Nông nghiệp xanh trong lòng đô thị

24/07/2020 - 11:36

PNO - Thời gian qua, ở Q.9, TP.HCM, nhiều phụ nữ đã dấn thân vào con đường khởi nghiệp với các mô hình nông nghiệp xanh. Dù còn nhiều khó khăn nhưng các chị vẫn đang vững bước bởi được các cấp Hội Phụ nữ động viên, hỗ trợ kịp thời.

Từ một cuộc chơi

Đứng giữa những giỏ nấm bào ngư vừa được dán nhãn để giao cho khách hàng, chị Hoàng Thị Thanh Thảo - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ nấm Thảo Nguyên Xanh (P.Phước Long B, Q.9) - cười khi được hỏi về chuyện khởi nghiệp. Với chị, buổi ban đầu cách đây 8 năm, nấm chỉ là một cuộc chơi, do tò mò nên chị đã trồng thử xem có “ra ngô ra khoai” gì không. 

“Tôi vốn con nhà nông ở Lâm Đồng, từ bé đã theo phụ ba mẹ trồng chè, cà phê. Hết lớp 12, tôi xuống Sài Gòn học nghề may rồi mở tiệm gia công quần áo, thú nhồi bông. Tính tôi ham làm, lại gặp các chị bên Hội Phụ nữ rất nhiệt tình nên như được… chắp thêm cánh”, chị Thảo hào hứng. 

Chị Hoàng Thị Thanh Thảo (giữa) giới thiệu sản phẩm nấm bào ngư với khách hàng
Chị Hoàng Thị Thanh Thảo (giữa) giới thiệu sản phẩm nấm bào ngư với khách hàng

Cái sự “được chắp thêm cánh” bắt đầu từ lúc chị Thảo còn nhàn rỗi, được Hội Phụ nữ giới thiệu lên Nhà Văn hóa Phụ nữ học nấu ăn, làm bánh. Sau đó, chị ngừng gia công may vá để xin một chân phụ bếp trong khách sạn. Rồi chị lên nấu chính. Làm việc theo ca nên khi về nhà chị còn nhận nấu đám tiệc, làm bánh sinh nhật. 

Cuối năm 2012, đến công viên Tao Đàn chơi, thấy có gian hàng bày bán các loại nấm linh chi, bào ngư, chị Thảo lân la hỏi chuyện. Thấy khả năng của mình làm được, chị đặt mua phôi, đóng kệ sắt và giăng lưới trồng thử trên tầng thượng. Thu hoạch lứa nấm đầu tiên, chị Thảo làm món nấm hấp xả chấm nước tương, mời các chị cán bộ Hội đến ăn thử và được khen ngon.

Nhận được lời khen, chị Thảo như được cởi tấm lòng nên bắt đầu thuê mảnh đất 100m2 để làm trại nấm. Nhưng khi làm thật, chị đã nếm “mùi thất bại” vì chưa có kinh nghiệm. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đã giúp chị vốn vay, giới thiệu đi dự các lớp học về kỹ thuật và tham dự các chuyến tham quan mô hình trồng nấm hiệu quả khắp trong Nam, ngoài Bắc. 

Rồi kết quả cũng đã đến với chị. Nhưng đầu ra chưa có nên chị lại phải ôm từng bịch nấm ra chợ Thủ Đức chào hàng và được một tiểu thương “gật đầu” với số lượng 20kg mỗi ngày. Chị tự nhủ “không có con đường nào dễ dàng, mình phải cố gắng thôi”.

Đầu năm 2019, HTX Nông nghiệp hữu cơ nấm Thảo Nguyên Xanh ra đời với 7 thành viên, chị Thảo làm giám đốc. Ngoài cơ sở chính tại P.Phước Long B, Q.9, HTX đã mở rộng sản xuất ra các tỉnh Vĩnh Long, Lâm Đồng với các loại nấm bào ngư trắng, bào ngư xám, nấm ngọc thạch, nấm hoàng đế, nấm mối, nấm notaky, nấm đùi gà, đông trùng hạ thảo… và đưa đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, Bình Điền và hệ thống Bách Hóa Xanh. Do cung chưa đủ cầu, HTX còn phối hợp lấy nấm từ một trang trại quy mô 10.000m2 ở Long Khánh (tỉnh Đồng Nai). 

Chị Thảo đang ấp ủ mục tiêu “tấn công” vào thị trường Đài Loan với sản phẩm nấm sấy khô. Chị khoe mới được Hội giới thiệu vay 100 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế để mua xe đông lạnh và tìm hiểu hệ thống máy sấy để có hướng đầu tư. 

Duyên mây, tre, lá

Cuối tháng Sáu vừa qua, trong phiên chợ do Hội LHPN và Liên đoàn Lao động Q.9 tổ chức để anh chị em công đoàn viên, hội viên phụ nữ bày bán các sản phẩm do mình làm ra, gian hàng mây tre lá của chị Trần Thị Thu Hương đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng.

Trong không gian chật hẹp của “xưởng sản xuất” hàng mây, tre, lá ở cuối đường Hồ Bá Phấn, P.Phước Long A, Q.9, chị Hương vừa tỉ mỉ kiểm tra chất lượng các sản phẩm, vừa hướng dẫn kỹ thuật may quai túi xách tre thời trang cho một nữ công nhân. Mặt bằng nhỏ nên phần lớn công đoạn đan thô chị Hương giao cho khoảng 50 hộ gia đình nhận về gia công.

Chị Thu Hương hướng dẫn công nhân làm quai túi xách tre thời trang tại cơ sở mây tre lá  Dạ Lý Hương
Chị Thu Hương hướng dẫn công nhân làm quai túi xách tre thời trang tại cơ sở mây tre lá Dạ Lý Hương

Chị Hương chia sẻ: “Những người nhận gia công đều ở tỉnh xa tới Sài Gòn lập nghiệp, ít nhiều đã biết đan mây tre, nên tôi rất an tâm. Tre, cói tôi lấy ngoài Ninh Bình. Cỏ bàng, lục bình thì đặt dưới Hậu Giang. Từ nguyên liệu tới thành phẩm đều làm bằng tay”. 

Trước đây, chị Hương từng làm việc trong một cơ sở mây, tre, lá ở Q.2. Đến năm 2016, chị quyết định đi con đường riêng. Ngoài sản phẩm gia dụng, chị mạnh dạn phát triển các loại túi xách thời trang, đèn nơm tre, khay đựng ấm trà và ly chén. Mặt hàng thời trang thường theo trào lưu, bùng nổ một thời gian rồi lại thoái trào, cho nên người làm nghề phải kiên trì và không ngừng đổi mới mẫu mã. Mỗi sản phẩm có giá từ 90.000-250.000 đồng.

“Cái may là hồi năm 2019, tôi được Hội LHPN TP.HCM tạo điều kiện tham gia ngày hội phụ nữ khởi nghiệp để giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người dân thành phố. Các phiên chợ mở tại Q.9, các chị luôn dành cho tôi một chỗ bày hàng. Nếu như trước, tôi chỉ chào bán sản phẩm cho các shop quanh Sài Gòn thì giờ mây, tre, lá đã đi muôn nơi, Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang, Hà Nội, qua cả Nhật, Úc, Mỹ, Nga” - chị Hương phấn khởi. 

“Nếu có quyết tâm thì không bao giờ muộn” 

Tôi đến hẻm 73, P.Tăng Nhơn Phú B gặp bà Trần Thị Mãnh, 60 tuổi. Mấy năm trước, vợ chồng bà có một sạp báo khá lớn trên đường Đình Phong Phú. Hai năm nay, do sức khỏe của chồng yếu nên bà phải tạm đóng cửa sạp để về phát báo tại nhà. Thời gian rảnh rỗi, không thể ngồi yên nên bà đã “cày xới” mảnh đất của mẹ cho mượn thành vườn rau với sự hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, ủ phân hữu cơ và chăm bón của cán bộ Hội Phụ nữ. 

Bà Mãnh chăm sóc vườn rau của mình
Bà Mãnh chăm sóc vườn rau của mình

Khu vườn hơn 200m2 của bà Mãnh xanh mướt với mướp, bí, dưa leo, rau cải, rau răm, khế, ớt, nha đam, lá giang… Sản phẩm làm ra từ khu vườn ban đầu được Hội Phụ nữ mua ủng hộ. Rồi tiếng lành đồn xa, nhiều người tới tận vườn coi cách trồng, chăm bón và kháo nhau về một địa chỉ trồng rau sạch. “Rau bán chạy hơn. Sẵn đà, tôi về Đồng Nai mua bưởi lên bán kèm, mỗi tháng cũng bán được hơn ngàn trái. Chúng tôi cứ như được sống lại những ngày xưa, chỉ khác là làm ăn nền nếp hơn, không tốn tiền mua phân bón vô cơ”.

Khởi nghiệp khi đời người đã qua bên kia sườn dốc, song bà Mãnh tin: “Nếu có quyết tâm thì không bao giờ muộn”. 

Từ năm 2016, Hội LHPN Q.9 đã khảo sát, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của chị em về khởi nghiệp, qua đó phối hợp cùng Hội Nông dân, Phòng Kinh tế quận tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng rau, nấm, sen, cây kiểng. Về vốn, Hội linh động giới thiệu cho chị em vay nhiều nguồn, đặc biệt là Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội LHPN TP.HCM. Ngoài ra, Hội cũng hướng dẫn cơ sở liên hệ UBND các phường Long Trường, Trường Thạnh, Long Phước nhờ kết nối, mượn những khoảnh đất bỏ trống để hội viên cải tạo trồng sen lấy ngó, lấy hạt, kết hợp xây dựng mô hình du lịch sinh thái với tổng diện tích hiện nay lên đến 17ha, thu hút rất đông khách đến tham quan, nghỉ ngơi dịp cuối tuần. Những mô hình này được các cấp ủy Đảng đánh giá cao về tính hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống kinh tế, tinh thần của chị em tại địa phương. 

Chị Lê Thị Mỹ Hạnh - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN Q.9

 

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI