"Sài Gòn vọng": Sài Gòn “thiếu chi gái sắc trai tài”…

18/02/2023 - 08:08

PNO - Trong kho tàng thi ca, ca dao, tục ngữ xưa, đàn bà con gái đất Sài Gòn - Gia Định xưa đã được vinh dự đề cập đến với những nét đẹp về tính nết, phong cách thị thành riêng có của đầu thế kỷ XX.

Nói tới nam thanh nữ tú đất Sài Gòn là nói tới sự thanh lịch. Bởi vậy, mở đầu bài Vè Sài Gòn có câu: “Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè Bến Thành/ Gái lịch trai thanh/ Lầu cao đường rộng…” (Đặng Văn Chiểu, Vè Sài Gòn, Imprimerie J. Viết, Sài Gòn, 1915). Trong Cổ Gia Định phong cảnh vịnh (P.J.B. Trương Vĩnh Ký chép ra quốc ngữ và dẫn giải, bản in nhà hàng C. Guiliand et Martion, 1882) còn chỉ thêm, nơi phường Mỹ Hội, nơi làng Tân Khai là những cuộc đất trung tâm của Sài Gòn - Gia Định đông đúc, tấp nập với phố xá tòa ngang dãy dọc là hình ảnh quen thuộc: “Gái nha nhuốc tay vòng tay kiểng/ Trai xênh xang chơn hớn chơn hài” để chỉ trai thanh gái lịch đất Sài Gòn. Nữ thì tay đeo vòng vàng, trai thì đi giày đi dép.

Trong Kim Gia Định phong cảnh vịnh (P.J.B. Trương Vĩnh Ký chép ra quốc ngữ và dẫn giải, bản in nhà hàng C. Guiliand et Martion, 1882) cũng tả cảnh này là: “Thiếu chi gái sắc trai tài/ Áo quần rực rỡ hớn hài xuê xoang?”.

Sách Cổ Gia Định phong cảnh vịnh xuất bản năm 1882 - ẢNH: ĐÌNH BA
Sách Cổ Gia Định phong cảnh vịnh xuất bản năm 1882 - Ảnh: Đình Ba

Trong cái mẫu sống thủy chung, giữ danh tiết của phụ nữ nước Việt, người con gái đất Sài Gòn cũng vậy, như trường hợp của người trinh nữ dưới đây thà chết giữ tiết hạnh chứ không lùi bước trước “cường gian”: “Thần từ phong thủy nhiệm mầu/ Có phường Trinh Nữ đã lâu tồi tàng (tàn)/ Thị thơ nguyên bị cường gian/ Giữ mình trinh thục chết oan linh hồn/ Nhờ vua đại đức chí tôn/ Biển vàng sắt (sắc) tứ vỉnh (vĩnh) tồn thinh danh” trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca (Nguyễn Liên Phong, Nhà in Phat Toan, Sài Gòn, 1909)”. Về phường Trinh Nữ, chúng tôi tra trong Chuyên khảo về tỉnh Gia Định của Hội Nghiên cứu Đông Dương xuất bản năm 1902 nhưng chưa thấy địa danh này. 

Sài Gòn cũng là mảnh đất tình nghĩa giàu sự đùm bọc, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh, khó khăn, trong đó có sự dự phần đông đảo của nữ giới. Một trong những biểu hiện đó là hoạt động của các bà phước ở nhà thương được mấy câu thơ của Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca đề cập khi viết về đất Gia Định: “Thị Nghè có sở nhà thương/ Của các bà phước sữa (sửa) đương mối giềng/ Nuôi người bịnh hoạn nhãn tiền/ Mãng (mảng) lo cơm thuốc cho thuyên mới đành”.

Trước đó, Kim Gia Định phong cảnh vịnh cũng có đôi câu: “Có nhà nuôi kẻ tật nguyền/ Thuốc thang cho uống, cơm tiền cho ăn”; là lòng nhân hậu nơi nhà mồ côi với trẻ bơ vơ không nơi nương tựa được nuôi nấng: “Tục kêu Nhà trắng lâu dài/ Lớp lang nghiêm chĩnh (chỉnh) từ ngoài đến trong/ Giữ gìn tiết hạnh nữ công/ Lớn khôn thời gã (gả) lấy chồng làm ăn” được Nguyễn Liên Phong ghi nhận. Lại cũng đất Sài Gòn, so với đa phần những địa phương khác đầu thế kỷ XX, đã tiến bộ hơn nhiều trong sự giáo dục, nên mới có “trường con gái” cho nữ sinh theo học, “Trường con gái ở một bên/ Cách bày dạy dỗ vửng (vững) bền lắm thay”. Nhà trắng và trường con gái, trong Sài Gòn năm xưa cho rằng thuộc về nhà dòng Saint Paul.

Báo Nữ giới chung số 1, ra ngày 1/2/1918 ghi rõ  Chủ bút Sương Nguyệt Anh (ảnh tư liệu)
Báo Nữ giới chung số 1, ra ngày 1/2/1918 ghi rõ Chủ bút Sương Nguyệt Anh (ảnh tư liệu)

Bên cạnh sự đẹp đẽ của mảnh đất sớm tiếp nhận văn hóa Tây phương hiện đại, đâu đó còn có góc khuất của một chốn đô hội phồn thịnh, được Cổ Gia Định phong cảnh vịnh chép: “Xóm Hoa Nương đua nở, dầy dầy (dày dày) coi khách bẻ nhụy người”. Theo Vương Hồng Sển trong Sài Gòn năm xưa thì Hoa Nương ở trung tâm Chợ Lớn là xóm tụ tập đông gái làng chơi hoạt động về đêm nên còn gọi là xóm Lồng Đèn. 

Địa danh trên đất Sài Gòn - Gia Định xưa gắn rất nhiều với giới nữ, mà phổ biến là nhiều tên đất đai, chợ búa, sông rạch… bắt đầu bằng thành tố “Bà” hoặc “Thị”. Lý giải cho điều này, Tự vị tiếng nói miền Nam của nhà cổ ngoạn Vương Hồng Sển giải thích: “Các quan đời đàng cựu, khi vào trấn trong Nam ôm chữ “hách” theo lớn bằng cái bụng của các quan ấy.

Phàm trong này có tên sẵn, tỷ dụ rạch Bà Nghè, núi Bà Vãi, xứ Bà Chiểu, núi Bà Kéc, núi Bà Dinh, tỉnh Bà Rịa vân vân, tuy chẳng nói ra (vì vậy tôi vô phương trưng bằng cớ), các quan phân biệt ngầm và bắt gọi theo ý các quan: phàm những vị nữ thần có sắc vua phong hay có thể linh ứng vặn cổ họ được, thì cứ để y mà gọi: Bà Chiểu, Bà Dinh, Bà Rịa (…) kỳ dư những bà tuy có tên sẵn làm vậy mặc dầu, nhưng vẫn là vợ quan (Bà Nghè), hay một bà tu hành không làm hại ai, thì các bà ấy thảy đều bị hạ bệ xuống làm “thị”, Thị Nghè, Thị Vãi, núi nữ tăng, vân vân - vì ta đây là quan lớn, không chịu gọi ai bằng “bà” tất cả”. 

Chỉ nghe đôi câu dưới đây trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, đã thấy có đủ “bà”, đủ “thị”: “Chợ thời Gò Vắp (Vấp), An Nhơn/ Bà Chiễu (Chiểu), Bà Quẹo, Cây Lơn, Thị Nghè/ Hốc (Hóc) Môn, Bà Điễm (Điểm), Quán Tre/ Thủ Thiêm, Long Kiễn (Kiểng) lại kề Phú Xuân”. Sách Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ lý giải cho địa danh Thị Nghè là: ““Bà” được thay bằng “thị” trong một số địa danh đặc biệt như: Thị Nghè, Thị Vãi. Tôi nghĩ đã có sự thay thế này là để tránh lẫn lộn giữa bà tên Nghè với bà Nghè (vợ của một ông nghè) và bà tên Vãi với một bà vãi (ở chùa)”.

Thực ra thì địa danh Thị Nghè, được Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức giải thích cụ thể hơn: “Bà Nghè là con gái đầu của Khâm sai Chánh thống Vân Trường hầu, tên bà là Nguyễn Thị Khánh, có chồng là thư ký mỗ, người đương thời gọi là Bà Nghè mà không gọi tên thật. Nhân vì khi đầu bà khai chiếm đất ở, bắc cầu ngang qua sông để tiện đi lại, nên dân quen gọi là cầu Bà Nghè (cầu Thị Nghè), cũng gọi sông ấy là sông Bà Nghè”.

Tượng bà Trần Thị Thơ bên mộ chồng  ở nhà thờ Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp  - ẢNH: TRẦN CHÁNH NGHĨA
Tượng bà Trần Thị Thơ bên mộ chồng ở nhà thờ Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp - Ảnh: Trần Chánh Nghĩa

Về địa danh Bà Chiểu, Bà Quẹo, cũng sách Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ ghi: “Một số tên chợ và cầu có từ tố “bà” khởi đầu, như cầu Bà Thuông (tức cầu Xóm Chỉ đã có đề cập ở trên), chợ Bà Quẹo, chợ Bà Hom, chợ Bà Chiểu… Ý nghĩa dễ đến nhất với mọi người là cầu ấy hay chợ ấy gần nhà một bà có tên như thế hay do một bà có tên như thế tạo lập hoặc làm chủ”.

Đầu thế kỷ XX khi đất Sài Gòn - Gia Định đã mang dấu ấn của chốn thị thành, nơi đô hội có ảnh hưởng của Tây phương, giới nữ nhi không chỉ lẩn khuất nơi buồng khuê. Trong số họ, đã có những người tạo được tiếng tốt cho đời để người ta phải nhắc đến với lòng tin yêu, quý mến. Xem Điếu cổ hạ kim thi tập, nhiều gương nữ đất Sài Gòn - Gia Định có tiết hạnh, danh tiếng đầu thế kỷ XX được Nguyễn Liên Phong ghi lại. 

Họ là nữ sĩ Sương Nguyệt Anh tên thật Nguyễn Thị Khuê, con cụ Đồ Chiểu có tiếng là “tánh nết điềm tịnh hiền lành (…) học chữ nho nhiều, năng làm nôm thi chữ, hơi văn chương tao nhã, cả đờn bà trong Nam Kỳ duy cô ấy chữ nho nhiều hơn hết”. Năm 1918, bà chính là Chủ bút Nữ giới chung, có tòa soạn tại số 15 đường Taberd (nay là đường Nguyễn Du, quận 1, TPHCM), Sài Gòn. Nguyễn Liên Phong ngợi ca bà là “Gương tỏ đời nay trang tiết phụ/ Lâu dài tiếng tốt tạc non sông”; là bà Trần Thị Thơ - vợ đại phú hào Lê Phát An (con Huyện Sỹ Lê Phát Đạt, người đứng đầu trong 4 người giàu đất Sài Gòn được đề cập trong câu “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”) - “vợ chồng xướng tùy đẹp phận, tương kính như tân, nhà hào hộ lớn”, được khen là: “Rộng rãi danh đồn trong ấn cuộc/ Giàu sang tiếng ngợi cả Nam Kỳ”.

Sự rộng rãi của vợ chồng bà Thơ được đề cập ở đây, một trong những minh chứng có thể kể đến là nhà thờ Hạnh Thông Tây ở quận Gò Vấp (TPHCM) được vợ chồng bà bỏ tiền xây dựng mà ngày nay vẫn còn giữ được kiến trúc xưa - địa chỉ tín ngưỡng, văn hóa được dân trong vùng và khách thập phương lui tới nhiều. 

Trần Đình Ba

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI