là một tuần đến 10 ngày. Vì thế, bạn nên tẩy tế bào chết một lần mỗi tuần, nếu làn da “cằn cỗi” tối đa là hai lần. 

Nếu như ngày nào cũng tẩy tế bào chết dù là chỉ ở mức độ nhẹ, da cũng dần mất đi lớp bảo vệ hay lớp dầu, khi đó da tự sản sinh ra lớp dầu mới, dầu nhiều da dễ sinh mụn. Nếu dùng máy rửa mặt, tốt nhất dùng 1-2 lần/tuần để da không bị nhờn hay tác động nhiều gây tổn thương da.

Anh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI