Sinh viên làm thêm làm sao tránh rủi ro?

27/09/2022 - 05:57

PNO - Công việc làm thêm giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm, vốn sống, và tăng thu nhập. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận các bạn trẻ có thể gặp rủi ro.

Bị quỵt tiền lương 

Bạn L.T.T.N., sinh viên (SV) năm thứ ba Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM, làm cộng tác viên viết bài cho các hội nhóm trên Facebook. Công việc an toàn, nhưng bạn đã bị quỵt tiền công một cách trắng trợn. N. kể: “Sau khi trao đổi qua điện thoại và Facebook, mình nhận lên kế hoạch và viết bài cho chị khách đó trong vòng 3 tháng, số lượng là 100 bài/dự án. Mình đinh ninh sẽ có lương sau khi hoàn thành dự án. Tuy nhiên, sau đó mình chỉ nhận được những tin nhắn: “Chị đang kẹt tiền”, “Chừng nào có tiền chị sẽ chuyển cho em”…”. N. đành ngậm ngùi để mất công lao gần 10 triệu đồng như một bài học cho sự sơ suất của mình.

Sinh viên cần tìm thông tin việc làm từ nơi uy tín (trong ảnh: Sinh viên tìm việc tại ngày hội việc làm Trường đại học Mở TP.HCM) - ẢNH: TRƯƠNG MẪN
Sinh viên cần tìm thông tin việc làm từ nơi uy tín (trong ảnh: Sinh viên tìm việc tại ngày hội việc làm Trường đại học Mở TPHCM) - Ảnh: Trương Mẫn

Bạn N.T.N.H., SV ngành báo chí cũng gặp phải trải nghiệm tương tự khi làm cho một công ty truyền thông. Sau khi gửi lý lịch cho công ty, bạn nhanh chóng nhận được điện thoại phỏng vấn từ giám đốc với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Bạn đồng ý và nhận công việc viết bài trên fanpage cho cuộc thi sắc đẹp mà công ty tổ chức.

“Mình thường xuyên bị giao việc vào lúc 11, 12 giờ đêm vì lý do sếp cần gấp. Vì đang cần tiền nên mình cũng không than phiền. Mình được trả lương hai lần/tháng. Nhưng ở đợt trả lương đầu tiên thì người phụ trách lại để quá hạn cả tuần mới chuyển khoản”, H. nhớ lại. Đến lần trả lương thứ hai, người đó lại cắt luôn liên lạc. H. đành chấp nhận mất số tiền đã làm lụng vất vả. 

Còn bạn L.T.M.T., SV ngành truyền thông đa phương tiện vẫn không khỏi bồi hồi khi nhớ lại quãng thời gian làm thêm tại một trạm dừng chân ở tỉnh Sóc Trăng. T. phụ trách kiểm kê hàng hóa, phục vụ khách du lịch tại địa điểm bán. Nhiều lúc kho nhập hàng về liên tục, nhân viên không kịp xoay xở dẫn đến sót đơn, thiếu hàng. T. đã từng phải đền cho chủ 1 triệu đồng vì thiếu nhiều thùng hàng mà đến tận cuối tháng mới biết. Số tiền đó gần bằng một phần tư lương tháng. 

Cần tránh xa cám dỗ "việc nhẹ lương cao" 

Bước vào năm học mới, nhiều SV bắt đầu tìm kiếm việc làm thêm. Nhu cầu tìm việc tập trung vào các loại hình: phục vụ nhà hàng, nhân viên bán thời gian tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, gia sư… Tuy nhiên, ông Lê Nguyễn Nam - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, SV TPHCM - cho rằng, SV thường có nhu cầu việc làm cao nhưng lại ít kinh nghiệm giao dịch, dễ trở thành “con mồi” béo bở cho các đối tượng lừa đảo. Do đó, SV phải cảnh giác với các kiểu bán hàng đa cấp bất chính, trang bị nhận thức cơ bản về những dấu hiệu lừa đảo như đặt cọc tiền, giấy tờ tùy thân hay các lời chào mời đầu tư, không làm gì mà vẫn nhận lợi nhuận cao bất thường… SV nên tìm cách trình báo đến cơ quan chức năng khi bị lừa đảo, quỵt tiền.

Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Tổ chức sự kiện Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM khuyên rằng, SV nên tìm hiểu kỹ các công việc trước khi ứng tuyển để đảm bảo phù hợp với năng lực, sức khỏe và cần đặt việc học lên hàng đầu. “Việc làm cần được giới thiệu, cung cấp thông tin từ nguồn khả tín, tránh lấy thông tin việc làm từ: mạng xã hội không xác thực rõ ràng, ở các vị trí công cộng như trạm xe buýt, bến xe, cột điện… Bên cạnh đó, các bạn cần lưu ý thời gian làm việc không kết thúc trễ vào buổi tối, việc đi lại không gây mất an toàn…”, thạc sĩ Trần Nam nhấn mạnh.

Để tìm được các công việc chất lượng, chính đáng, SV nên tìm đến các đơn vị hỗ trợ giới thiệu việc làm uy tín. Ví dụ như Trung tâm Hỗ trợ học sinh, SV TPHCM (33 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1), Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên (4A Phạm Ngọc Thạch, quận 1), bảng tin đoàn - hội tại trường hoặc các thông báo tuyển dụng trên các kênh thông tin chính thống của đơn vị tuyển dụng. 

Ông Lê Nguyễn Nam thông tin: “Các công việc bán thời gian sẽ có mức lương tương ứng với tính chất công việc. SV kiến tập, thực tập và làm thêm tại các công ty sự kiện, truyền thông, nhân viên phục vụ, lễ tân, thu ngân tại các quán ăn, nhà hàng sẽ có mức lương 25.000-30.000 đồng/giờ hoặc 200.000-300.000 đồng/ca làm 4-6 giờ. Nhiều gia đình tuyển dụng gia sư, phụ việc nhà theo giờ với mức lương từ 50.000 đồng/giờ, hoặc 1,5-3 triệu đồng/tháng, tùy thuộc nhu cầu của gia đình và thỏa thuận với SV”.

Hoàng Lan 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI