Phim giang hồ mạng: Mối nguy khi chưa có cơ chế quản lý

18/09/2021 - 08:16

PNO - Thời gian qua, nhiều phim chiếu mạng đề tài giang hồ xuất hiện ồ ạt trở lại, với những cảnh bạo lực khiến người xem rùng mình.

Loạt phim Lá bài tẩy, Tương sinh tương khắc, Tam thái tử đại náo Thái Lan, Bông hồng lửa… vừa mở màn đầy những cảnh giết chóc, thanh toán nhau giữa các băng nhóm bằng súng, thuốc độc… Bi Long đại ca nhiều chất bạo lực, từ giành hàng, tra hỏi, đến đoạt mạng nhau bằng súng. Trong tập ba, còn có cảnh một nhân vật chơi bạc bịp bị chặt tay bằng mã tấu…

Chắc chắn với truyền hình hay điện ảnh, những cảnh quay có tính chất man rợ và diễn ra liên tục khó có cơ hội xuất hiện, nhưng ở phim chiếu mạng, bạo lực diễn ra vô tội vạ. Rất nhiều cảnh khiến người xem ám ảnh. 

Đáng ngại hơn, một số phim đang “tẩy trắng” hình ảnh những tội phạm giang hồ. Ở Tam thái tử đại náo Thái Lan, ba nhân vật chính là những người trượng nghĩa, dũng cảm vì sự nghiệp chung của xã đoàn. Còn Tương sinh tương khắc, nhân vật chuyên đi đòi tiền bảo kê nhưng toàn nói “lời hay ý đẹp”, khuyên mọi người phải sống tốt… Nhân vật Thập Bát Ca (phim Bi Long đại ca) bắn chết người chỉ vì muốn trả ơn cho ân nhân. Tất cả được phát hành miễn phí trên YouTube hoặc ứng dụng xem phim (có thể có trả phí).

Cảnh A Chề và đồng bọn thu tiền bảo kê trong phim Tương sinh tương khắc
Cảnh A Chề và đồng bọn thu tiền bảo kê trong phim Tương sinh tương khắc

Việc quản lý những cơ chế phát hành này vẫn còn là bài toán khó. Hôm 14/9, tại phiên họp thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, trong đó vấn đề phát hành phim trên mạng được quan tâm. Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Văn Hùng cho biết dựa theo phân tích tình hình thực tế, đa số thành viên Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất chọn phương án cho phép các nhà phát hành tự kiểm và chịu trách nhiệm, Bộ VH-TT&DL sẽ hậu kiểm.

Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết Thường trực Ủy ban đề xuất thêm phương án kết hợp hậu kiểm và tiền kiểm một cách hợp lý. Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý với đề xuất này.

Bà Dương Cẩm Thúy - Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM và NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, cho biết hiện chỉ có thể nhắc nhở nghệ sĩ, chứ không có biện pháp xử lý. Việc trông chờ vào ý thức của họ đôi khi rất khó, vì cái tôi, quan điểm riêng khó tác động. NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng các khái niệm vi phạm thuần phong mỹ tục, kích động bạo lực, tác động tiêu cực đến sức khỏe, tâm lý của cộng đồng trong Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn phải được làm rõ, để từ đó có căn cứ để Sở VH-TT&DL xử lý, góp phần chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ. 

Gần đây, dự thảo quy tắc ứng xử của nghệ sĩ cũng đề cập đến tiêu chí ra mắt sản phẩm của họ. Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh - cho rằng Luật An ninh mạng cũng có một phần điều chỉnh nội dung trên môi trường mạng. Khi những thành tố này được vận hành hiệu quả, kết nối chặt chẽ, mới có thể hy vọng kiểm soát được những sản phẩm “giang hồ mạng”. 

Trung Sơn

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI