Phản chiếu từ Qatar

23/11/2022 - 09:29

PNO - World Cup 2022 ở Qatar được xem là đắt đỏ nhất trong lịch sử các kỳ World Cup với khoảng gần 300 tỉ USD được nước chủ nhà chi ra sau khi giành quyền đăng cai từ 12 năm trước, gấp 15 lần chi phí bỏ ra của Liên bang Nga khi tổ chức kỳ World Cup 2018.

Trái bóng World Cup 2022 lăn, cuốn theo khoảng 1,5 triệu du khách đến quốc gia chỉ khoảng 3 triệu dân này. World Cup cũng là mùa làm ăn của giới kinh doanh, là dịp mua sắm, du lịch, vui chơi của du khách ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước yêu thích bộ môn thể thao vua.

Việt Nam - 1 quốc gia có người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt nhất nhì châu Á, những mùa World Cup trước, khi quả bóng chưa lăn, các trung tâm thương mại, siêu thị đã nhộn nhịp các chương trình khuyến mãi ti vi màn hình rộng. Quán xá, điểm ăn uống, khu vui chơi cũng tất bật chuẩn bị mặt bằng đủ rộng, trang trí bắt mắt để thu hút các fan. Các công ty du lịch liên tục mở các tour du lịch kết hợp xem bóng đá. Các báo, đài, các công ty truyền thông tràn ngập chương trình dự đoán kết quả World Cup.

Năm nay, trước và sau tiếng còi khai cuộc World Cup, không khí kỳ hội bóng đá ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ khá yên ắng. Các tour xem World Cup năm nay có phần kém sôi động hơn so với các kỳ World Cup trước. Lượng khách chốt tour được ghi nhận thấp hơn các kỳ trước do chi phí cao và tình hình kinh tế khó khăn.

Thay vì đến quán nhậu, nhà hàng như các kỳ World Cup trước, nhiều người chọn cách “hợp tác xã”, hùn tiền đến nhà ai đó xem chung. Các quán, các gia đình cũng tận dụng các chương trình khuyến mãi để mua ti vi hoặc chọn cách thuê ti vi, máy chiếu để giảm mức chi tiêu, đầu tư. World Cup 2022 đang phản chiếu xu hướng tiêu dùng, cho thấy thói quen chi tiêu mới thích ứng với khó khăn chung thời hậu COVID-19. 

Trên thực tế, xu hướng tiêu dùng tiết kiệm đã hình thành từ lúc đại dịch hoành hành. Hiện nay, nhiều người dân cho biết họ ưu tiên mua những hàng hóa thực sự cần thiết cho cuộc sống, trong đó ưu tiên số 1 là thực phẩm, đồng thời cũng có sự lựa chọn kỹ lưỡng về giá cả trước khi mua, hạn chế tối đa các dịch vụ vui chơi đắt đỏ…

Những bất ổn kinh tế sau đại dịch COVID-19, sự thay đổi chính sách kinh tế của nhiều quốc gia và tình hình chiến sự ở Ukraine đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng trên phạm vi toàn cầu. 1 nghiên cứu gần đây của McKinsey cho thấy, tại Mỹ, 2/3 người tiêu dùng cho biết mối quan tâm lớn nhất của họ là giá cả và lạm phát tăng. Con số này vượt xa những lo ngại về bạo lực súng đạn/an toàn cá nhân và cả về COVID-19.

Xu hướng này, buộc các doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách phải có những phản ứng kịp thời.

World Cup 2022 được xem là giải đấu vô cùng đặc biệt. Đặc biệt không chỉ vì nó diễn ra trong mùa đông không phải mùa hè, hay vì 1 quốc gia nhỏ nhất đăng cai giải bóng đá lớn nhất hành tinh mà còn vì quả bóng lăn trong tình hình chính trị thế giới phức tạp, kinh tế nhiều nước đi xuống, vật giá leo thang, ảnh hưởng đại dịch COVID-19 vẫn còn, tình trạng công nhân mất việc xảy ra ở nhiều quốc gia… Vì vậy kỳ World Cup càng được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều niềm vui, sự an ủi và chữa lành…

Với sự hấp dẫn vốn có của môn thể thao vua, của kỳ hội bóng đá lớn nhất hành tinh, World Cup 2022 vẫn là sự kiện đáng để người hâm mộ Việt Nam chờ đợi và thưởng thức. Nhưng sự phản chiếu từ World Cup cũng giúp chúng ta nhận ra, sau 1 tháng háo hức cùng World Cup là rất nhiều khó khăn phải đối mặt, nhất là khi tết đã cận kề. Và cũng đừng để sự ham mê dẫn lối đến những tệ nạn đỏ đen phải chịu cảnh tan cửa nát nhà như những mùa bóng đã qua. 

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI