Phim Việt nỗ lực để thuần Việt

07/05/2021 - 15:17

PNO - Nỗ lực đưa chất Việt vào phim không chỉ là cách đến gần người xem trong nước, mà còn là cách để các nhà làm phim đưa phim mình đi xa hơn, ra thị trường quốc tế.

Phim Việt phải thuần Việt là điều tưởng hiển nhiên nhưng không phải phim nào cũng làm được. Phim ảnh mờ nhạt dấu ấn văn hóa Việt, là hạn chế thường được nhắc đến tại các hội thảo về điện ảnh trong nước. Đáng mừng là gần đây, nhiều nhà làm phim đã nỗ lực khắc phục hạn chế này.

Hồn Việt tìm đâu

Nói về sự nhạt nhòa chất Việt trong phim, có thể lấy ví dụ gần nhất ở Thiên thần hộ mệnh. Trong phim, cách bài trí đám tang, cách mặc áo tang màu đen và đội mũ rộng vành của thân nhân người quá cố rất lạ lẫm ở Việt Nam. Hình ảnh bi thảm của hai nhân vật phản diện, một được phát hiện chết trong bồn tắm đặt giữa sân sau chung cư, và một ngồi gục chết trong chiếc xe tải nhỏ, cũng lạ lẫm so với thực tế. Ở Việt Nam chẳng thể có chuyện dàn hung thủ bước đi hiên ngang trên thềm cầu thang đúng lúc công an ập đến bắt như cảnh cuối của phim. Ngoài đời cũng không có việc công an, nhất là an ninh mạng, vô dụng đến nỗi nghe người bị tình nghi khai không nhớ gì cả, thì bế tắc luôn trong việc truy lùng kẻ tung clip sex, khiến một ngôi sao giải trí phải tự sát. 

Phim Lật mặt: 48h gây ấn tượng mạnh bởi sự lồng ghép khéo léo văn hóa miền Tây vào bối cảnh, nhân vật
Phim Lật mặt: 48h gây ấn tượng mạnh bởi sự lồng ghép khéo léo văn hóa miền Tây vào bối cảnh, nhân vật

Tình trạng phim kể câu chuyện xảy ra ở Việt Nam, nhưng những gì diễn ra trên màn ảnh lại xa lạ ngay với người Việt không phải là điều hiếm thấy. Trong Sám hối, nhân vật chính ra đường làm “bao cát sống” để mưu sinh, chấp nhận tham gia cuộc đấu võ đài đổi chác bằng tính mạng, nhân vật phản diện hành xử kiểu một tay che cả bầu trời...  Phim Người cần quên phải nhớ có những màn chọc cười mang hơi hướm Hollywood với cảnh nam chính trùm tất lưới đen lên đầu và xách gậy đánh bóng chày hù dọa nữ chính; các bệnh nhân trong nhà thương điên hóa trang thành biệt đội Avengers… Phim Hồn papa da con gái xuất hiện hình ảnh một nữ sinh hút thuốc lá điện tử, uống rượu tại trường rồi nôn mửa lên người thầy giáo. 

Mỗi năm phim Việt ra rạp trên 40 phim nhưng không dễ tìm ra một tác phẩm khiến người xem phải xuýt xoa “đúng là Việt Nam”. Có chăng chất Việt chỉ mới thấy rõ nhất ở khâu bối cảnh, khi mà đoàn phim nào hiện nay cũng cố gắng lùng sục các cảnh đẹp khắp miền đất nước để đưa vào phim. Tuy nhiên, dấu ấn văn hóa trong một tác phẩm điện ảnh đâu chỉ dừng ở phạm trù bối cảnh, theo đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, “ngoài bối cảnh còn là tính cách con người, văn hóa ẩm thực, âm nhạc…”.

Nếu nhìn ở khía cạnh mở rộng như trên, ý thức đưa văn hóa Việt vào phim không phải là điều mà đoàn phim nào cũng làm được, trừ khi đó là các dự án lấy lịch sử, tác phẩm văn học làm chất liệu; những bộ phim chủ động khai thác đề tài văn hóa truyền thống như Cô ba Sài Gòn, Song lang. Riêng ở dòng phim remake, việc lồng ghép yếu tố Việt có phần hiển nhiên hơn, bởi nhà làm phim nào cũng muốn biến tấu câu chuyện phim sao cho gần gũi với khán giả trong nước. Tuy nhiên, chỉ những phim biết lồng ghép văn hóa Việt một cách khéo léo, mượt mà như Em là bà nội của anh, Tháng năm rực rỡ, Anh trai yêu quái, Tiệc trăng máu mới dễ dàng thành công ở phòng vé. 

Những tín hiệu đáng mừng 

Gần đây, một số phim đã có những nỗ lực tôn vinh văn hóa Việt cho dù thể loại không thuộc dòng lịch sử, cổ trang hay khai thác đề tài truyền thống dân tộc. Võ sinh đại chiến khơi dậy niềm tự hào về võ cổ truyền Việt Nam, mặc dù chuyện phim kể về những cô cậu sinh viên thành phố.

Bố già được yêu thích một phàn vì bối cảnh, nhân vật và câu chuyện gần gũi với khán giả Việt Nam
Bố già được yêu thích một phàn vì bối cảnh, nhân vật và câu chuyện gần gũi với khán giả Việt Nam

Gái già lắm chiêu V, văn hóa Việt hiện diện lộng lẫy không chỉ ở bối cảnh, trang phục mà còn được cài cắm thông qua việc lồng ghép truyền thuyết Trọng Thủy - Mỵ Châu vào mối quan hệ giữa Lý Lệ Hà và Lý Linh, trường đoạn đánh ghen giữa nhân vật Lý Lệ Hà và Thục Lan gợi nhớ câu chuyện bức thư Nam Phương hoàng hậu gửi cho vũ nữ Lý Lệ Hà. Phim Bố già ăn khách một phần vì mọi thứ trong phim đều gần gũi, thân thuộc với người Việt. Từ bối cảnh con hẻm nghèo ở Sài Gòn cho đến cách xây dựng những nhân vật, những tình tiết đều khiến người xem như nhìn thấy mình trong đó.

Tương tự Lật mặt: 48h không chỉ được yêu thích nhờ làm tốt mảng hành động, mà còn vì phim tôn vinh văn hóa miền Tây qua bối cảnh, nhân vật một cách duyên dáng, không mắc lỗi hô hào hay nặng tính quảng bá du lịch. Kể cả bộ phim Trạng Tí phiêu lưu ký, khi bản thân thể loại, cốt truyện đã mang màu sắc Việt rồi, thì ê-kíp cũng vẫn nỗ lực làm dày thêm chất Việt. Có thể thấy điều này qua hình ảnh thần Thiện, thần Ác, thần Hổ gợi nhớ đến các họa tiết, kiến trúc trong mỹ thuật dân gian Việt, phần âm nhạc sử dụng chất liệu dân gian làm yếu tố chủ đạo. 

Sắp tới, khán giả cũng được thưởng thức một số phim có yếu tố văn hóa Việt đậm nét như Đêm tối rực rỡ, Bóng đè, Quỳnh hoa nhất dạ, Em và Trịnh… Đề cập việc tạo ra bản sắc Việt trong phim, đạo diễn Charlie Nguyễn nêu quan điểm: “Đừng mượn câu chuyện người khác để xào nấu, mà phải kể câu chuyện của chính mình. Câu chuyện đó phải xuất phát từ đời sống xã hội của mình, thân thuộc với mình thì mới tạo ra bản sắc Việt”.

Trailer phim Trạng Tí phiêu lưu ký: 

 

 

Nỗ lực đưa chất Việt vào phim không chỉ là cách đến gần người xem trong nước, mà còn là cách để các nhà làm phim đưa phim mình đi xa hơn, ra thị trường quốc tế. Theo đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, điện ảnh được xác định là ngành giàu tiềm năng và có nhiều cơ hội bứt phá. Muốn vươn lên thành một ngành công nghiệp và đi ra biển lớn, điện ảnh phải dùng yếu tố văn hóa để làm “vũ khí”. Muốn vậy, chỉ có cách tạo ra những câu chuyện “made in Việt Nam”, những nhân vật đậm đà nét Việt. Và điều đó chỉ thực sự có khi cả ê-kíp làm phim đều thuần Việt chứ không nương nhờ bóng dáng chuyên gia nước ngoài như xu hướng hiện nay.

Hương Nhu

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI