Phát triển công nghiệp điện ảnh: Phải đổ móng rồi mới xây nhà

15/12/2021 - 13:04

PNO - Thực tế này cho thấy nhân tài làm phim trong nước không thiếu, vấn đề nằm ở chỗ nguồn nhân lực đang bị phân tán, thiếu bàn tay hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam, điện ảnh là ngành được kỳ vọng nhiều nhất. Tuy nhiên, việc đưa điện ảnh tiến lên, trở thành ngành công nghiệp, và xa hơn nữa là ngành kinh tế mũi nhọn, đang đối mặt với thách thức lớn về vấn đề con người.

Thiếu và yếu

Ngày 8/12 vừa qua, Bộ Văn Hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức hội nghị - hội thảo Tổng kết bảy năm thực hiện Chiến lược phát triển Điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tại sự kiện này, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã nhìn nhận thẳng thắn những điều chưa làm được của điện ảnh Việt, trong đó có hạn chế về nguồn nhân lực.

Không phải đến bây giờ, hạn chế này mới được nhìn thấy, mà lâu nay, ngay cả khán giả bình thường cũng nhận ra điều đó khi thấy sự tham gia ngày càng nhiều của các chuyên gia quốc tế trong các sản phẩm phim Việt. Điện ảnh có đặc trưng là ngành tổng hợp, mỗi tác phẩm là công trình tập thể, do đó, quá trình sáng tạo cần người giỏi ở tất cả các khâu mới có thể tạo ra bộ phim hay. Nhưng công tác đào tạo ở trường lớp chính quy ngành này hiện chỉ tập trung vào những vị trí quen thuộc như biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim…

Tìm nhân lực chất lượng cao là bài toán khó cho các đoàn phim
Tìm nhân lực chất lượng cao là bài toán khó cho các đoàn phim

Đạo diễn Lương Đình Dũng nhận định: “Để phát triển điện ảnh lên một ngành công nghiệp, thì việc đào tạo nhân sự là quan trọng nhất, nhưng hiện nay đang bị thiếu quá nhiều. Các trường đại học chuyên ngành đào tạo chưa đầy đủ các hạng mục quan trọng trong làm phim, ví dụ như vị trí người sản xuất, kỹ xảo hay đạo diễn hành động... trong khi phim là sự kết hợp của rất nhiều thành phần, một khâu yếu kém là phim dễ có sạn ngay”.

Đầu tư làm phim ở Việt Nam hiện nay không phải là ngành nghề sinh lợi, mà ngược lại còn tiêu tốn nhiều tiền, nên không có sức hấp dẫn đối với các tài năng. Trong buổi nói chuyện gần đây về chủ đề thuần phong mỹ tục, đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng còn có nhiều vấn đề khác cản trở điện ảnh Việt, ngoài câu chuyện thuần phong mỹ tục, đó còn là vấn đề nội lực: “Việt Nam vẫn là điện ảnh nhỏ, thiếu nhân lực, chưa thu hút được người giỏi, công tác đào tạo quá yếu. Điện ảnh chưa có sức hút lớn để lôi kéo tài năng lớn. Vận hành điện ảnh giống như vận hành ngành công nghiệp, từ quản lý, sáng tạo, thực hành, làm các công việc cụ thể... Phải có cách cởi trói vướng mắc, có chính sách thông thái, xây dựng cơ chế vận hành, mở cửa hợp tác quốc tế, lôi kéo những người nghiên cứu điện ảnh về nước, xây dựng được nền tảng thì mới có điện ảnh tốt”.

Giải bài toán nhân lực

Trong khi chờ đợi một giải pháp căn cơ, mang tính hệ thống, thì giới làm phim tự tìm cách xoay xở. Các nhà làm phim trẻ ra nước ngoài học làm phim, tham gia các khóa học chuyên môn ngắn hạn do các trung tâm điện ảnh tổ chức. Một hình thức đào tạo khác nữa là các đoàn phim tuyển người thực tập. Ngoài ra, việc các đoàn phim mời các chuyên gia nước ngoài cũng là cách đào tạo gián tiếp chuyên môn cho người trong nước.

Vài năm gần đây, một số người làm nghề nỗ lực trao truyền kiến thức cho thế hệ sau bằng cách chung tay tổ chức các buổi workshop, hoặc các khóa học làm phim dành cho các bạn trẻ theo mô hình lưu trú. Dưới góc độ một người từng là học viên của mô hình kiểu như trên, đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp cho biết: “Việc cùng nhau ăn, ở, học làm phim chung đem lại lợi ích lớn cho người học, khi vừa được dạy kỹ năng “mềm” là rèn luyện mối quan hệ, vừa có kỹ năng “cứng” là các kiến thức thực tế về nghề”.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đang hướng dẫn dàn cảnh hiện trường và chỉ đạo diễn xuất-hai kỹ năng quan trọng trong nghiệp vụ đạo diễn- cho các học viên trong chương trình huấn luyện TPD Short Film Camp dành riêng cho cộng đồng học viên của Trung tâm TPD
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đang hướng dẫn dàn cảnh hiện trường và chỉ đạo diễn xuất-hai kỹ năng quan trọng trong nghiệp vụ đạo diễn- cho các học viên trong chương trình huấn luyện TPD Short Film Camp dành riêng cho cộng đồng học viên của Trung tâm TPD

Có thể nói những cách đào tạo nhanh, trực diện này đã và đang phát huy hiệu quả khi cho “ra lò” nhiều nhà làm phim trẻ tài năng. Hiếm thấy những sinh viên nào đến từ các trường lớp chính quy trong nước có phim đi xa đến các liên hoan phim quốc tế, nhưng hiện nay lại có rất nhiều bạn trẻ vốn chỉ tự học thêm ở các trung tâm điện ảnh, hoặc xuất thân từ các khóa đào tạo ngắn hạn đã đạt được những thành công nhất định, bước đầu làm rạng danh phim Việt ở thị trường nước ngoài. Thực tế này cho thấy nhân tài làm phim trong nước không thiếu. Vấn đề nằm ở chỗ nguồn nhân lực đang bị phân tán, thiếu bàn tay hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Đạo diễn Lương Đình Dũng đề xuất: “Gọi là công nghiệp điện ảnh thì phải đúng nghĩa là sản xuất chuyên nghiệp, và quy trình bài bản mới có chất lượng phim ổn định. Vì thế, Nhà nước cần cử người đi học nước ngoài nhiều hơn, có nhiều quỹ để hỗ trợ các thế hệ sinh viên ra nước ngoài học chuyên ngành điện ảnh, tất nhiên không chỉ học đạo diễn, quay phim hay hóa trang... Ngành nào chúng ta cũng khuyến khích đi học, thì chất lượng chuyên môn của các hạng mục sẽ đồng đều hơn trong việc sản xuất phim. Tránh việc đạo diễn hay quay phim làm việc theo một quy trình, và các thành viên khác theo một quy trình khác. Trong một phim mà chất lượng chuyên môn các khâu không đồng đều, thì chất lượng phim đương nhiên sẽ bất ổn”.

Muốn xây nhà phải bắt đầu từ móng. Trước khi hướng đến những mục tiêu cao xa trong giấc mơ đưa điện ảnh Việt thành ngành công nghiệp văn hóa, đầu tiên phải bắt đầu từ công tác đào tạo, vì con người là yếu tố nền tảng để biến mọi ước mơ thành hiện thực. Nhân tài trong ngành làm phim có lẽ không thiếu, nếu có chính sách đào tạo, đãi ngộ hợp lý, nhiều khả năng sẽ quy tụ được để hợp thành nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp điện ảnh Việt tiến lên.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI