'Phái sinh' ca khúc kiểu 'Mưa hồng': Chỉ có ở thời âm nhạc mất kiểm soát

17/05/2019 - 15:40

PNO - Việc Bùi Lan Hương cải biến ca khúc 'Mưa hồng' (Trịnh Công Sơn), 'Dư âm' (Nguyễn Văn Tý) và giới thiệu trên mạng xã hội gây phản ứng trái chiều. Từ góc độ chuyên môn và luật, câu chuyện này ra sao?

Nếu không xét đến tác giả thì hai ca khúc được gọi là Mưa hồngDư âm khá thú vị, sáng tạo. Có thể Mưa hồng “phiên bản mới” sẽ khiến “tín đồ” nhạc Trịnh Công Sơn khó chịu vì nó đã phá vỡ không gian âm nhạc vốn được mặc định của nhạc Trịnh - không hoa mỹ, không cường điệu hóa, mà nhẹ nhàng, mang tính tĩnh trong giai điệu và lời ca. Dư âm mới đã tạo nên một không gian mới, với những ca từ lãng mạn vẫn còn được giữ tương đối so với nguyên bản. 

Các “phiên bản” mới này hoàn toàn có thể có đời sống độc lập nếu những người sáng tạo ra chúng có cách nhìn nhận đúng. Để thổi một không gian âm nhạc mới gần như hoàn toàn, chỉ những người trẻ tài năng mới mong làm được. Nhưng sửa cả nhạc và lời tác phẩm nổi tiếng của tiền bối thì cũng chỉ những người trẻ ít kinh nghiệm mới dám làm.

'Phai sinh' ca khuc kieu 'Mua hong': Chi co o thoi am nhac mat kiem soat
Ca khúc Mưa hồng, bản gốc của Trịnh Công Sơn và bản “phái sinh” của Bùi Lan Hương

Nói cho công bằng, hai phiên bản mới không còn là ca khúc của Trịnh Công Sơn và Nguyễn Văn Tý, bởi giai điệu không đúng, lời ca không đúng. Chia sẻ về việc cải biến giai điệu và phần lời,  Bùi Lan Hương khẳng định “sẽ cố gắng giữ tinh thần của bài hát” và chỉ đích danh tên hai ca khúc đó là Mưa hồng của Trịnh Công Sơn và Dư âm của Nguyễn Văn Tý. Việc làm này là rất tùy tiện, vi phạm nghiêm trọng quyền tác giả.

Báo chí dùng thuật ngữ phái sinh để nói về việc sửa nhạc sửa lời này. Nhưng Luật Sở hữu trí tuệ minh định: tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn. Luật cũng nói: tác phẩm phái sinh là tác phẩm do cá nhân/những cá nhân trực tiếp sáng tạo, được hình thành trên cơ sở một/những tác phẩm đã tồn tại (tác phẩm gốc) trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học, được thể hiện bằng bất kỳ phương thức hay hình thức nào khác biệt với phương thức hay hình thức thể hiện của tác phẩm gốc, thông qua một dạng vật chất nhất định.

Trong văn học, chúng ta có Truyện Kiều là tác phẩm phái sinh nổi tiếng, chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Vân Kiều có từ thời nhà Minh ở Trung Quốc thành truyện thơ. Nhà văn - tiến sĩ Phạm Việt Long cũng chỉ ra một dạng phái sinh khác - từ một bài thơ trở thành tác phẩm khí nhạc. Đó là trường hợp “bài thơ Chiều Hương giang của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, được một nhạc sĩ người Mỹ ở dàn nhạc giao hưởng New York lấy cảm hứng, viết nên bản giao hưởng lấy tên bài thơ và ghi rõ tên tác giả thơ Nguyễn Khoa Điềm”.

Trong âm nhạc Việt Nam, thuật ngữ phái sinh rất ít được dùng, dù các hình thức sáng tạo được hiểu là phái sinh đã xuất hiện từ lâu. Phổ biến nhất là các tác phẩm biến tấu cho một nhạc cụ hoặc dàn nhạc dựa trên một tác phẩm âm nhạc đã có từ trước. Chẳng hạn Biến tấu cho Piano trên chủ đề Lới lơ (một làn điệu chèo cổ) của Lưu Hữu Bùi hay tác phẩm Cây tre Việt Nam - biến tấu trên chủ đề Cây trúc xinh… Tác phẩm sáng tác dựa trên một tác phẩm khác ra đời trước đó cũng đã được nhiều nhạc sĩ Việt làm. Nhạc sĩ Trọng Bằng đã từ bài Tình ca của nhạc sĩ Hoàng Việt mà sáng tác nên ca khúc Vang mãi bản tình ca...

'Phai sinh' ca khuc kieu 'Mua hong': Chi co o thoi am nhac mat kiem soat

Với âm nhạc thế giới, các tác phẩm phái sinh có từ nhiều thế kỷ và khá phổ biến. Tuy nhiên, khi biến tấu hay ngẫu hứng trên chủ đề của một tác phẩm đã có từ trước, các nhạc sĩ luôn quan tâm cách gọi tên tác phẩm, để tránh những hiểu lầm đáng tiếc. Trường hợp Tình caVang mãi bản tình ca là hai cái tên riêng biệt, nhưng vẫn có sự gắn kết với nhau. Nếu chú ý đến chi tiết này và hiểu về các hình thức âm nhạc, nghệ sĩ có thể biến tấu, phóng tác… chủ động và tự do; song cần tôn trọng tác phẩm gốc, không lấy tên gọi cũ đối với tác phẩm phái sinh cùng thể loại, để tránh gây hiểu nhầm, đồng thời rõ ràng về thông tin giữa hai tác phẩm. Mỗi tác phẩm sẽ có đời sống riêng, tác phẩm mới có thể được đón nhận nhiều hơn cả tác phẩm gốc hoặc ngược lại.

Sai lầm lớn nhất của Bùi Lan Hương nằm ở cách thể hiện. Cô đã không đặt tên khác cho tác phẩm. Việc xuất bản tác phẩm hiện nay quá dễ dàng, ai cũng có thể tự làm và vai trò của các hội đồng xét duyệt đã mất. Nếu có hội đồng xét duyệt, hai tác phẩm kể trên sẽ không thể xuất bản, nếu không gọi tên khác, theo đúng những nguyên tắc mà giới âm nhạc đã và đang thực hiện, bởi các hội đồng luôn tôn trọng quyền tác giả, thậm chí ca sĩ chỉ hát sai một lời cũng không được chấp nhận. 

Nguyễn Quang Long

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI