Phủ xanh ngôi nhà bê tông

19/09/2022 - 18:30

PNO - Ngôi nhà nhỏ của tôi nằm trong ngõ Văn Chương (Q.Đống Đa, Hà Nội). Gọi là ngõ nhưng tấp nập người qua lại, gần trường cấp II, học sinh ríu rít, ô tô chạy ầm ầm, vì thế rất bụi bặm. Khi mới chuyển về đây sinh sống, tôi hơi ngại vì ngôi nhà toàn bê tông và kính, nóng nực, bức bối.

 

Gìan dây Leo xanh mát nhà tôi
Gìan dây leo xanh mát nhà tôi

Thế là tôi lên kế hoạch, tạo ra một không gian cây xanh trên sân thượng. Dù trên sân thượng là nơi phơi quần áo, để máy giặt, đồ sắt dư thừa sau khi sửa nhà… nhưng tôi vẫn có thể phủ xanh những chỗ trống còn lại. 

Công sức để đưa các thùng xốp đất lên tầng 4 quả là không nhỏ. Mỗi ngày, tôi phải tự khuân lên từng thùng. Khi có đất rồi, tôi xây thành khoang nhỏ để đổ đất vào. Nghe mọi người nói muốn cho cây tốt thì phải có than xỉ trộn lẫn. Thế là tôi sang nhà hàng xóm, xin họ xỉ than trộn vào đất trồng. Ban đầu, tôi gieo hạt trồng cà chua, dưa chuột, bầu vào một khoang. Khoang khác thì trồng rau thơm, rau mùi, rau húng. Một khoang khác nữa thì trồng hoa hồng, hoa giấy… 

Ông xã tôi (tác giả) bây giờ lại thích chăm sóc khu vườn
Ông xã tôi (tác giả) bây giờ lại thích chăm sóc khu vườn

 

Sau một thời gian cây lên xanh tốt, nhìn rất đẹp mắt, nhưng do tôi chưa biết cách chăm sóc nên bị lụi dần. Thế là tôi lên mạng tra cách chăm sóc và có một kế hoạch khác cho cây trồng. Tôi muốn tận dụng những thức ăn dư thừa của gia đình nên tự làm phân bón. Đổ chúng vào một cái thùng sơn, pha chút nước và chút ớt tươi, tự làm phân bón dùng dần, vừa tiện lợi, vừa thân thiện môi trường. 

Nhà tôi phía trước là kính nên mùa hè rất nóng, nhiệt độ có khi lên tới gần 400C ở mặt trước. Mặc dầu có rèm che (tôi đã đầu tư rèm ba lớp) mà vẫn không thể cản nổi sức nóng từ hướng đông buổi sáng. Ban đầu, tôi nghĩ “trồng rau muống cho leo xuống từ tầng 4 đến tầng 1, vừa được ăn rau, vừa làm mành che chắn”. Thế nhưng, chỉ được một thời gian ngắn, cây rau muống rũ rượi do ánh nắng chói chang và không tưới đủ nước. 

Tôi lại nhờ Google, trồng loại cây mới: cúc tần Ấn Độ - loài cây chịu được nắng mưa, dễ trồng và cho hàng rào rèm cửa đẹp đẽ. Những ngày hè, hàng cây ấy vẫn xanh tươi, trải dài từ tầng 4 xuống tầng 2 mướt mát. 

Tôi trồng cây theo cảm hứng và theo mùa. Có lúc thích ngắm nhìn màu đỏ nên trồng hoa hồng, cà chua, hoa giấy đỏ. Có lúc lại thích màu tím nên trồng khế, trồng chanh leo (hoa ra màu tím rất đẹp), có lúc thích mùi hương của những cây gia vị như húng quế, tía tô, kinh giới, mùi… có lúc lại thích chiếc lá xòe to của cây đu đủ, có lúc lại thích mùi của lá chanh, lá bưởi…

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

 

Cũng nhờ có vườn cây nho nhỏ, tôi và hàng xóm thân thiết hơn. Với hàng xóm bên trái nhà, tôi ngỏ lời mời dùng ngọn rau bí tôi trồng, cô vui vẻ nhận và nấu ăn khen ngon. Cây khế tôi trồng sai trĩu quả, cũng đem tặng cô vài cành. Tôi nhắc cô: “Khi nào cần lá chanh, lá bưởi cứ gọi cháu nhé”. 

Thấy vườn nhà tôi xanh mướt, đẹp mắt, bác hàng xóm bên phải hỏi tôi cách trồng cây, mua đất. Tôi bày cho bác và bác cũng tạo được một vườn nho nhỏ, trồng trong hộp xốp xinh xinh một số cây cảnh như vạn niên thanh, hoa mười giờ…

Cửa sổ của tôi luôn có bức rèm cúc tần Ấn thế này
Cửa sổ của tôi luôn có bức rèm thế này

Tôi còn trồng cây xanh ngay trong nhà. Chọn những nơi có chút ánh sáng hắt qua cửa sổ, giếng trời, tôi trồng cây theo phương pháp thủy canh, tạo màu xanh tươi mát trong nhà. Trồng cây thủy canh rất dễ nhưng phải thay nước thường xuyên. Tôi đã làm như vậy trong mấy năm qua, nên cả nhà lúc nào cũng thoáng mát và tươi mới. Chồng con tôi về nhà bớt mệt mỏi. Vui nhất là bây giờ ông xã và hai con trai tự phân công lên sân thượng tưới cây, còn tôi phụ trách cây trong nhà. 

Khánh Phương

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI