Phim Hàn Quốc tiếp tục khẳng định vị thế toàn cầu

02/11/2021 - 06:20

PNO - Điện ảnh Hàn Quốc đạt nhiều thành công vượt bậc, nhưng đi kèm đó là không ít thách thức xoay quanh vấn đề sở hữu trí tuệ.

Vị thế toàn cầu

Sau Ký sinh trùng, Kingdom và hiện tại là Squid Game, công nghiệp phim ảnh Hàn Quốc liên tiếp cho thấy sức sáng tạo và tiềm năng phát triển mạnh mẽ của mình. 

Không riêng Squid Game, xứ kim chi còn có thêm hai đại diện khác là My name (xếp thứ 6) và Điệu cha cha cha làng biển (xếp thứ 10) trong Top 10 phim ăn khách của Netflix.

Chỉ được tiếp thị rộng rãi ở châu Á, nên thành công vang dội của Squid Game tại thị trường Bắc Mỹ và châu Âu - dù không được chú trọng khâu quảng bá - một lần nữa khẳng định sức hút của phim ảnh xứ kim chi. Những năm gần đây, cốt truyện, kỹ xảo của phim Hàn đã được nâng tầm đáng kể, gây không ít bất ngờ cho giới làm phim thế giới. Ngày càng nhiều kịch bản gốc Hàn Quốc được các nước Mỹ, Anh… làm mới. Gần nhất là tác phẩm hành động giả tưởng của đạo diễn Yoon Jae-Geun- Spiritwalker được Hollywood mua bản quyền và sẽ được làm lại trong thời gian tới.

Cơn sốt Squid Game tiếp tục giúp ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc khẳng định vị thế toàn cầu
Cơn sốt Squid Game tiếp tục giúp ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc khẳng định vị thế toàn cầu

Lorenzo di Bonaventura - người từng sản xuất các bom tấn Biệt đội G.I. Joe: Cuộc chiến mãng xàTransformers, phụ trách làm lại Spiritwalker - đánh giá: “Đây là một trong những bộ phim sáng tạo và phi thường nhất mà tôi đã xem những năm gần đây”. Theo Bloomberg, chỉ chi 21,4 triệu USD để sản xuất Squid Game nhưng Netflix đã hưởng lợi gấp 39 lần, ước tính lên đến 900 triệu USD nhờ lượng người đăng ký nền tảng và giá cổ phiếu tăng vọt.

Thách thức vấn đề sở hữu trí tuệ

Với việc vừa đảm bảo chất lượng lẫn thành công về mặt thương mại, không quá khó hiểu khi nội dung gốc Hàn Quốc đang trở thành miếng mồi béo bở cho các nền tảng trực tuyến Netflix, Disney+, Apple TV +… Năm 2021, Netflix đã chi 500 triệu USD cho loạt dự án phim xứ kim chi, trong khi Walt Disney cũng bật đèn xanh cho hàng chục tựa phim gốc tại đây.

Tuy nhiên đi kèm với những khoản tiền đầu tư khủng, bản thân các nhà làm phim xứ Hàn cũng đối mặt muôn vàn thách thức, nhất là việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IP) và quyền lợi của mình. Tờ Korea Times chỉ ra việc các “ông lớn” trực tuyến chấp nhận rủi ro lớn, sử dụng phương thức “mua trước” IP khi dự án chỉ mới lên kế hoạch là con dao hai lưỡi đối với ngành công nghiệp phim trong nước.

Phim Điệu cha cha cha làng biển
Phim Điệu cha cha cha làng biển

Ê-kíp đoàn phim không phải lo sợ tìm kiếm nhà đầu tư để chi trả hàng triệu đến chục triệu USD kinh phí sản xuất, nhưng đổi lại họ sẽ bị mất quyền tự quyết. Netflix chịu trách nhiệm hoàn toàn về khâu sản xuất, quảng bá và lồng tiếng ở nước ngoài, cho các nhà sản xuất địa phương nhận tỷ suất lợi nhuận 10-30% để đổi lại quyền phân phối toàn cầu, tuy nhiên họ sẽ không được nhận thêm ưu đãi nào dù tác phẩm thắng lợi lớn đến đâu.

Bên cạnh việc bị mất quyền sở hữu trí tuệ, một vấn đề khác khiến các nhà làm phim xứ Hàn nhức nhối không kém chính là việc Netflix không thể kiểm soát được nạn tải phim lậu ở Trung Quốc, mặc dù dịch vụ phát trực tuyến của nền tảng vẫn chưa khả dụng ở quốc gia tỷ dân.

Trailer phim  Squid Game:

 

Đại sứ Hàn Quốc tại Trung Quốc Jang Ha-sung bức xúc khi bom tấn Squid Game đã bị phân phối bất hợp pháp trên khoảng 60 trang web ở xứ Trung và yêu cầu Bắc Kinh có hành động chống lại các hành vi phi pháp này. Trong thời gian tới khi các nền tảng Netflix, Disney+, Apple TV +… đổ xô tấn công thị trường Hàn Quốc, hứa hẹn sẽ càng đặt ra nhiều bài toán khó nhằn hơn cho các nhà sản xuất và quản lý phim ảnh Hàn Quốc, xoay quanh vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. 

Chung Thu Hương 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI