Sống xanh với gỗ

25/10/2018 - 16:00

PNO - Nếu sắt thép lên ngôi ở thế kỷ XIX và thế kỷ XX là thời của bê-tông cốt thép thì thế kỷ XXI là kỷ nguyên của gỗ. Đây được xem là vật liệu tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường, thích hợp xu hướng sống xanh.

Song xanh voi go
 

Giảm thải tác động đến môi trường

“Sử dụng gỗ không hề là nguyên nhân dẫn đến phá rừng, gây hại cho môi trường sống xung quanh mà ngược lại”, ông Paul Kremer, Giám đốc bán hàng Xlam, đơn vị thi công các tòa nhà gỗ nổi tiếng hiện nay trên thị trường quốc tế khẳng định. Theo đại diện Xlam, gỗ là vật liệu tái tạo, có thể được sản xuất bằng cách trồng rừng và khai thác hợp pháp nên xu hướng dùng gỗ trong xây dựng tòa nhà hay sản xuất các sản phẩm nội thất giúp giải quyết nhiều vấn đề từ bảo vệ rừng nguyên sinh đến các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản.

Các nhà khoa học đã chứng minh, trong khi mỗi tấn thép được sản xuất thải ra môi trường 1,5 tấn CO2, mỗi tấn xi măng thải ra 1,125 tấn CO2 thì mỗi tấn sinh khối gỗ hình thành lại giúp hấp thụ 1,42 tấn CO2. Chưa kể, các công trình hay sản phẩm bằng gỗ còn thể hiện tính ưu việt về mỹ thuật. Vì điều này mà nhu cầu sử dụng gỗ đang tăng trưởng lớn trên thế giới.  

“Chưa bao giờ, xu hướng xây dựng nhà gỗ lại phát triển như hiện nay”, Stan Chiao, Giám đốc sản phẩm, công ty Woodtek, Đài Loan đánh giá như vậy về thị trường ứng dụng gỗ trong xây dựng. Theo Stan Chiao, từ năm 1996, xu hướng sống xanh với gỗ trong xây dựng đã hình thành. Với ý thức bảo vệ môi trường ngày một nâng cao, người dùng thế giới và ở các quốc gia châu Á nói riêng ngày một lựa chọn nhiều hơn vật liệu thân thiện này.

Đơn cử, ở mảng sản xuất nội, ngoại thất, gỗ cũng là lựa chọn hàng đầu. Số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, thị trường gỗ và sản phẩm gỗ toàn cầu đang có trị giá hơn 120 tỷ USD/năm. Đáng lưu ý, con số này không ngừng tăng trưởng qua các năm. Bình quân, trên thế giới, mỗi người tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ khoảng 72 USD/người/năm.

 “Thị trường thế giới tiêu dùng gỗ tăng hàng năm, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó”, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM nhận định. Theo ông Hạnh, hiện bình quân Việt Nam sử dụng gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 30 USD/người/năm. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng đồ gỗ vẫn luôn tăng mạnh.

Doanh nghiệp đã có thể đón sóng?

Trong bối cảnh này, DN Việt Nam, quốc gia đứng đầu ASEAN, đứng thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới (sau Trung Quốc, Đức, Ý và Ba Lan) về kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tỏ ra khá nhạy bén khi đã có những chuẩn bị cho cả thị trường thế giới lẫn nội địa. Mục tiêu xuất khẩu của ngành trong năm 2018 là doanh thu lên đến 9 tỷ USD. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 8 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã xuất siêu 4,1 tỷ USD mặt hàng này, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Với những đơn hàng dày đặc phục vụ cho thị trường cuối năm, khả năng Việt Nam cán mốc 9 tỷ USD xuất khẩu là hoàn toàn khả thi.

Với thị trường trong nước, đón đầu xu hướng sống xanh với gỗ đang lan tỏa, các doanh nghiệp lớn cũng mạnh tay với nhiều chiến lược mới. Ông Vũ Tiến Thập, chủ sở hữu 3 thương hiệu nổi tiếng về phân phối sỉ nội thất là Manager, D’Furni và Home’Furni cho biết, chỉ có đầu tư thiết kế, sản xuất lẫn hệ thống phân phối chuẩn mực càng sớm càng tốt, DN mới có thể nắm được cơ hội lớn từ thị trường.

“Công tác xúc tiến thương mại cũng sẽ được chú trọng. Chúng tôi sẽ tham gia các hội chợ chuyên ngành để đẩy mạnh công tác tiếp cận người dùng trong nước”, ông Thập nói. Cụ thể D’Furni sẽ “trình diễn” tất cả các thiết kế nội thất gỗ mới nhất của mình như công nghệ may Streamy trên da, tạo bề mặt cực đẹp cho sản phẩm ghế sofa cao cấp tại Vifa Home 2018, diễn ra từ 16 - 19/11 tại Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ. Đây là hội chợ lớn nhất về thị trường nội thất tại Việt Nam, do Hội Thủ công mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM tổ chức định kỳ hàng năm.

Song xanh voi go
 

Không chỉ những DN đã quen với thị trường nội địa như D’Furni, Nhà Xinh…. rất nhiều DN lớn, chuyên xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu… trong ngành như Scansia Pacific, Đức Lợi, Royal Funiture, Square Home, Woac, Funiture Maker… cũng lần đầu tiên tham gia hội chợ này. Tất cả thương hiệu đều thực hiện chính sách giảm giá tối đa để người dùng có cơ hội trải nghiệm những sản phẩm gỗ chất lượng cao “made in Vietnam”.

T.C.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI