Phim đề tài gia đình ăn khách, nhờ đâu?

08/01/2025 - 07:42

PNO - Từ phim thương mại đến phim nghệ thuật, chủ đề gia đình với câu chuyện muôn thuở về mâu thuẫn thế hệ đang được các nhà làm phim khai thác. Khán giả bị hấp dẫn bởi những kịch tính gia đình, giúp các phim đạt doanh thu “khủng”.

Làm mới cái cũ

Bộ phim Chị dâu đã khép lại 1 năm rực rỡ của điện ảnh Việt ở phòng vé khi đang tiến gần đến mốc doanh thu 100 tỉ đồng trong tuần này. Lần đầu trong lịch sử, doanh thu phim nội vượt qua con số 1.900 tỉ đồng, chiếm 40% tổng doanh thu phòng vé trong năm 2024 (gần 4.700 tỉ đồng, theo Box Office Việt Nam). Điểm nổi bật ở phim Việt năm nay là sự tiếp tục thắng thế của đề tài gia đình.

Chủ đề gia đình, mâu thuẫn giữa các thành viên trong nhà được các nhà làm phim khai thác trong phim nghệ thuật Mưa trên cánh bướm (trên) và phim thương mại Chị dâu (dưới) - Ảnh do đoàn phim cung cấp
Chủ đề gia đình, mâu thuẫn giữa các thành viên trong nhà được các nhà làm phim khai thác trong phim nghệ thuật Mưa trên cánh bướm (trên) và phim thương mại Chị dâu (dưới) - Ảnh do đoàn phim cung cấp

Trong số 9 phim thắng lớn doanh thu, chỉ có Ma da không khai thác chuyện các thành viên trong gia đình căng thẳng, gây gổ, còn lại đều là những cuộc đụng độ nảy lửa của người một nhà. Việc các phim ăn khách dù khai thác chủ đề gia đình “xưa như trái đất” một phần nhờ biết cách đưa vào cái mới. Cùng đề cập tình mẫu tử, Gặp lại chị bầu có yếu tố xuyên không hiếm phim nào làm trong khi Lật mặt 7: Một điều ước có cách kể chuyện đa tuyến, cốt truyện mang tính tổ hợp: 5 câu chuyện nhỏ xoay quanh 1 nhân vật trung tâm. Cùng đề cập mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái, phim Cô dâu hào môn lồng ghép yếu tố thời sự về chuyện “phông bạt”, còn Mai chạm đến trái tim người xem khi kể về nỗi niềm của một phụ nữ đơn thân - đối tượng ít khi được chọn làm trung tâm trên màn bạc.

Cũng tôn vinh tình phụ tử như phim ăn khách Bố già (2021), nhưng tình cha con trong Làm giàu với ma khác lạ hơn nhờ được kể qua góc nhìn hài hước, kinh dị. Chưa kể, ý tưởng kiếm tiền từ người âm cũng chưa phim Việt nào làm. Yếu tố kinh dị, ma mị, việc tranh giành gia sản trong gia tộc cũng được thấy trong phim Linh Miêu: Quỷ nhập tràng và sắp tới là phim Nhà gia tiên. Bên cạnh các mối quan hệ cha - con, mẹ - con thường xuyên được khai thác, các nhà làm phim bắt đầu khai thác những mối quan hệ khác cũng bi hài không kém như chuyện chị dâu - em chồng (phim Chị dâu), chị em bạn dâu (phim Linh Miêu: Quỷ nhập tràng).

Dòng phim nghệ thuật cũng chuộng khai thác đề tài gia đình. Xung đột dì - cháu trong Cu li không bao giờ khóc được thể hiện một cách đầy chiêm nghiệm, tĩnh lặng, qua tông màu phim đen trắng. Xung đột mẹ - con trong Mưa trên cánh bướm được khắc họa dưới góc nhìn hài hước pha chút kinh dị, kỳ ảo. Đó đều là những nét đặc sắc, riêng biệt mà các phim Việt trước đây chưa có. Dấu ấn cá nhân trong cách kể chuyện cho thấy chủ đề gia đình vẫn có nhiều cách “biến hóa” để không bị trùng lắp.

Đừng ngủ quên trên chiến thắng

Nhìn lại 27 phim truyện ra rạp trong năm qua, đề tài gia đình chiếm một nửa. Sự lên ngôi của những bộ phim về gia đình, kể chuyện khoảng cách thế hệ là điều tất yếu, vì đây là vấn đề thời đại, người xem ai cũng thấy mình trong đó nên dễ tìm thấy sự đồng cảm. Gia đình với người Việt là nền tảng văn hóa, giáo dục, góp phần hình thành nên phẩm chất con người. Do vậy, chủ đề này càng được quan tâm hơn bao giờ hết.

Nhà  gia tiên,
Nhà gia tiên, bộ phim hứa hẹn sẽ mang tính “chữa lành”

Trong khi đó, các phim nói về người trẻ và những câu chuyện liên quan đến giới trẻ như Trước giờ yêu, Móng vuốt, Mùa hè đẹp nhất, Kính vạn hoa: Bắt đền con ma lại không được người xem đón nhận bằng. Kể cả những phim gia đình nhưng nói chuyện “người thứ ba”, ngoại tình tưởng chừng rất “hot” vẫn cũng thua đau ngoài rạp như Đóa hoa mong manh, Quý cô thừa kế 2, Trà. Tuy nhiên, không hẳn phim nào khai thác chủ đề gia đình cũng ăn khách. Điển hình là một số phim có góc nhìn cũ kỹ như Hai Muối hoặc “lạc quẻ” như Công tử Bạc Liêu đều không đạt doanh thu như mong đợi, dù đầu tư tốn kém.

Gia đình đã, đang và sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng dồi dào của các nhà làm phim, vì đúng thị hiếu người xem và phù hợp với năng lực đầu tư, sản xuất, quy mô phòng vé. Nhưng món ngon ăn mãi cũng ngán. Chuyện gia đình trên màn ảnh rộng thời gian qua thường ngập chìm trong bi kịch, khóc nhiều hơn cười. Đây cũng là điều cần thay đổi vì người xem muốn được ra rạp để giải trí, thư giãn nhẹ nhàng hơn là rời rạp với tâm trạng nặng nề, ám ảnh vì những câu chuyện quá u tối. Đành rằng thông điệp cuối cùng của mỗi bộ phim đều nhân văn, hướng người xem đến những giá trị chân - thiện - mỹ, nhưng việc phim nào cũng chăm chăm khai thác những góc tối, đầy “drama” để kéo khách sẽ khiến phim Việt rơi vào sự nhàm chán.

Phim ảnh nước ngoài từ lâu đã mở rộng đề tài, chạm đến những vấn đề lớn trong xã hội, tuy nhiên năng lực của các nhà làm phim trong nước chưa đủ sức vươn tới những chủ đề rộng lớn đó. Một khi quanh quẩn mãi với chủ đề gia đình “xưa như trái đất”, điện ảnh Việt sẽ khó lớn mạnh. Nhìn sang mảng truyền hình, các nhà làm phim cũng từng có thời gian dài theo đuổi dòng phim chủ đề gia đình, lạm dụng “drama”, nhưng gần đây đã bắt đầu chuyển hướng sang những bộ phim mang màu sắc tươi sáng. Người xem cũng chờ đợi sự “bẻ lái” này ở phim điện ảnh, với những tác phẩm được hứa hẹn sẽ mang tính “chữa lành” sắp ra như Nhà gia tiên, Chốt đơn, Lật mặt 8: Vòng tay nắng.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI